MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rắc rối quan hệ Nga - Trung

28-05-2014 - 12:12 PM | Tài chính quốc tế

Ông Putin gọi đây là thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử khí đốt nước Nga. Tuy nhiên, đằng sau đó cũng là những yếu tố địa chính trị quan trọng.

Hôm 21/5, sau những trì hoãn kéo dài, Trung Quốc và Nga đã thông qua hợp đồng khí đốt khổng lồ với trị giá lên tới khoảng 400 tỷ USD. Giai đoạn 2018 đến 20148, Gazprom – tập đoàn dầu khí nhà nước lớn nhất nước Nga – sẽ cung cấp 38 tỷ m3 khí mỗi năm cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc. Thỏa thuận được đưa ra đúng lúc Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm 2 ngày tới Trung Quốc. Hai nước còn có nhiều hoạt động hợp tác khác như hội nghị an ninh khu vực và cuộc tập trận chung trên biển.

Ông Putin gọi đây là thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử khí đốt nước Nga. Tuy nhiên, đằng sau đó cũng là những yếu tố địa chính trị quan trọng. Thỏa thuận này sẽ giúp điện Kremlin giảm phụ thuộc vào việc xuất khẩu Nga sang châu Âu. Đây cũng là bằng chứng cho thấy ông Putin vẫn có đồng minh khi chống lại những lệnh cấm vận từ phương Tây. 

Cả Nga và Trung Quốc đều muốn khẳng định vị thế trong khu vực. Cả hai đều đang trong tình trạng quan hệ căng thẳng với Mỹ. Mới cách đây 40 năm, Richard Nixon và Henry Kissinger đã thuyết phục Trung Quốc quay lưng với Liên Xô và trở thành đồng minh của Mỹ. Liệu thỏa thuận ngày nay có phải là một chương mới trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ?

Trước khi tới Trung Quốc, Tổng thống Putin xuất hiện khá nhiều trên truyền thông Trung Quốc, tuyên bố rằng Trung Quốc là “người bạn tin cậy của Nga”. Ông cũng khẳng định hợp tác đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã chọn Nga là điểm tới thăm đầu tiên khi trở thành chủ tịch năm 2013.

Mối quan hệ hợp tác thương mại Nga – Trung cũng đang phát triển mạnh. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 90 tỷ USD trong năm 2013. Trước thỏa thuận khí đốt vừa qua, hai bên đã hi vọng có thể tăng gấp đôi kim ngạch vào năm 2020.

Nếu các ngân hàng phương Tây ngần ngại không muốn giải ngân khoản vay mới cho Nga, các ngân hàng Trung Quốc sẽ giúp Nga lấp đầy lỗ hổng này. Trung Quốc rất cần đến nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Nga đang dư thừa. Thỏa thuận khí đốt vừa qua giải tỏa mối lo ngại của Trung Quốc khi hầu hết nguyên liệu đang được cung cấp qua eo biển Malacca. Trung Quốc hiện đang đốt quá nhiều than, gây nên tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố. 

Về mặt chính trị, hồi tháng 3, Trung Quốc đã bỏ phiếu trống tại cuộc bỏ phiếu ở Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về việc bãi bỏ kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea.  Trung Quốc cũng cùng với Nga phủ quyết nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc cấm vận chính quyền của Bashar Assad. Nga và Trung Quốc cũng có cùng quan điểm đối với chương trình hạt nhân của Iran. 

Thêm một điểm chung giữa hai nước là vai trò trong khu vực. Động thái sáp nhập Crimea và tình hình ở miền Đông Ukraine khiến ông Putin có ít đồng minh hơn. Trong khi đó, Trung Quốc có nhiều bất đồng với các quốc gia ở biển Đông, đe dọa đến an ninh của khu vực châu Á. 

Dẫu vậy, hai quốc gia này vẫn có nhiều điểm khác biệt căn bản. Hãy bắt đầu từ chính hợp đồng khí đốt vừa qua: bản hợp đồng chỉ được thông qua sau 10 năm đàm phán với nhiều bất đồng từ hai phía.

Trong thỏa thuận này, dường như Trung Quốc đang chiếm ưu thế. Các nguồn cung khí đốt khác sẽ được hoàn thành ở Australia và Trung Á. Và, trong khi kinh tế Trung Quốc đã vươn lên thứ hai thế giới, Nga vẫn đang chật vật đối phó với tham nhũng và tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt. Mặc dù có vẻ như hai nước đang liên kết để chống lại Mỹ, mỗi nước vẫn cần có những điều tốt nhất cho bản thân và củng cố tầm ảnh hưởng. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên