MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thất nghiệp và khủng hoảng kinh tế: Quả trứng hay con gà có trước?

25-08-2014 - 12:45 PM | Tài chính quốc tế

Số việc làm bị mất đi trong thời kỳ Đại suy thoái có liên quan đến đăc tính của bản thân thị trường lao động Mỹ nhiều hơn là do suy thoái kinh tế.

Được trình bày tại cuộc họp thường niên của các nhà kinh tế học và lãnh đạo NHTW trên toàn thế giới tại Jackson Hole vừa qua, nghiên cứu của hai nhà kinh tế học Davis và Haltiwanger chỉ ra rằng nguyên nhân khiến tỷ lệ người Mỹ có việc làm sụt giảm là do thị trường lao động đã bị đình trệ trong suốt mấy thập kỷ gần đây. Càng có ít người chuyển việc hoặc mất việc thì càng có ít người tìm được việc mới. Đây là kết quả của những xu hướng dài hạn như tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ bị chậm lại và sự phát triển của các chứng chỉ hành nghề. 

Hai nhà kinh tế học Stephen J. Davis (ĐH Chicago) và John Haltiwanger (ĐH Maryland) nhận định thị trường lao động Mỹ đã có vấn đề trước cả khi nền kinh tế bước vào thời kỳ suy thoái. Điều này cũng có nghĩa là nước Mỹ không thể giải quyết được vấn đề của thị trường lao động nếu chưa thể hồi phục “dòng chảy” trên thị trường lao động.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu đưa ra kết luận sự yếu ớt của nền kinh tế Mỹ phần lớn xuất phát từ những vấn đề đã tồn tại từ trước Đại suy thoái và do đó Cục dự trữ liên bang (Fed) không thể vực dậy nền kinh tế bằng chính sách lãi suất thấp. Một trong những số liệu thể hiện điều này rõ ràng nhất là tỷ lệ người Mỹ trưởng thành có việc làm đã giảm từ mức 62,7% của năm 2007 xuống còn 58,3% vào năm 2009. Tính đến hết tháng 7 vừa qua, con số chỉ tăng nhẹ, lên 59%.

Cùng lúc đó, những người có việc làm có xu hướng đứng yên một chỗ. Hàng tháng Bộ Lao động Mỹ đều công bố số việc làm mới được tạo ra trong tháng và tỷ lệ thất nghiệp. Con số được đưa ra là tổng số việc làm được tạo mới và số bị xóa đi. Xét về dài hạn (tức là trong mấy thập kỷ gần đây), xu hướng chung là chỉ số này giảm mạnh. Các lao động đang có việc làm cũng hầu như không dịch chuyển. 

Kết quả là, tỷ lệ lao động bỏ việc hoặc chuyển sang một công việc mới đã giảm từ mức 1/3 tổng số trong những năm 1990 xuống chỉ còn 1/4 trong năm 2013. Thị trường lao động thiếu linh hoạt khiến những người trẻ tuổi cũng như những người đang thất nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn khi đi tìm việc.

“Những người đi tìm việc sẽ dễ tìm được việc hơn trong một thị trường lao động linh hoạt và “có dòng chảy” bởi họ có thể đi theo con đường tích lũy kinh nghiệm và dần dần củng cố vị thế. Họ không thể làm điều này trong trường hợp ngược lại, đặc biệt là đối với những lao động trẻ chưa có kinh nghiệm. Nói một cách ngắn gọn hơn, thất nghiệp ngày nay tạo nên thất nghiệp trong tương lai”, nghiên cứu có đoạn. 

Davis và Haltiwanger cho rằng nguyên nhân dẫn đến thị trường lao động thiếu linh hoạt là do già hóa dân số - người lao động lớn tuổi hơn không muốn thay đổi công việc thường xuyên. Một nguyên nhân khác là ngày càng có ít công ty mới ra đời. Xu hướng này rõ nét nhất trong khu vực bán lẻ - nơi những ông lớn như Walmart và McDonald’s có số lượng nhân công khá ổn định. 

Hai nhà kinh tế học cũng nhận định chính sách kinh tế đóng một vai trò quan trọng. Chi phí đào tạo lao động tăng lên, một phần là bởi tỷ lệ người lao động cần có chứng chỉ hành nghề của chính phủ đã tăng từ 5% trong những năm 1950 lên tới 29% năm 2008. Điều này không khuyến khích các công ty tuyển dụng thêm. Các quy định pháp lý cũng khiến việc tuyển dụng khó khăn. 

Theo quan điểm của Davis và Haltiwanger, suy thoái kinh tế chỉ làm tình hình tồi tệ hơn mà thôi. Rõ ràng là nền kinh tế đã có vấn đề trước khi khủng hoảng xảy ra, thậm chí những vấn đề này góp phần gây nên khủng hoảng. 

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học và hoạch định chính sách cũng phải trả lời câu hỏi: tại sao trên thực tế tỷ lệ lao động có việc làm đã tăng lên trong những năm trước suy thoái và sau đó giảm mạnh trong thời kỳ suy thoái? 

Giống như vài nghiên cứu khác, nghiên cứu của Davis và Haltiwanger yêu cầu người ta phải tin vào sự trùng hợp ngẫu nhiên: thảm họa xảy ra vào đúng thời điểm các xu hướng dài hạn lên đến đỉnh điểm. Nói cách khác, khi nền kinh tế sụp đổ, nó vốn đã bước vào chu kỳ lao dốc từ trước đó. 

Hải Nam (Theo New York Times)

huongnt

Nguồn Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên