MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tết Âm lịch tác động như thế nào đến số liệu thống kê kinh tế?

22-02-2015 - 14:09 PM | Tài chính quốc tế

Vì 2014 là năm nhuận, Tết Âm lịch đến muộn hơn. Nhiều người còn cho rằng số liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc ảm đạm hơn mọi năm vì năm nay cuối tháng 2 mới là Tết.

Nội dung nổi bật:

- Một số nước châu Á tính ngày tháng theo âm lịch và sau một số năm, Tết sẽ đến muộn hơn do chênh lệch giữa âm lịch và dương lịch.

- Điều này ảnh hưởng đến công tác thống kê số liệu kinh tế do yếu tố mùa vụ. Có thể bức tranh kinh tế Trung Quốc sẽ sáng sủa hơn nếu tính đến yếu tố này.


Ngoài cách tính ngày tháng theo chuẩn quốc tế, người châu Á nói chung thường tính đến cả âm lịch (thực chất đây là sự kết hợp âm – dương lịch, có nghĩa là các tháng được duy trì theo chu kỳ của Mặt Trăng, nhưng đôi khi các tháng nhuận lại được thêm vào theo một số quy tắc nhất định để điều chỉnh các chu kỳ trăng cho ăn khớp lại với năm dương lịch).

Có lịch sử khoảng 2.500 năm, tuy nhiên âm lịch không phải là một khái niệm hàn lâm đơn thuần mà còn có nhiều tác động đến số liệu thống kê kinh tế. Kỳ nghỉ Tết (thường rơi vào giữa tháng 1 và tháng 2) là thời điểm giá cả cũng như nhu cầu mua sắm lên đến đỉnh điểm và do đó khiến công việc so sánh số liệu giữa các năm trở nên phức tạp hơn.

Đặc biệt, sau một vài năm thì tác động này lại càng lớn và 2015 là một năm như vậy. Vì 2014 là năm nhuận, Tết Âm lịch đến muộn hơn. Nhiều người còn cho rằng số liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc ảm đạm hơn mọi năm vì năm nay cuối tháng 2 mới là Tết.

Số liệu về lạm phát trong tháng 1 khiến nhiều người lo ngại Trung Quốc đang bên bờ giảm phát. Chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,8% so với 1 năm trước, giảm mạnh so với các tháng trước đó. Tăng trưởng thương mại cũng yếu ớt với xuất khẩu giảm 3% và nhập khẩu giảm tới 20%.

Tuy nhiên kỳ nghỉ Tết có những tác động rất lớn đến các số liệu kể trên. Hàng hóa được vận chuyển (dù bằng đường bộ hay đường biển) một cách vội vã để kịp xong trước kỳ nghỉ lễ. Năm ngoái, giai đoạn này tập trung vào tháng 1. Năm nay, thời kỳ này bị đẩy sang tháng 2 và do đó nền kinh tế tỏ ra ì ạch một cách bất thường so với 1 năm trước đó. Thông thường, lạm phát sẽ thấp hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm trong các tháng 1 theo sau năm nhuận. Tương tự, xuất khẩu và nhập khẩu cũng không giảm mạnh như báo cáo.

Cách tính ngày tháng không phải là yếu tố ảnh hưởng duy nhất. Mùa đông ấm hơn thường lệ cũng khiến giá hoa quả và rau củ không tăng mạnh như mọi năm, khiến lạm phát giảm. Giá hàng hóa toàn cầu sụt giảm cũng khiến kim ngạch nhập khẩu giảm. Ví dụ, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc vẫn giống như năm ngoái nếu xét theo khối lượng. Tuy nhiên, giá trị dầu nhập khẩu đã giảm 42%.

Cũng chính vì vấn đề này, các nhà thống kê của Trung Quốc thường đợi đến tháng 3 để công bố trọn bộ số liệu kinh tế, kết hợp số liệu của cả tháng 1 và tháng 2 để đánh giá các chỉ số doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp một cách chính xác hơn. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn suy giảm, nhưng mức độ không trầm trọng như các số liệu thống kê của tháng 1.

NHTW Trung Quốc cũng tỏ ra thận trọng. PBOC đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, chủ yếu bằng cách nâng tỷ lệ tiền huy động được mà các ngân hàng có thể cho vay. Tuy nhiên, đây là phản ứng đối phó với dòng vốn tháo chạy hơn là với tăng trưởng suy giảm. Để có được số liệu chính xác hơn, chính phủ Trung Quốc biết rằng họ sẽ phải đợi thêm một tuần trăng.

Thu Hương

Thu Hương

The Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên