MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rủi ro tăng lên với trái phiếu Đông Á

23-09-2014 - 11:11 AM | Tài chính quốc tế

“Châu Á dường như đang ở một vị thế thuận lợi để đối mặt với bất kỳ biến động nào nhưng các rủi ro cũng đang tăng lên một cách rõ ràng” - ADB nhận định.

Báo cáo theo dõi trái phiếu châu Á hàng quý số mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) các trái phiếu bằng đồng nội tệ tại các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á từ đầu năm đến nay vẫn phát triển tốt. Tuy nhiên việc lãi suất tại Hoa Kỳ có thể tăng sớm hơn dự đoán, thị trường bất động sản tại Trung Quốc tăng trưởng chậm, tâm lý ngại rủi ro và lạm phát tăng cao do căng thẳng ở khu vực Trung Đông có thể làm xói mòn những kết quả này.

“Châu Á dường như đang ở một vị thế thuận lợi để đối mặt với bất kỳ biến động nào nhưng các rủi ro cũng đang tăng lên một cách rõ ràng. Việc lãi suất tại Hoa Kỳ cao hơn và một đồng USD mạnh hơn có thể cũng sẽ đem đến khó khăn cho những người đi vay bằng đồng USD để trang trải các khoản nợ của mình” - Ông Iwan J. Azis, Trưởng Văn phòng Hội nhập kinh tế khu vực của ADB nhìn nhận.

Theo báo cáo này, tính đến cuối tháng 6/2014, tổng dư nợ trái phiếu tại các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á là 7,9 nghìn tỷ USD, tăng 2,5% so với thời điểm cuối tháng 3/2014 và tăng 9,3% so với thời điểm cuối tháng 6/2013.

Tổng giá trị phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ trong quý II là 1,1 nghìn tỷ USD, tăng so với mức 852 tỷ USD trong quý I. Trong khi đó, doanh số các trái phiếu bằng đồng USD, Euro và Yên Nhật từ tháng 1 đến tháng 7 là 121,4 tỷ USD, cho thấy khu vực sẽ tiếp tục lập thêm một kỷ lục khác về tổng giá trị phát hành trái phiếu hàng năm.

Các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á bao gồm: Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ tại Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất cả so với quý trước cũng như so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tại châu Á sau Nhật Bản với dư nợ trái phiếu là 4,9 nghìn tỷ USD. Mức dư nợ này tăng 3,4% so với quý trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do tăng dư nợ trái phiếu của ngân hàng chính sách và trái phiếu công ty trong nước.

Tại Trung Quốc, việc thị trường bất động sản tăng trưởng chậm là một mối quan ngại bởi phần lớn các khoản vay thế chấp được đảm bảo bằng bất động sản. Doanh thu liên quan đến bất động sản giảm sút có thể khiến các chính quyền địa phương gặp khó khăn hơn trong việc trang trải các trái phiếu vay nợ của mình. Chính các công ty bất động sản cũng đang trở thành những người phát hành trái phiếu phổ biến.

Trong một chuyên mục đặc biệt, báo cáo ghi nhận rằng doanh số trái phiếu niêm yết bằng đồng Nhân dân tệ được phát hành bên ngoài Trung Quốc đang tăng lên khi Trung Quốc đang dần tiến hành tự do hóa việc sử dụng đồng tiền của mình trong các giao dịch thương mại và đầu tư. Kể từ lần đầu tiên phát hành những trái phiếu được gọi là trái phiếu Dim Sum (trái phiếu Trung Quốc phát hành tại thị trường Hồng Kông nhưng mệnh giá là Nhân dân tệ) vào năm 2007, trị giá phát hành đã tăng lên đến 10 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2010 và 369 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2013.

Mặc dù những người đi vay tiếp cận với thị trường trái phiếu Dim Sum ngày càng đa dạng, những người đi vay từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn chiếm đến 73% tổng giá trị phát hành năm ngoái. Để tiếp tục phát triển thị trường hơn nữa, cần có sự tham gia lớn hơn của những người đi vay không phải từ Trung Quốc. Tương tự như vậy, báo cáo cho rằng cần phải phát hành những trái phiếu được xếp hạng cao không chỉ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư mà còn đưa ra định hướng xác định giá. Hiện các trái phiếu không xếp hạng đang chiếm một tỷ lệ lớn trong trái phiếu Dim Sum.  

Theo Đỗ Lê

huongnt

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên