Sony lại bị tin tặc tấn công
Sony lại bị hacker xâm nhập và lấy đi nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có bản lương của các nhà điều hành và các bộ phim, trong đó có phim chưa công chiếu.
Đầu tuần này, Sony cho biết đã bị một nhóm tin tặc tự xưng #GOP (Người bảo vệ hòa bình) tấn công hôm 24-11 và lấy đi 5 bộ phim đã hoàn thành, trong đó có bộ phim Annie chưa công chiếu. Nhưng điều Sony lo lắng hơn là việc các tài liệu nội bộ bị đánh cắp, như bảng lương cơ bản của các nhà điều hành cao cấp, trong đó có 17 người có mức lương chưa kể thưởng trên 1 triệu USD/năm.
Những tài liệu này đã bị nhóm tin tặc đưa lên trang Pasebin vào chiều 2-12. Bài đăng mang tựa đề “Quà tặng của GOP” có chứa những đường link tới nhiều nơi lưu trữ, trong đó chứa những thông tin về cán bộ công nhân viên của Sony như mật khẩu, số an sinh xã hội, lương và nhận xét năng lực… Mật khẩu để mở nhiều file tài liệu là “diespe123” - được ngầm hiểu là những chữ viết tắt của cụm từ “Die Sony Pictures Entertainment” (tạm dịch: chết đi Sony Pictures Entertainment).
Ngày 24-11, khi cán bộ công nhân viên Sony mở máy tính để làm việc, nhiều người nhìn thấy trên màn hình máy tính của mình là những cảnh máu me với những lời đe dọa kiểu như: “Nếu các người không tuân theo chúng tôi, chúng tôi sẽ phơi bày những dữ liệu dưới đây cho cả thế giới”.
Vụ tin tặc đã đánh vào 2 bí mật nhạy cảm nhất đối với ngành công nghiệp phim ảnh: vi phạm bản quyền phim và các chi tiết về lương thưởng của lãnh đạo. Vì vậy, nó tạo ra một làn sóng hoang mang từ Hollywood đến Washington.
Dù các cuộc tấn công lớn vào các công ty đang ngày càng phổ biến, vụ tin tặc mới nhất đã diễn ra như một trong những phim kinh dị của chính Sony, với những hình ảnh rùng rợn được để lại trên màn hình máy tính của những nhà lãnh đạo như những chiếc đầu bị chặt và những cảnh báo khiến người ta nghi ngờ cuộc tấn công có thể là sự trừng phạt của Triều Tiên đối với Sony vì hãng này sắp tung ra bộ phim hài về một nỗ lực ám sát lãnh đạo Kim Jong-un của nước này.
Tom Kellermann, Giám đốc an ninh mạng tại Trend Micro - một công ty an ninh tư nhân, nói rằng không giống như các cuộc tấn công tàng hình từ Trung Quốc và Nga, những tin tặc tấn công Sony không chỉ nhằm mục đích ăn cắp dữ liệu mà còn để gửi một thông điệp rõ ràng. “Điều này giống như một vụ cướp của đốt nhà. Sau khi lấy hết của cải, bọn cướp đốt cả ngôi nhà” - ông nói.
Cuộc tấn công vào Sony diễn ra trong bối cảnh các công ty lớn của Hoa Kỳ và các cơ quan chính phủ vẫn đang đau đầu với những mối đe dọa bảo mật trực tuyến. Những vụ tấn công tin tặc vào các nhà bán lẻ lớn như Target, Home Depot và Staples chỉ là khởi đầu.
Trong những năm qua, Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, những công ty và ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ, thậm chí các dịch vụ bưu chính… tất cả đều hứng chịu những vụ tấn công mà cho đến nay thủ phạm vẫn chưa được xác định.
Cuộc tấn công Sony và các chi tiết mới về một loạt cuộc tấn công có phối hợp được hé lộ vào đầu tuần khiến các chuyên gia an ninh và cơ quan thực thi pháp luật sợ rằng đó có thể là một dấu hiệu khởi đầu của nhiều vụ tấn công hơn nữa. Hôm 2-12, Cục An ninh nội địa Hoa Kỳ (FBI) đã công bố một bản tin cảnh báo các công ty về một phần mềm độc hại có thể lấy sạch dữ liệu từ các máy tính.
Theo Vinh Trang