MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ khủng hoảng ngân hàng ở Bulgari

06-07-2014 - 18:16 PM | Tài chính quốc tế

Tuần trước, những yếu kém của “xứ sở hoa hồng” bộc lộ rõ nét khi hai ngân hàng lớn sụp đổ.

7 năm sau khi gia nhập EU, Bulgaria đã thay đổi tới 3 đời lãnh đạo, vẫn là người nghèo nhất trong khối 28 nước và vẫn bị EU phàn nàn về nạn tham nhũng. Hồi tháng 1, EU nhận định tham nhũng là thách thức rất lớn đối với chính phủ Bulgaria. 

Tuần trước, những yếu kém của “xứ sở hoa hồng” bộc lộ rõ nét khi hai ngân hàng lớn sụp đổ. Theo NHTW Bulgaria, một ngân hàng sụp đổ do “bị tấn công có tổ chức” trong khi sự việc ở ngân hàng còn lại được báo chí mô tả là “mối thù truyền kiếp giữa cổ đông lớn và một người gửi tiền lớn".  

Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 17 năm buộc chính phủ Bulgaria phải mở rộng gói tín dụng trị giá 2,3 tỷ USD dành cho First Investment Bank AD và Corporate Commercial Bank AD, ngân hàng lớn thứ ba và thứ 4 ở nước này (xét theo tài sản).  

Ủy ban châu Âu đồng ý với chương trình này, cho rằng động thái này phù hợp với luật lệ và giúp ổn định tình hình, chấm dứt tình trạng rút tiền ồ ạt. Quyết định được đưa ra hôm 30/6 của EC giúp TTCK Bulgaria tăng điểm mạnh nhất thế giới. 

Mặc dù lo lắng về những thách thức mà Bulgaria đang gặp phải, các nhà hoạch định chính sách của EU vẫn lạc quan về liên minh. Tuy nhiên, với đà phục hồi kinh tế yếu ớt và sự nổi lên của các đảng chống nhập cư trong các cuộc bầu cử từ London tới Athens, niềm tin ấy đang dần phai nhạt. 

Theo John O’Brennan – giảng viên về chính trị châu Âu tại ĐH Quốc gia Ireland, khi Bulgaria gia nhập EU, các chính trị gia nhận thức được những vấn đề còn tồn tại. Tuy nhiên, họ lo ngại về sự dịch chuyển địa chính trị có liên quan đến Nga, lo ngại rằng Bulgaria và Romania sẽ giống với Ukraine. 
Ở Ukraine, theo sau quyết định từ chối ký vào hiệp ước chung với EU của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych là 3 tháng biểu tình đẫm máu. Với Crimea giờ đã nằm trong tay Nga và nhiều vùng phía Đông vẫn đòi ly khai, Tổng thống mới đắc cử Petro Poroshenko hôm 27/6 tuyên bố Ukraine sẽ gia nhập EU. 

Ukraine đã rơi xuống vị trí 144 trong bảng xếp hạng minh bạch của tổ chức Transparency International. Đây là thứ hạng tệ nhất trong số các nước châu Âu. Phó Thủ tướng Bulgaria Zinaida Zlatanova từng nói gia nhập EU không chỉ là nhận hỗ trợ về kinh tế mà còn vì những giá trị của dân chủ, an ninh và thịnh vượng, đúng như những lý do dẫn đến sự ra đời của EU. 

Tuy nhiên, nghị sĩ người Đức Markus Ferber cho rằng khả năng EU gặp phải nhiều trở ngại trong quá trình xóa nạn tham nhũng ở Bulgaria do bị giới hạn quyền can thiệp đến công việc nội bộ của các nước thành viên. 

Cuộc khủng hoảng ở Bulgaria bắt nguồn tại Corporate Commercial, ngân hàng nằm ở trung tâm đời sống chính trị của Bulgaria. Ngân hàng này có tài khoản của hầu hết các bộ và doanh nghiệp nhà nước, trong đó có Bulgarian Energy Holding. Corporate Commercial cũng có cổ phần tại một số tờ báo và hai đài truyền hình kiểm soát bởi Delyan Peevski – người gửi tiền lớn nhất của ngân hàng, cũng như cổ phần ở nhà máy thuốc lá và công ty viễn thông lớn nhất Bulgaria. 

Ngày 14/3/2013, người dân Bulgaria xuống đường biểu tình chống lại Peevski sau khi ông được bổ nhiệm làm lãnh đạo cơ quan an ninh quốc gia. Khoảng 15.000 người tham gia biểu tình với khẩu hiệu “Nói không với tham nhũng”, “Nói không với Mafia”.

Nga sau đó, Thủ tướng Plamen Oresharski cho rằng đây là một sai lầm. Tuy nhiên, biểu tình kéo dài tới vài tháng sau đó, thậm chí còn kêu gọi ông Oresharski từ chức. 

Người gửi tiền ồ ạt rút tiền khỏi Corporate Commercial Bank sau tin Peevski bất đồng với Tsvetan Vassilev – cổ đông lớn của ngân hàng này. Nhiều tờ báo lớn buộc tội Vassilev, thông qua nhiều công ty con, đã vay khoảng 698 triệu USD từ Corporate Commercial trong khi  Peevski rút toàn bộ tài khoản của công ty ra khỏi ngân hàng.  

Ngày 20/6, với dòng người xếp hàng trước cửa, Corporate Commercial cạn kiệt tiền mặt và phải cầu cứu NHTW Bulgaria.

Trong khi đó, một nhóm người tung ra những thông tin tiêu cực về First Investment Bank và khả năng bảo vệ tiền gửi của chính phủ. Chúng sử dụng email, tin nhắn điện thoại và mạng xã hội, theo cơ quan an ninh quốc gia Bulgaria. Cảnh sát bắt giữ 7 người tham gia vào sự việc. Ngân hàng này hoạt động bình thường trở lại hôm 28/6. 

Sự việc cho thấy khi người dân có quá ít niềm tin vào thể chế, mọi tin đồn có thể gây bất ổn định và hoảng loạn. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên