Tầm quan trọng của 1% xuất sắc nhất
Tỷ lệ đi học ở Anh – “cái nôi” của công nghiệp hóa – chỉ ở mức 11% trong năm 1850. Các nước Bắc Âu đã xóa mù chữ hoàn toàn ở đầu thế kỷ 19 nhưng nền kinh tế bị tụt lại phía sau.
Một số người sẽ phản bác kết luận cho rằng nhân lực là một yếu tố cơ bản góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế. Có khá nhiều bằng chứng cho thấy trong suốt Cách mạng công nghiệp – thời kỳ được cho là quan trọng nhất đối với tăng trưởng, nhân lực tác động rất ít đến phát triển kinh tế. Tỷ lệ đi học ở Anh – “cái nôi” của công nghiệp hóa – chỉ ở mức 11% trong năm 1850. Ngược lại, các nước Bắc Âu đã đạt được thành tựu xóa mù chữ hoàn toàn ở đầu thế kỷ 19 trong khi nền kinh tế bị tụt lại phía sau trong một thời gian dài.
Trong một nghiên cứu mới đây, Mara Squicciarini (ĐH Katholieke Universiteit Leuven) và Nico Voigtländer (ĐH California) đã cố gắng tìm lời giải đáp cho câu hỏi hóc búa này bằng cách chia nguồn nhân lực làm 2 loại: bộ phận có ảnh hưởng đến Cách mạng công nghiệp và bộ phận khác không có ảnh hưởng.
Hai tác giả này thừa nhận rằng bộ phận có trình độ cao hơn chứ không phải những nhân lực trung bình là nhân tố dẫn dắt công nghiệp hòa. Yếu tố trình độ là mấu chốt của vấn đề bởi trong khi các kỹ năng của người lao động (như tốt nghiệp phổ thông và đọc thông viết thạo) có thể giúp nâng cao năng suất bằng cách tối ưu hóa các công nghệ hiện có, kỹ năng của những kỹ sư và doanh nhân hàng đầu mới là thứ giúp tạo ra những cải tiến và đạt được những bước đột phá dẫn đến cách mạng công nghiệp.
Vì giáo dục và tỷ lệ đọc thông viết thạo là hai thước đo quan trọng nhất được sử dụng, có thể lý giải được mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa tăng trưởng và nguồn nhân lực trong quá trình chuyển đổi của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 18 và 19.
Để kiểm chứng giả thiết này, hai nhà nghiên cứu đã sử dụng tỷ lệ đặt mua Bách khoa toàn thư (Encyclopédie) ở Pháp trong năm 1750. Encyclopédie là nỗ lực thu thập các kiến thức khoa học, văn hóa và là trung tâm của phong trào khai sáng ở Pháp thế kỷ 18. Tỷ lệ này được sử dụng để đánh giá lao động có trình độ cao, đối lập với tỷ lệ đọc thông viết thạo (được sử dụng để đánh giá lao động có trình độ trung bình).
Thêm vào đó, các tác giả cũng sử dụng nhiều chỉ số khác để đo lường trình độ phát triển kinh tế như tốc độ đô thị hóa, chiều cao của binh lính trong quân đội, tiền lương và sản lượng công nghiệp. Như dự đoán, tỷ lệ đọc thông viết thạo không phản ánh đúng tốc độ tăng trưởng. Tỷ lệ đặt mua Bách khoa toàn thư bình quân trên đầu người có liên quan mật thiết đến tốc độ tăng trưởng của 4 yếu tố trên sau năm 1750.
Không thể rút ra từ kết quả nghiên cứu trên rằng đặt mua Bách khoa toàn thư sẽ tạo nên tăng trưởng kinh tế hoặc điều này giúp con người trở nên sáng tạo hơn. Thay vào đó, hai tác giả cho rằng tỷ lệ này là chỉ số thể hiện sự hiện diện của tầng lớp có trình độ học vấn cao hơn hẳn. Đây là những người có kiến thức về toán học, các kỹ năng khoa học và có khả năng kinh doanh. Chỉ có 8.000 người đặt mua Bách khoa toàn thư và những người này chỉ tập trung ở một vài nhóm dân số nhất định.
Squicciarini và Mr Voigtländer đưa ra kết luận Cách mạng công nghiệp không được tiến hành bởi kỹ năng của những lao động có trình độ trung bình mà bởi sự khéo léo và chuyên môn xuất sắc của bộ phận thiểu số.
Cũng không thể kết luận rằng tỷ lệ đọc thông viết thạo và tỷ lệ bỏ học là không quan trọng, nhưng có thể nói rằng chúng không phải là những nhân tố quan trọng nhất giúp một nền kinh tế chuyển đổi sang một giai đoạn hoàn toàn mới.
Thu Hương