Sẽ nảy lửa ở Shangri-La
Căng thẳng trên biển Đông sẽ được nhắc đến nhiều tại Đối thoại Shangri-La năm nay ở Singapore.
Tại sự kiện diễn ra từ ngày 30-5 đến 1-6 này, sự chú ý sẽ đổ dồn vào Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người dự kiến tiếp tục “công kích” Trung Quốc mạnh mẽ vì những khiêu khích ở biển Đông và Hoa Đông.
Chống đỡ chỉ trích
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chuck Hagel và các quan chức của Mỹ có kế hoạch gặp gỡ bên lề với đại diện một số nước, tập trung vào tình hình căng thẳng ở biển Đông. “Trong vòng 12 tháng qua, an ninh khu vực đi xuống đáng kể. Các mối quan hệ song phương thiếu hụt niềm tin. Ẩn bên dưới những sự kiện này là sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc” - thành viên cấp cao của Đối thoại Shangri-La Alexander Neill nhận định.
Về phía Trung Quốc, lần đầu tiên nước này cử đến Shangri-La các nhà ngoại giao hàng đầu để chống đỡ những chỉ trích ngày càng tăng về hoạt động gây hấn trong khu vực. Ông William Choong, thành viên tổ chức Shangri-La, cho biết năm nay đoàn Trung Quốc “tham gia rộng rãi hơn”. Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông), dẫn đầu đoàn Trung Quốc là cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phó Oánh - người nổi tiếng với khẩu khí sắc lạnh cùng kỹ năng ngụy biện. Trong đoàn còn có 11 thành viên Bộ Quốc phòng do Phó Tổng tham mưu trưởng Vương Quán Trung dẫn đầu.
Một nguồn tin tiết lộ Đối thoại Shangri-La năm nay rất có thể sẽ nổ ra tranh luận nảy lửa sau bài phát biểu khai mạc quan trọng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong ngày 30-5. Báo Sankei của Nhật dự đoán ông Abe sẽ gửi đi thông điệp khẳng định vai trò lớn hơn của nước này đối với an ninh khu vực và toàn cầu. Dù có thể không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng ông Abe sẽ không che giấu ý định đối trọng với cường quốc đang lên này. Cũng theo Sankei, ông Abe dự kiến tuyên bố Nhật và Mỹ sẵn sàng thúc đẩy hợp tác an ninh với ASEAN. Ông cũng hy vọng động thái hợp tác của Nhật khiến các nước lớn khác còn rụt rè sẽ chung tay kiềm chế mộng bá quyền và bành trướng của Trung Quốc.
Theo nhận định của Reuters, thông điệp của ông Abe chắc chắn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ngay cả khi một số nước không thể hiện thái độ này ra mặt vì ngại đụng chạm Bắc Kinh. Chuyên gia Malcolm Cook thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nói: “Các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc chắc chắn sẽ nghiêng về Thủ tướng Abe. Nhật Bản hoàn toàn có thể đưa ra những chỉ trích thẳng thắn và thích đáng đối với Trung Quốc”. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Philippines “hoan nghênh những đóng góp của Nhật Bản trong việc tăng cường an ninh và ổn định, bao gồm kế hoạch đóng một vai trò an ninh lớn hơn trong khu vực”.
Trong khi đó, chuyên gia Alexander Neill cho rằng Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng nhiều khả năng nhận được hỗ trợ mạnh về mặt quân sự từ Mỹ trong những năm tới.
Trung Quốc gây chiến với Nhật? Tờ Nihon Keizai Shimbun đưa tin tại một hội thảo ở Tokyo tuần trước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo Trung Quốc có thể phát động chiến tranh với Nhật Bản để giành quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và với các nước châu Á xung quanh biển Đông. Ông Lý Hiển Long cho rằng cách tốt nhất là Mỹ nên tiếp tục sự hiện diện trong khu vực. |
Theo Huệ Bình