Sự thật đen tối về 'đại hạ giá' ngày 'Black Friday'
Các tập đoàn bán lẻ, bằng những "thủ đoạn tinh vi" của mình đã tống khứ được hàng tồn mà không phải chấp nhận lỗ như người ta vẫn tưởng.
- 28-11-2013Black Friday cho Bitcoin
- 27-11-2013Dân Mỹ hồ hởi đi mua sắm một tuần trước Black Friday
Thu qua rồi Đông tới, cứ sau ngày Lễ Tạ ơn, người tiêu dùng Mỹ lại "đau đầu vì tiền" với những chương trình siêu giảm giá bắt đầu từ ngày "Thứ Sáu đen tối" (Black Friday), thứ sáu cuối cùng của tháng 11 hàng năm.
Nhiều tập đoàn bán lẻ bắt đầu đợt siêu giảm giá từ đêm trước "Black Friday".
Đau đầu là phải, bởi đập vào mắt họ hàng ngày, hàng giờ là những tấm biển đại hạ giá sặc sỡ, cuốn hút với bất kỳ ai, dù họ không phải là tín đồ mua sắm.
Thế nhưng, thực sự người tiêu dùng có mua được các món hàng với giá "hời" hay không vào những dịp đại hạ giá như thế này? Câu trả lời không hẳn là không, cũng chẳng hoàn toàn là có.
Có là bởi nhiều "thượng đế" có thể sẽ mua được những thứ mình cần với "giá gốc". Còn không là bởi các tập đoàn bán lẻ, bằng những "thủ đoạn tinh vi" của mình đã tống khứ được hàng tồn mà không phải chấp nhận lỗ như người ta vẫn tưởng.
Một điều tra của tờ "Nhật báo Phố Wall" (Mỹ) cho thấy, trước đây các nhà bán lẻ gắn cái mác đại hạ giá cho các sản phẩm mà họ nghĩ rằng sẽ khó bán nhằm thu hút khách hàng tới cửa hàng để kích cầu cho các sản phẩm khác có mức giá hạ thấp hơn. Chiêu trò này đã lùi vào dĩ vãng. Giờ đây, các nhà bán lẻ đã tinh vi hơn khi câu kết với nhà sản xuất gắn một cái giá khởi điểm khá cao cho sản phẩm, cao đến mức mà sau khi hạ giá đến vài lần để bán, họ vẫn có lời.
Lấy mặt hàng áo len, một trong những sản phẩm bán chạy trong mùa đông lạnh giá ở xứ cờ hoa, làm ví dụ. Nhà sản xuất cung cấp một chiếc áo len cho nhà bán lẻ với giá gốc là 14,50 USD. Tuy nhiên, mác giá sản phẩm khi xuất xưởng sẽ là 50 USD, điều này cho phép nhà bán lẻ có "khoảng trống" để tăng - giảm giá tới 70%.
Một số áo len ban đầu sẽ được bán ra với giá khởi điểm, theo đúng quy định của Ủy ban Thương mại Liên bang, nhưng phần lớn sẽ được bán với giá giảm lần đầu xuống 44,99 USD chỉ một thời gian ngắn sau đó, và phần còn lại sẽ được bán đại hạ giá ở mức 21,99 USD. Như vậy, tính bình quân cho lô hàng, mỗi chiếc áo sẽ được bán với giá 28 USD và nhà bán lẻ có mức lãi 45%.
Đó là tiết lộ gây sốc của một chuyên gia tư vấn trong ngành công nghiệp bán lẻ đề nghị không nêu danh tính. Chuyên gia này cho biết thêm, một chiếc áo len đan với cái mác đỏ chót thu hút khách hàng nói giảm giá 40% còn 39,99 USD sẽ không bao giờ được nhà sản xuất kỳ vọng có thể bán với giá khởi điểm niêm yết từ đầu là 68 USD. Trong một số trường hợp, chính mác giảm giá đó đã được in ngay từ thời điểm sản phẩm ra mắt, nhằm đánh vào tâm lý của người tiêu dùng. Liệu có ai biết chiếc áo này chính thức "lên sạp" vào ngày nào?
Mức giảm giá sốc khiến các tín đồ mua sắm sẵn sàng dốc hầu bao.
Theo khảo sát của trang "savings.com", một trang web chuyên tập hợp các mặt hàng giảm giá, số mặt hàng có chương trình khuyến mại giảm giá tại 31 tập đoàn bán lẻ và chuỗi siêu thị lớn tại Mỹ tăng 63% từ năm 2009 đến năm 2012, và mức giá được giảm cho các mặt hàng đó bình quân hàng năm tăng từ 25% lên 36%. Phải chăng các nhà kinh doanh chấp nhận lỗ để xả hàng?
Xin thưa là họ không hề thua lỗ. Theo thống kê của công ty Dữ liệu Tài chính FACTSET (Mỹ), cũng trong giai đoạn đó, mức lãi ròng - chênh lệch giữa số tiền họ phải trả cho sản phẩm với số tiền họ bán sản phẩm đó ra - của các tập đoàn này vẫn giữ nguyên ở mức 27,9% trong cùng giai đoạn trên. Trong mùa đại hạ giá quý cuối hàng năm, mức lãi ròng của họ chỉ giảm có… 0,1%, xuống còn 27,8%.
Chuyên gia phân tích Liz Dunn thuộc công ty Nghiên cứu Chứng khoán Macquarie (Mỹ) cho biết, phần lớn sự giảm giá đã được tính vào giá của sản phẩm và đó là lý do mức lãi ròng của các nhà bán lẻ khá ổn định. Chiến lược "quyến rũ" các "thượng đế" của các tập đoàn bán lẻ chính là chiêu bài gắn giá ban đầu rõ cao, rồi giảm dần song có giảm nữa thì... vẫn không lỗ.
Trong một bài phát biểu năm 2012, Giám đốc Điều hành của hãng bán lẻ JC Penney khi đó là ông Johnson, người đã bị mất việc sau khi không đồng tình với chiêu bài giảm giá, tiết lộ rằng trong 500 sản phẩm bán ra thì may ra có 1 sản phẩm bán đúng giá niêm yết ban đầu.
Mức giảm giá bình quân của hãng này tăng lên tới 60% từ mức 38% của thập kỷ trước. Theo giáo sư Mark Cohen của đại học Thương mại Columbia, trên thực tế, giá mà các thượng đế phải trả "nguyễn y vân", còn cái thay đổi chính là giá ban đầu của sản phẩm, với mức tăng 33%.
Chắc gì mức giá 19 USD đã thấp hơn giá nhập hàng?
Sự phát triển của thương mại điện tử đã giúp lật tẩy chiêu trò của các tập đoàn bán lẻ. Chẳng hạn, trong danh mục hàng hóa quà tặng 2013, Tập đoàn Amazon rao giảm giá 40% với chiếc tivi Samsung 60-inch HDTV từ mức giá ban đầu là 1.799,99 USD. Thế nhưng, theo trang "decide.com", trang web chuyên theo dõi giá cả thuộc Tập đoàn eBAY Inc., thì chả có chỗ nào rao bán chiếc tivi này với mức giá đó trong vòng nhiều tháng qua. Giá cao nhất của sản phẩm này từng bán là 1.297,85 USD. Tới tháng 10/2013, chiếc tivi được bán với giá 997,99 USD, bằng giá mà Amazon đang rao bán.
Một "thủ đoạn" khác của các nhà bán lẻ là tăng giá sản phẩm trước khi bước vào mùa mua sắm để sau đó giảm giá. Một điều tra của công ty theo dõi giá cả Market Track LLC (Mỹ) với khoảng 1.700 sản phẩm vào tháng 11 năm ngoái cho thấy có khoảng 20% số mặt hàng đã bị "kích giá" trong vài tuần trước khi bước vào ngày “Black Friday”, với mức "kích" bình quân là 8%. Đồ chơi và dụng cụ là các mặt hàng bị kích giá mạnh nhất, lên tới 23%.
Ấy thế mà các tập đoàn bán lẻ như Best Buy, Wal-Mart và Macy's mới đây vẫn "om sòm" cảnh báo về nguy cơ "cạnh tranh bất bình thường" trong mùa mua sắm năm nay, và rằng sự giảm giá ồ ạt của các đối thủ có thể khiến họ bị... lỗ. Lỗ hay không chỉ những người trong cuộc mới biết. Chỉ biết rằng, bất chấp "sự thật đen tối" có vẻ như ai cũng biết đó, Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ vẫn ước tính, mùa mua sắm năm nay các tập đoàn bán lẻ sẽ "móc túi" người tiêu dùng được khoảng 602 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm trước.
Không hẳn người tiêu dùng Mỹ không "khôn ngoan", nhưng thực sự chiến dịch truyền thông rầm rộ của các tập đoàn bán lẻ trước mùa mua sắm đã khiến những cảnh báo, cả về sự giảm giá ảo cũng như về những rủi ro đã từng xảy ra khi dòng người đổ xô tới các cửa hàng, chỉ như "đá ném ao bèo". Và biết đâu đấy, tác giả của bài viết này cũng sẽ lại có mặt trong dòng người đông đúc, cố chen lấn để tìm cho mình một món hàng giá gốc vào ngày mai.
Theo Lê Dương