MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ thị trường tiền tệ ảo của Alibaba lớn thứ 4 thế giới

12-03-2014 - 08:48 AM | Tài chính quốc tế

Mặc dù vừa mới ra đời cách đây 9 tháng, một quỹ thị trường tiền tệ ảo của Trung Quốc đã thu hút được số lượng nhà đầu tư nhiều hơn cả trên thị trường chứng khoán nước này.

Tính đến cuối tháng 1, Yu’e Bao – một quỹ ảo được “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba bắt đầu đưa vào hoạt động từ tháng 6 năm ngoái – có tới 81 triệu nhà đầu tư. Con số tăng vọt từ 49 triệu tính đến ngày 15/1 lên 81 triệu tính đến 26/2. Trong khi đó, trên cả Trung Quốc chỉ có 77 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán đang hoạt động. 

Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp Yu’e Bao lọt vào danh sách những quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới. Với ít nhất 500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 81 tỷ USD) tiền gửi, đây là quỹ thị trường tiền tệ lớn thứ tư thế giới. 

Tổng giá trị vốn hóa của các cổ phiếu trong chỉ số Shanghai Composite là 2.600 tỷ USD. 

Nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến Yu’e Bao cũng như một loạt mô hình có tính chất tương tự của Baidu và Tencent là bằng chứng rõ ràng nhất về tốc độ tăng trưởng của mô hình kinh doanh này chỉ trong 2 tháng trở lại đây. 

Các nhà đầu tư bị Yu’e Bao và các quỹ ảo khác thu hút bởi mức lãi suất hàng năm lên đến 6% dành cho tiền gửi có thể được rút ra theo nhu cầu. Trong khi đó, các ngân hàng Trung Quốc bị giới hạn bởi mức trần lãi suất 3,3% đối với tiền gửi kỳ hạn 1 năm. Còn đối với tài khoản tiền gửi tương tự như ở Yu’e Bao, lãi suất chỉ là 0,35%/năm. 

Tuy nhiên, tốc độ phát triển quá nhanh của khu vực vốn chưa từng tồn tại chỉ cách đây 1 năm cũng khiến nhiều người lo ngại mô hình này sẽ trở thành mối nguy hiểm cho nền kinh tế đang nặng nợ của Trung Quốc. 

Theo Lv Suiqi – chuyên gia đến từ ĐH Bắc Kinh, những sản phẩm tài chính mới xuất hiện trên Internet có thể khiến hệ thống tài chính của Trung Quốc gặp nguy hiểm. Nếu các nhà quản lý quyết định quản lý các sản phẩm này chặt chẽ hơn, lãi suất sẽ giảm mạnh. Người dân ồ ạt rút tiền gửi và vấn đề thanh khoản xuất hiện. 

Trong bài phát biểu tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết chính phủ sẽ “thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh của hoạt động ngân hàng trên Internet”. Từ “khỏe mạnh” có thể là dấu hiệu chính phủ muốn áp đặt giới hạn lên mảng này. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc cho rằng trọng tâm vẫn là thúc đẩy các cải tiến trong lĩnh vực ngân hàng. 

Một số chuyên gia phân tích cũng chỉ trích Alibaba và các đại gia Internet khác của Trung Quốc đang tiếp cận ngành tài chính theo cách mà họ xây dựng những công ty công nghệ khởi nghiệp: giành giật thị trường trước tiên và sau đó mới phát triển mô hình kinh doanh của riêng mình. 

PayPal cũng đã xây dựng một quỹ tương tự ở Mỹ và thu được một số thành công nhờ lãi suất cao. Tuy nhiên, cuối cùng quỹ này đã phải đóng cửa năm 2011 bởi nhà đầu tư tháo chạy khi lợi suất lao dốc. 

Thu Hương

huongnt

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên