Thân nhân hành khách MH370 hoài nghi về tín hiệu ở Ấn Độ Dương
Một số người khẳng định tín hiệu điện tử do Úc và Trung Quốc bắt được ở khu vực tìm kiếm không phải của MH370 vì họ cho rằng hộp đen trên chiếc Boeing 777 đã hết pin trước khi tín hiệu được phát hiện.
- 09-04-2014Australia tuyên bố vài ngày nữa sẽ tìm thấy mảnh vỡ MH370
- 06-04-2014Xem hành trình máy bay MH370 mất tích trên đồ hoạ 3D
- 04-04-20147 sai lầm trong quá trình tìm kiếm MH370
- 03-04-2014Nghi án lô hàng măng cụt trên MH370 giấu thuốc nổ
Hãng tin CNN ngày 9.4 dẫn lời cô Sara Bajc, bạn gái của anh Philip Wood, một trong ba hành khách người Mỹ trên chuyến bay MH370, giải thích vì sao cô không tin rằng chiếc máy bay chở theo 239 người đang nằm dưới đáy Ấn Độ Dương.
“Tôi cho rằng suy nghĩ chung của các gia đình hành khách là thời điểm các tín hiệu điện tử vừa được phát hiện trùng với thời điểm pin của hộp đen máy bay cạn kiệt”, cô Bajc nói.
“Vì thế tất cả chúng tôi cùng đồng tình một cách chắc chắn rằng khi nào còn chưa tìm được xác chiếc máy bay, xác hành khách và chưa xác định được rằng chiếc hộp đen còn nguyên vẹn, thì chúng tôi sẽ không tin máy bay rơi xuống Ấn Độ Dương”, cô Bajc nhận định.
Được biết, thời lượng pin của hộp đen của máy bay Boeing 777 theo ước tính đã hết cách đây 2 ngày, theo Reuters. Chiếc MH370 chở theo 239 người đã cất cánh tại Kuala Lumpur vào hôm 8.3.
Reuters dẫn lời ông Anish Patel, người đứng đầu Dukane Seacom, công ty sản xuất máy phát sóng siêu âm ở Mỹ, cho biết mặc dù thời lượng pin quy ước của hộp đen là 30 ngày, “nhưng trong thiết kế cho phép độ chênh lệch thời lượng pin khoảng vài ngày”.
Bajc cũng nói thêm rằng cô vẫn tin chiếc máy bay còn nguyên vẹn “vì không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy điều ngược lại. Và thực ra, phần lớn các bằng chứng đều hướng về khả năng máy bay bị không tặc”.
“Tôi không biết nguyên nhân vì sao và tôi không biết là ai, nhưng tôi cho rằng chiếc máy bay đã bị ai đó bắt đi”, thân nhân hành khách MH370 này nói.
Khi được phóng viên CNN hỏi liệu cô sẽ cảm thấy thế nào nếu chiếc máy bay không bao giờ được tìm ra, cô Bajc nói: “Đó là trường hợp đáng sợ nhất, vì tôi nghĩ nếu bạn chắc chắn người thân của mình đã chết, bạn có thể đau khổ và rồi bạn có thể vượt qua nỗi đau này. Nhưng tôi vẫn chưa sẵn sàng cho chuyện đó”.
Bajc nói cô hi vọng sự xuất hiện trên truyền thông của mình sẽ không chỉ giúp người bạn trai nhận ra nếu anh còn sống đâu đó trên trái đất này, mà còn “giúp khuyến khích những ai biết được điều gì đó bước ra trước công chúng”.
Trong khi đó, Nhật báo Moskovskiy Komsomoles (Nga) hôm 7.4 dẫn nguồn tin mật từ Cơ quan tình báo Nga cho biết chiếc máy bay số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị những kẻ khủng bố khống chế và hiện đang ở khu vực đông nam thành phố Kandahar, Afganistan, gần biên giới với Pakistan.
Theo Hoàng Uy