Sự thật đau đớn đằng sau mức lãi suất âm mà Nhật Bản mong đợi
Trên lý thuyết, lãi suất âm không có rủi ro. Tuy nhiên chúng đang che đậy một thực tế trái lại hoàn toàn. Lãi suất âm có lợi cho chính phủ tuy nhiên lại gây ra áp lực tài chính cho thị trường.
- 12-10-2015FED đang cân nhắc lại chính sách lãi suất âm
- 20-04-2015Lãi suất âm - đặt cược tiền tệ
- 06-06-2014Khi lãi suất âm
Reiko Tokukatsu là tác giả của cuốn sách bán chạy viết về những thất bại của Nhật Bản đối với chính sách lãi suất âm. Cuốn sách vừa mới xuất bản thực sự là một thách thức đối với chính sách đang được nhiều NHTW của các nước phát triển trên toàn thế giới áp dụng.
Tokukatsu – người đồng thời cũng là chiến lược gia tại ngân hàng BNP Paribas chi nhánh Tokyo – cho rằng lợi suất trái phiếu ở mức thấp hơn lạm phát đang khiến gánh nặng nợ dồn lên vai thế hệ tương lai trong khi để cho các công ty “xác sống” (Zombie Company) có cơ hội tồn tại. Điều đó mâu thuẫn với mục tiêu ban đầu là phục hồi nền kinh tế mà NHTW Nhật Bản đã đưa ra khi áp dụng cơ chế lãi suất âm.
Theo ông, Chính phủ mới là đối tượng chủ yếu được lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng bởi chi phí lãi vay và gánh nặng nợ công giảm. Trên lý thuyết, lãi suất âm không có rủi ro. Tuy nhiên chúng đang che đậy một thực tế trái lại hoàn toàn. Lãi suất âm có lợi cho chính phủ tuy nhiên lại gây ra áp lực tài chính cho thị trường.
Tokukatsu là một trong số những người chỉ trích gói kích thích mua vào trái phiếu của Chính phủ Nhật. Đồng quan điểm với ông còn quản lý quỹ người Mỹ David Einhorn. Năm 2012, David Einhorn đã từng cho rằng mức lãi suất thấp sẽ khiến người dân cất tiền tiết kiệm nhiều hơn là tiêu dùng và đầu tư trong khi chi phí hàng tiêu dùng tăng. Ngược lại, NHTW Nhật Bản (BoJ) và giới chức châu Âu đang đặt niềm tin rằng mức lãi suất dưới 0 sẽ giảm chi phí đi vay, kích thích nhu cầu đi vay cũng như đầu tư vào tài sản có lợi suất cao.
Hôm 12/1, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản đã chạm đáy 0,215% - suýt soát mức đáy 0,195% thiết lập hồi tháng 1/2015.
Nền kinh tế Nhật đang phát đi những tín hiệu trái chiều. Tháng 11/2015, chi tiêu của các hộ gia đình giảm tháng thứ 3 liên tiếp, sản lượng công nghiệp và tiền lương thực tế sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát cũng sụt giảm. Trong khi đó chương trình Abenomics kết hợp bởi chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ nới lỏng đã làm tăng lợi nhuận doanh nghiệp và doanh thu thuế. Kể từ cuộc bầu cử Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 12/2012, chỉ số Topix tăng tới 70%.
Năm 2013, BoJ chủ yếu sử dụng lãi suất làm công cụ thực thi chính sách thay vì thiết lập mục tiêu cung tiền cơ sở, duy trì lãi suất huy động vốn ở mức 0,1%. Thống đốc Haruhiko Kuroda tự tin rằng ông có thể đạt được mức lạm phát mục tiêu 2% trong khoảng 6 tháng cho đến tháng 3/2017, nhưng do giá dầu giảm, thời hạn đó có thể thay đổi. Thời hạn mục tiêu ban đầu của NHTW là 3/2015.
Hidenori Suezawa – chuyên gia phân tích tại SMBC Nikko Securities Tokyo nhận định, “Đẩy mạnh triển khai chính sách mà rủi ro và lợi nhuận không ăn khớp với nhau là việc làm vô nghĩa. Mặc dù nới lỏng nhưng trong suốt 2 năm qua Nhật Bản chưa bao giờ đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Câu hỏi cần đặt ra là, liệu có nên mở rộng chính sách này thêm 3 hoặc 5 năm nữa hay cần phải xem xét lại sự cần thiết của chính sách đã đem lại quá nhiều tác dụng phụ”
Tác giả cuốn “Inflation Tax” viết về nỗ lực dùng lạm phát để xóa nợ của chính phủ - ông Pete Comley - nhận định, bằng tỷ lệ sinh thấp, giá hàng hóa giảm và cơ chế tự động hóa, Nhật Bản đem đến một viễn cảnh mong manh cho tương lai toàn cầu. Dân số lao động suy giảm và số lượng người nghỉ hưu gia tăng tại Nhật Bản khiến cho cầu tiêu dùng và cũng là tốc độ lạm phát thấp. Như vậy, QE không phải là phương án thích hợp để giải quyết vấn đề này.”
Sau 1 năm, giá tiêu dùng không kể thực phẩm tươi tại Nhật Bản tăng vỏn vẹn 0,1%, trong khi thước đo lạm phát không gồm giá đồ ăn và năng lượng tăng 0,9%.
Đại đa số chuyên gia kinh tế đều cho rằng BoJ còn xa mới tới mục tiêu lạm phát. Phía này cũng dự đoán, BoJ sẽ không thay đổi chính sách nới lỏng định lượng hiện tại. Vấn đề quan trọng là tăng thanh khoản trên thị trường trái phiếu. Các nhà chiến lược tại BNP đều cho rằng đã đến lúc kết thúc chương trình nới lỏng tiền tệ và các nhà hoạch định chính sách cần chấp nhận những mục tiêu khiêm tốn hơn.
“Nới lỏng tiền tệ đã diễn ra quá lâu. Đã đến lúc thu hẹp và chấm dứt chính sách nới lỏng định lượng và định tính (Quantitative and Qualitative easing). Nhật Bản nên hạ thấp mục tiêu thích hợp với một nền kinh tế trưởng thành có tốc độ tăng trưởng thấp.” Ông Tokukatsu cho hay.