MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao một sự gia tăng lãi suất ở Mỹ vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?

13-09-2015 - 22:12 PM | Tài chính quốc tế

Sẽ không bao giờ tồn tại một thời điểm nào hoàn hảo tới mức mà động thái tăng lãi suất cơ bản sau gần 7 năm duy trì nó ở mức gần 0 không khiến Fed cảm thấy căng thẳng. Tuy nhiên, ngày 17/9 tới đây đặc biệt hơn cả.

Cũng không thể phủ nhận mối liên quan giữa các thị trường mới nổi tới quyết định này của FED. Các nền kinh tế mới nổi chiếm một nửa GDP toàn cầu, trong nhiều năm liên tiếp các nền kinh tế này đã đóng góp 4/5 vào tỷ lệ tăng trưởng của thế giới, và là đầu tàu cho sự thịnh vượng hóa ở khắp mọi nơi. Và hệ thống tài chính của Mỹ có mối liên hệ mật thiết với những nền kinh tế này khi mà nguồn vốn giá rẻ từ Mỹ liên tục đổ đây.

Vậy tại sao vấn đề lãi suất của Mỹ lại quan trọng đến vậy?

Đây là lãi suất chiết khấu giữa FED với các ngân hàng thương mại. Nó quan trọng nhất thế giới bởi vì đồng USD là đồng tiền thanh toán cũng như đồng tiền dự trữ chính của thế giới và Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nói cách khác, khi Mỹ cắt giảm lãi suất - chi phí cho vay toàn cầu nói chung sẽ trở nên rẻ hơn. Ngược lại, khi lãi suất tăng lên, các khoản vay mượn bằng đồng USD sẽ đắt hơn và gây ảnh hưởng tới dòng chảy vốn toàn cầu.

NHTW Anh mới đây đã đưa ra một liên tưởng khá thú vị đó là: kết nối giữa xương bắp đùi với xương đầu gối chính là cái cách mà các thị trường mới nổi liên kết với Mỹ. Ngân hàng này cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển hiện đang phải gánh một khối lượng lớn các khoản nợ bằng đồng USD. Vì vậy nếu như những dự báo về việc Mỹ tăng lãi suất trở thành hiện thực, sẽ có một mối đe dọa nghiêm trọng đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này do cần nhiều tiền bằng đồng nội tệ hơn để quy đổi ra một đồng USD mạnh hơn để trả nợ.

Fed buộc phải tăng lãi suất?

Nhưng trách nhiệm hàng đầu của Fed không phải là quan tâm những gì xảy ra diễn tại các thị trường mới nổi, mà đó là phải kiềm chế mức lạm phát (kỳ vọng) sau nhiều năm thực hiện nới lỏng tiền tệ mạnh tay nhưng vẫn phải duy trì được ổn định tăng trưởng ở Mỹ. Kinh tế Mỹ đang dần bình thường trở lại sau cuộc đại khủng hoảng tài chính 2008 nên Fed rục rịch muốn tăng lãi suất.

Những khoản nợ của các hộ gia đình và các doanh nghiệp Mỹ đã giảm xuống. Nền kinh tế đã tăng trưởng trở lại, tỷ lệ thất nghiệp cũng đang quay về mức bình thường. Theo báo cáo số liệu từ thị trường việc làm (không gồm lĩnh vực nông nghiệp) công bố mới nhất hôm thứ 6 (4/9) tuần qua thì tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống còn 5,1%, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2008 đến nay.

Rõ ràng, Fed chỉ muốn nâng lãi suất thêm một mức rất nhỏ. Họ cũng thừa nhận rằng niềm tin trên các thị trường tài chính vẫn còn rất mong manh. Nhưng cơ quan này cũng cho rằng, việc tăng lãi suất cần được thực hiện càng sớm càng tốt - bởi vì nếu FED không nâng lãi suất, thì họ không còn giữ được thế chủ động trong việc điều tiết nền kinh tế trước những khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

Mức lãi suất hiện nay ở Mỹ gần 0%, điều này tạo ra giới hạn cho chinh sách tiền tệ của, khiến cho Mỹ khó có thể điều chỉnh giảm lãi suất.

Bài học Nhật Bản là một ví dụ, lãi suất quá thấp trong nhiều năm không những không vực dậy kinh tế mà còn khiến nước này rơi vào “bẫy thanh khoản”. Khi đó người dân sẽ giảm chi tiêu, tăng tiết kiệm vì dự báo lãi suất sẽ ăng trong tương lai nên cất giữ tiền mặt sẽ có giá trị hơn. Lãi suất thấp cũng khiến tiền gửi tại ngân hàng giảm, đồng thời đầu tư bị ngưng trệ.

Vì vậy, đây có thể coi là những dấu hiệu báo hiệu thời kỳ chính sách lãi suất gần 0% nhiều khả năng sẽ kết thúc vào ngày 17/9 tới đây – cho dù đây không phải là một tin vui đối với phần còn lại của thế giới.

Vấn đề là ở chỗ, chỉ một sự gia tăng nhẹ trong lãi suất tại Mỹ cũng đủ để tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc, Nhật Bản và khu vực đồng tiền chung Euro vốn đang bị suy yếu.

