Sau MH370, hàng không quốc tế an toàn hơn?
Một năm, sau khi chuyến bay MH370 mất tích, một vấn đề lớn được đặt ra là liệu ngành hàng không thế giới có trở nên an toàn hơn sau bi kịch này?
- 08-03-2015Báo cáo sơ bộ đầu tiên về vụ máy bay MH370 mất tích được công bố
- 06-03-2015Malaysia Airlines ra sao sau 1 năm xảy ra vụ MH370?
- 31-12-2014Từ sự cố của AirAsia ngẫm về hàng không châu Á
Ngày 8-3, chính quyền Malaysia công bố báo cáo điều tra gây thất vọng về vụ mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370.
Báo cáo 584 trang đăng trên trang web Bộ Giao thông Malaysia cho biết pin của thiết bị phát tín hiệu trên hộp đen chứa dữ liệu chuyến bay MH370 cạn từ tháng 12-2012, nghĩa là hơn một năm trước khi chiếc Boeing 777 mất tích. Đây là một sai sót xuất phát từ lỗi dữ liệu vi tính.
Báo cáo khẳng định pin có thể vẫn hoạt động sau thời điểm đó, nhưng sẽ đánh mất hiệu quả. Điều đó có nghĩa là các tàu tìm kiếm gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xác định vị trí máy bay rơi trên Ấn Độ Dương.
Chuyên gia hàng không Indonesia Gerry Soejatman bày tỏ lo ngại các tàu tìm kiếm trên Ấn Độ Dương có thể đã đi qua khu vực máy bay rơi mà không phát hiện ra nó vì không bắt được tín hiệu pin từ hộp đen.
Nhưng đó chỉ là điểm bất thường duy nhất. Pin của thiết bị phát tín hiệu trong hộp đen chứa các đoạn ghi âm trong buồng lái hoàn toàn ổn.
Hoàn toàn bình thường
Theo báo cáo, các nhà điều tra Malaysia không phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, cơ phó Fariq Abdul Hamid hay các tiếp viên trên máy bay.
“Không hề có dấu hiệu cho thấy cơ trưởng, cơ phó hay các tiếp viên bị cô lập, thay đổi thói quen hay sử dụng ma túy và rượu” - báo cáo nhấn mạnh. Cơ trưởng Zaharie và cơ phó Fariq hoàn toàn không có bất kỳ vấn đề về tài chính hay cá nhân nào đáng kể.
“Khả năng ứng phó với sức ép công việc và gia đình của cơ trưởng là tốt. Không có dấu hiệu cho thấy sự thờ ơ, lo lắng, cáu kỉnh. Không có thay đổi đáng kể nào về lối sống, xung đột cá nhân hay áp lực gia đình” - báo cáo cho biết.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà điều tra Malaysia đã đào bới đời tư mọi thành viên tổ bay, nghiên cứu các đoạn video quay mọi hoạt động của tổ bay trong ba chuyến bay trước đó.
Báo cáo cũng cho biết ở vị trí và thời điểm máy bay mất tích không hề có hiện tượng thời tiết bất thường nào. Các nhà quan sát nhận định bản báo cáo không có thông tin gì mới, bởi rất khó để phân tích khi mà không tìm thấy xác máy bay.
Nhóm điều tra 19 thành viên được lập ra vài tuần sau vụ mất tích theo yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Ngày đẫm nước mắt
Hôm qua gia đình cùng bạn bè các hành khách và tổ bay chuyến bay MH370 đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm đầy nước mắt ở Kuala Lumpur (Malaysia). Một buổi lễ tưởng niệm cũng diễn ra ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Khoảng 30 thân nhân các hành khách Trung Quốc đã biểu tình trước cửa Đại sứ quán Malaysia hô vang: “Chiến đấu đến cùng” và “Chính phủ Malaysia hãy xin lỗi”.
Hôm qua, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố Kuala Lumpur sẽ duy trì cuộc tìm kiếm máy bay MH370. “Malaysia vẫn đầy quyết tâm và hi vọng sẽ tìm ra MH370” - ông Najib nói.
Thủ tướng Úc Tony Abbott cũng cho biết có thể sẽ mở rộng phạm vi tìm kiếm nếu chiến dịch hiện tại thất bại. Hiện bốn con tàu với hệ thống siêu âm hiện đại vẫn đang quần đảo ở nam Ấn Độ Dương để tìm tung tích máy bay MH370 trên khu vực rộng tới 60.000 km2.
Các tàu đã quét được 40% diện tích này. Nhưng theo kế hoạch ban đầu, cuộc tìm kiếm sẽ kết thúc vào tháng 5 tới. Chi phí tìm kiếm lên tới 93 triệu USD, chủ yếu do Úc và Malaysia đóng góp. Hôm qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng khẳng định chiến dịch tìm kiếm sẽ không dừng lại.
Cải thiện được bao nhiêu?
Câu hỏi lớn nhất mà giới chuyên môn đặt ra là liệu ngành hàng không quốc tế có rút ra được bài học nào từ bi kịch MH370? Theo báo Wall Street Journal, Bộ trưởng giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cho biết nước này có kế hoạch đầu tư 190 triệu USD để nâng cấp các radar dân sự.
Kuala Lumpur cũng đã bắt đầu cập nhật vị trí các chuyến bay đường dài của máy bay Boeing 777 cứ 15 phút/lần thay vì 30 phút như trước đây.
Hãng hàng không Malaysia Airlines cũng cập nhật vị trí của máy bay Boeing 737-800, Airbus A330 và A380 cứ 10 phút/lần. ICAO cũng đã yêu cầu các hãng hàng không quốc tế cập nhật vị trí máy bay 15 phút một lần kể từ tháng 10-2016. Tuy nhiên, máy bay thương mại vẫn có thể bay xa tới 240 km trong vòng 15 phút.
Ông Kevin Hiatt, phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), cho biết mục tiêu lý tưởng là tăng tốc độ cập nhật vị trí lên mỗi phút một lần.
ICAO cũng đặt ra yêu cầu các máy bay mới có hơn 18 chỗ phải được trang bị hệ thống tự động truyền tín hiệu về vị trí từng phút một nếu như bất ngờ đổi hướng bay. Kế hoạch này sẽ được bỏ phiếu thông qua vào tháng 11 tới. Ngành hàng không đang nghiên cứu biện pháp để giúp tìm kiếm các hộp đen máy bay dễ dàng hơn.
Hãng Airbus có kế hoạch trang bị cho máy bay hộp đen có thể bung ra ngoài và nổi trên mặt nước khi máy bay gặp nạn. Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu nhà sản xuất phải đảm bảo tăng dung lượng pin hộp đen tối thiểu từ 30 ngày lên 90 ngày. Chi phí điều chỉnh chỉ vào khoảng 4.500 euro (gần 4.900 USD).
Tuy nhiên mọi kế hoạch vẫn còn phải chờ được thông qua và một năm sau bi kịch MH370, ngành hàng không quốc tế vẫn chưa hề an toàn hơn.
Theo Hiếu Trung