Số tỷ phú trên thế giới đang tăng gấp đôi
Tổng giá trị tài sản ròng của 85 người giàu nhất thế giới hiện ngang giá trị tài sản ròng của 1/2 dân số thế giới, tức 3,5 tỷ người nghèo nhất.
Số tỷ phú trên thế giới đang tăng gấp đôi, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Đây là thông tin được Oxfam - tổ chức viện trợ và phát triển toàn cầu, đề cập trong báo cáo mới nhất.
Báo cáo của Oxfam cho thấy: số người giàu tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới dù chỉ chiếm thiểu số trong xã hội song lại có vai trò chính yếu định hình khối tài sản của cả một quốc gia. Xu hướng này đang gia tăng không chỉ tại quốc gia giàu mà cả ở các quốc gia nghèo trên thế giới.
Theo số liệu của Oxfam, tại Hạ Sahara, một trong số khu vực được xếp vào danh sách khu vực nghèo trên thế giới, hiện có khoảng 16 tỷ phú sống bên cạnh 358 triệu người sống ở mức cực kỳ nghèo khổ trên thế giới.
Tuy nhiên, theo Oxfam, sự bất hợp lý trong hệ thống đánh thuế trên thế giới đang khiến cho người giàu đóng thuế chưa hợp lý với mức thu nhập mà họ sở hữu.
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Emma Seery, đồng tác giả của báo cáo nhấn mạnh: “Hệ thống thuế trên thế giới đang vượt ngoài tầm kiểm soát và nó chưa thực sự công bằng. Tại các quốc gia trên thế giới từ Nicaragua đến Tây Ban Nha, số người giàu đang phải trả một mức thuế thấp hơn rất nhiều so với số thu nhập mà họ có được. Đây là sự bất hợp lý và cần được điều chỉnh lại. Điều này cũng có nghĩa là người giàu cần phải đóng thuế nhiều hơn nữa.”
Bà Emma Seery cũng cho biết: sự bất bình đẳng về giàu nghèo này đang ngày càng tăng trên thế giới trong vòng 30 năm qua và đã và đang trở thành thách thức lớn cả về kinh tế, xã hội và chính trị trong xã hội, đòi hỏi chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế hành động nhằm đảo ngược xu thế này.
Báo cáo còn chỉ rõ, nếu mỗi ngày, tỷ phú Bill Gates tiêu dùng 1 triệu USD thì sẽ phải mất 218 năm, ông mới tiêu hết số tài sản này. Tuy nhiên, thực tế là ông Bill Gates sẽ chẳng bao giờ hết tiền cả. Theo gợi ý của Oxfam, trong thời gian tới, cộng đồng thế giới cần thu hẹp lỗ hổng về hệ thống thuế trên thế giới nhằm chia sẻ gánh nặng về thuế trong xã hội công bằng hơn, qua đó làm gia tăng mức lương tối thiểu trong xã hội cũng như mang lại hệ thống chăm sóc y tế và giáo dục công bằng hơn cho tất cả mọi người.
Trước đó, hồi đầu năm nay, Oxfam cũng công bố một bản báo cáo mang tựa đề “Làm việc cho thiểu số” (Working for the Few) cũng đã cho thấy một bức tranh rõ nét về khoảng cách giàu nghèo trên thế giới hiện nay, đồng thời cảnh báo những rủi ro lớn mà sự chênh lệch giàu nghèo có thể đặt ra cho “tiến bộ nhân loại”. Theo đó, tổng giá trị tài sản ròng của 85 người giàu nhất thế giới hiện tương đương với tổng giá trị tài sản ròng của một nửa dân số thế giới tức 3,5 tỷ người nghèo nhất”./.
Theo Hồng Nhung