Tác động tới châu Âu

Ví dụ, sự hồi phục của nền kinh tế châu Âu mới đây vẫn chưa có gì là ấn tượng, bất chấp việc đã được bơm một lượng tiền khổng lồ bởi NHTW châu Âu ECB thông qua các gói nới lỏng định lượng muộn màng. Chủ tịch ECB Mario Draghi mới đây thông báo ECB hạ dự báo tăng trưởng cũng như lạm phát. ECB có thể tung biện pháp kích thích bổ sung.

Con số GDP quý II/2015 từ Eurostat đã gây thất vọng, tăng trưởng toàn khu vực Eurozone trong quý II năm 2015 đã giảm từ 0,4% xuống còn 0,3% so với quý trước đó – tương đương với tỷ lệ tăng trưởng năm chỉ đạt 1,2%, một con số vô cùng ảm đạm.

Đáng thất vọng hơn, mức tăng trưởng bình quân của toàn khu vực thậm chí còn thấp hơn cả của Hy Lạp (nước đang chìm trong khủng hoảng nợ công lại có GDP lên tới 0,8%).

Với nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, là Pháp, tăng trưởng gần như ở mức 0%. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 Eurozone - Ý cũng đã chậm lại. Trong khi đó nền kinh tế lớn nhất cả Eurozone (và châu Âu) là Đức, tăng trưởng quý II chỉ đạt 0,4%. Tình hình gần đây là vô cùng ảm đạm.

Châu Á "mong manh"

Đối với châu lục có nền kinh tế năng động nhất thế giới là châu Á, sức khỏe của các nền kinh tế hàng đầu hiện là rất yếu ớt và đáng lo ngại.

Tăng trưởng trong quý II/2015 của Nhật Bản giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2014. Đây được coi là “điềm xấu” cho nỗ lực thực hiện gói chính sách “Abenomics” của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi thời kỳ giảm phát và suy thoái kéo dài hai thập kỷ.

Thậm chí Abenomics còn đang bị đe dọa từ Trung Quốc cũng như những vấn đề nội tại khi mà chính sách này chưa tạo ra được sự chuyển biến đáng kể trong cấu trúc nền kinh tế Nhật. Đáng lo ngại hơn cả là sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc và sự yếu đi của đồng Nhân Dân Tệ.

Một biểu hiện của sự giảm tốc rõ rệt trong tăng trưởng của Trung Quốc là sự trượt dài liên tục trong giá cả hàng hóa và năng lượng. Đặc biệt là đối với các nguyên liệu và năng lượng thô, nhu cầu dường như vô tận của thị trường khổng lồ Trung Quốc đã đẩy giá các mặt hàng này lên cao suốt nhiều thập kỷ.

Bây giờ, hãy liên kết các manh mối lại với nhau: Nhu cầu hàng hóa và năng lượng đang bước vào chu kỳ giảm, kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, đồng USD đang tăng giá theo kỳ vọng tăng lãi suất chuẩn của Mỹ.

Đối với nhiều nước châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, sự kết hợp này là một dấu hiệu của thảm họa. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi các đồng tiền của các thị trường mới nổi - từ Malaysia đến Thổ Nhĩ Kỳ, qua Thái Lan và Philippines - đang giảm mạnh.

Dòng vốn giá rẻ đang tháo chạy khỏi những thị trường này đến Mỹ, nơi được dự đoán sẽ đem lại lợi suất cao hơn. Nhu cầu đối với các loại khoáng sản và dầu khí (vốn là tài nguyên thế mạnh của các thị trường mới nổi) đang giảm mạnh, dẫn đến nguồn thu từ xuất khẩu các tài nguyên này sụt giảm. Chi phí cho các khoản nợ bằng đồng USD của các quốc gia này thì do đó lại càng phình to ra.

NHTW châu Âu và NHTW Trung Quốc đang cân nhắc việc áp dụng các biện pháp để làm giảm chi phí cho các khoản nợ. Và vào hôm 25/8 Trung Quốc đã tiếp tục thực hiện nới lỏng tiền tệ bằng cách cùng lúc cắt giảm lãi suất chuẩn và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các NHTM tại NHTW. Đây vừa là bước đi đối phó với bất ổn trên TTCK nước này và cũng có thể xem là một trong những bước đi chuẩn bị trước khi FED đưa ra quyết định có tăng lãi suất chuẩn vào 17/9 này.

Nhưng việc nới lỏng tiền tệ cũng chỉ được coi là biện pháp cứu cánh tạm thời, bởi nó không giải quyết được những vấn đề nội tại của nền kinh tế đang “ì ạch. Thậm chí các biện pháp này còn khiến kinh tế toàn cầu mất cân bằng. Thặng dư của các nền kinh tế sản xuất như Trung Quốc và khu vực Eurozone, tiêu biểu là Đức sẽ bị thổi phồng. Trong khi đó thâm hụt của các nền kinh tế tiêu dùng – dịch vụ, như Anh, Mỹ, sẽ tăng lên tương ứng.

Rốt cuộc ảnh hưởng của quyết định nâng lãi suất từ FED sẽ là vô cùng lớn và rộng khắp. đi kèm với những rủi ro khó mà tránh được.

Bảo Trung

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên