Saudi Arabia sẽ trở thành "chú thiên nga đen" của thị trường dầu mỏ?
Chừng nào dầu mỏ còn tiếp tục suy thoái thì áp lực buộc Saudi Arabia phải bỏ chế độ neo tỷ giá sẽ còn tăng lên.
- 26-11-2015Saudi Arabia soán ngôi nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới của Nga
- 12-11-2015Saudi Arabia: "Chúng tôi đã bị thương, nhưng chúng tôi không quan tâm"
- 26-08-2015Saudi Arabia gặp họa "gậy ông đập lưng ông"
Thiên nga đen (blackswan) là thuật ngữ dùng để miêu tả hiện tượng không thể nào dự đoán được các tác động, diễn biến và hiệu ứng gây ra từ một chính sách. Tiêu đề bài viết muốn ám chỉ quyết định của Saudi Arabia sẽ đem đến những tác động và hiệu ứng không thể nào dự đoán được trên thị trường dầu mỏ.
Đầu tuần này, hợp đồng tương lai kỳ hạn 12 tháng được sử dụng để đầu cơ tỷ giá hổi đoái đồng riyal đã chạm đỉnh cao nhất 13 năm. Điều này phản ánh nhà đầu tư đặt cược nhiều hơn vào khả năng đồng nội tệ của Saudi Arabia sẽ giảm giá lần đầu tiên trong gần 3 thập kỷ, kể cả sau khi nước này cho biết đã họ đã sẵn sàng hợp tác với các nước xuất khẩu dầu khác để ổn định giá cả.
Kể từ đầu năm nay, Saudi Arabia đã khai thác một sản lượng dầu cao kỷ lục. Nước này đang dẫn đầu nỗ lực bảo vệ thị phần của OPEC bất chấp giá dầu thô biển Bắc (Brent) đang ở mức thấp nhất trong 6 năm qua. Doanh thu từ dầu mỏ sụt giảm đã buộc vương quốc này phải sử dụng đến dự trữ ngoại hối cũng như bán nợ nhằm bảo tồn chế độ tỷ giá neo vào đồng USD đã tồn tại suốt 30 năm. Theo Bank of America, điều này cũng có nghĩa là Arab Saudi đang phải đối mặt với lựa chọn mấu chốt vào năm tới: hoặc cắt giảm sản lượng nhằm tăng giá hoặc điều chỉnh tỷ giá đồng Rian nhằm ngăn chặn sự suy giảm dự trữ ngoại hối.
“Saudi Arabia bỏ neo giá đồng nội tệ là sự kiện thiên nga đen của thị trường dầu mỏ toàn cầu trong năm 2016. Dù khả năng xảy ra không lớn, quyết định này sẽ mang lại những tác động rất lớn", nhà chiến lược của Bank of America - ông Francisco Blanch - đã viết như vậy trong báo cáo ngày 19/11. “Về mặt chính trị, cắt giảm sản lượng là điều dễ làm hơn nhiều so với việc phá giá tiền tệ toàn diện", chuyên gia này bổ sung thêm.
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu suy giảm và triển vọng lạm phát ảm đạm cùng với đà tăng giá của đồng USD sẽ vẫn là những cơn gió ngược khổng lồ đối với dầu mỏ - loại hàng hóa thường được niêm yết bằng đồng USD.
Saudi Arabia đã phải sử dụng khá nhiều dự trữ ngoại hối trong cuộc chiến dầu mỏ hiện nay. Lượng tài sản tài sản nước ngoài ròng của nước này đã rơi xuống mức thấp nhất 3 năm vào tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, đây vẫn là nước có nhiều dự trữ ngoại hối nhất trong khu vực, ở mức 646,9 tỷ USD.
Thống đốc NHTW Saudi - ông Fahad Al-Mubarak - cũng từng tuyên bố sẽ giữ nguyên chế độ neo đồng nội tệ vào USD chừng nào nền kinh tế còn phụ thuộc vào dầu mỏ. Trong quá khứ, chế độ neo tỷ giá này cũng đã sống sót qua thời kỳ giá dầu suy giảm vào những năm 90.
Các chuyên gia đến từ Capital Economics cũng nhận định Chính phủ Saudi Arabia còn rất nhiều lựa chọn để tránh việc phải phá giá nội tệ - điều có thể gây nên lạm phát và bất ổn chính trị. Nếu không lựa chọn cắt giảm sản lượng, họ có thể đối đầu với giá dầu thấp bằng cách cắt giảm chi tiêu vốn hoặc trợ giá năng lượng. Phá giá đồng riyal sẽ là lựa chọn cuối cùng.
Tuy nhiên, Bank of America bổ sung thêm rằng diễn biến của đồng nhân dân tệ là một ẩn số khác có thể gây áp lực phá giá lên NHTW Saudi Arabia, đặc biệt trong bối cảnh các NHTW trên toàn thế giới đều đang cắt giảm dự trữ ngoại hối và Fed sẽ sớm tăng lãi suất. Nếu đồng nhân dân tệ đột ngột giảm giá, Saudi Arabia sẽ phải hành động ngay lập tức vì Trung Quốc ảnh hưởng cực lớn đến thị trường hàng hóa.
Saudi Arabia, thành viên lớn nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, sản xuất hơn 10 triệu thùng một ngày trong suốt 8 tháng qua. Nước này đạt sản lượng kỷ lục 10,57 triệu thùng một ngày vào tháng 7, theo thông tin thu thập của Bloomberg.