MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc: Khi "rồng" cũng chùn chân mỏi gối

28-10-2014 - 09:20 AM | Tài chính quốc tế

Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi hai nhà kinh tế học đến từ ĐH Harvard đưa ra câu hỏi liệu Trung Quốc có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong bao lâu nữa.

Tuần trước, Trung Quốc vừa công bố báo cáo cho thấy trong quý III GDP nước này tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Giới phân tích cho rằng con số này là cột mốc đánh dấu Trung Quốc đang bước vào “thời kỳ bình thường mới” trong đó tăng trưởng ở quanh mức 7%. Đúng là mức tăng trưởng hiện nay thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 10% mà Trung Quốc đạt được trong suốt thời kỳ từ năm 1980 đến 2012. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới được thực hiện bởi Lant Pritchett và Larry Summers (đến từ ĐH Harvard), kinh tế Trung Quốc sẽ còn tăng trưởng chậm hơn nữa trong tương lai.

Các chuyên gia dự báo thường sử dụng phép ngoại suy từ tốc độ tăng trưởng hiện tại để dự báo tốc độ tăng trưởng trong tương lai. Ví dụ, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm từ mức 7,4% trong năm nay xuống còn 6,3% khi thập kỷ này kết thúc. Thế nhưng, Pritchett và Summers chỉ ra rằng không thể suy ra được điều gì từ xu hướng tăng trưởng hiện tại của kinh tế toàn cầu. Ở các quốc gia đã tăng trưởng vượt bậc, tăng trưởng thường có xu hướng giảm mạnh và hướng đến mức trung bình của toàn cầu (tức là khoảng 2%/năm đối với chỉ số tăng trưởng GDP thực/đầu người). 

Dựa trên xu hướng này, tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 6%/năm kể từ năm 1977 của Trung Quốc vẫn là tốc độ vượt trội. Trong trường hợp thông thường, tăng trưởng của các nền kinh tế “lớn nhanh như thổi” như Trung Quốc sẽ suy giảm trung bình 4,7 điểm phần trăm. IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong 5 năm tới, nhưng con số mà tổ chức này đưa ra vẫn quá lạc quan nếu nhìn vào các dữ liệu lịch sử.

Những người lạc quan về kinh tế Trung Quốc có thể đưa ra câu hỏi điều gì có thể làm tổn hại kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, Pritchett và Summers đặt ra câu hỏi ngược lại: lý do gì giúp Trung Quốc có thể tiếp tục chống lại lịch sử? Thời kỳ suy giảm vẫn diễn ra bất chấp các nước vẫn khỏe mạnh: Brazil của năm 1980 và Nhật Bản của năm 1991 vẫn là những nước hùng mạnh nhưng đã không thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong suốt 20 năm qua. 

Hai nhà kinh tế học cũng cho rằng tăng trưởng suy giảm không phải là dấu hiệu của sự thất bại. Thay vào đó, tăng trưởng cao trong thời gian dài là biểu hiện của chính sách điều hành tốt. Ở Trung Quốc, yếu tố giúp duy trì tăng trưởng có thể là sự thay đổi hướng đến thị trường tự do hơn. Để kéo thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, Trung Quốc buộc phải thắng trong tất cả các "ván bài" cải cách.


Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên