MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ xu hướng giảm dự trữ ngoại hối?

06-04-2015 - 15:07 PM | Tài chính quốc tế

​Thập kỷ các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới miệt mài tích lũy lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ đang đi đến hồi kết.

Nội dung nổi bật:

- Năm 2014 ghi nhận năm đầu tiên trong suốt suốt 10 năm qua dự trữ ngoại hối sụt giảm. Xu hướng giảm được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra vì giá dầu giảm và các nền kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục.

- Một phần nguyên nhân là do USD mạnh lên làm giảm giá trị của các đồng tiền khác. USD cũng ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn so với đối thủ lớn nhất là euro. Đây là diễn biến bất lợi đối với euro.


heo số liệu của Bloomberg, tính đến tháng 3 vừa qua, lượng dự trữ ngoại hối trên toàn cầu đã giảm từ mức kỷ lục 12,03 nghìn tỷ USD của tháng 8/2014 xuống còn 11,6 nghìn tỷ USD. Như vậy đà tăng giá gấp 5 lần bắt đầu từ năm 2004 đã chấm dứt. Mặc dù đà giảm có thể bị thổi phồng vì đồng USD mạnh lên làm giảm giá trị của các đồng tiền dự trữ khác (như euro), điều này vẫn thể hiện rõ xu hướng đang diễn ra trên thị trường tài chính.

Trong suốt thập kỷ qua Các ngân hàng trung ương – hầu hết ở các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc và Nga – trung bình mỗi năm đã bổ sung thêm 824 tỷ USD vào dự trữ ngoại hối. Xu hướng giảm sẽ gây ra một vài ảnh hưởng tiềm ẩn đến thị trường toàn cầu. Các thị trường mới nổi gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đẩy tăng cung tiền cũng như tăng trưởng. Điều này lại càng làm đồng euro giảm sâu hơn và có thể làm giảm nhu cầu về trái phiếu kho bạc Mỹ.

“Đây là một thách thức lớn đối với các thị trường mới nổi”, Stephen Jen, người từng là chuyên gia kinh tế của IMF, nhận định. Các nước này cần kích thích nhiều hơn, những “hạt giống” biến động đang được gieo mầm.

Ngân hàng Credit Suisse ước tính rằng nếu loại bỏ các hiệu ứng từ biến động tỷ giá thì các nước đang phát triển – vốn đang nắm giữ 2/3 lượng dự trữ ngoại hối toàn cầu – đã chi tổng cộng 54 tỷ USD dự trữ trong quý IV. Đây là mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trung Quốc, nước có lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, cùng với các nước xuất khẩu hàng hóa là những nước chứng kiến dự trữ sụt giảm nhiều nhất. NHTW các nước này bán ra USD để bù đắp dòng vốn bị rút ra và nâng đỡ đồng nội tệ. Chỉ số gồm các tiền tệ mới nổi được Bloomberg tính toán đã giảm giá 15% so với đồng USD trong năm ngoái.

Trung Quốc đã giảm lượng dự trữ từ mức 4.000 tỷ USD trong tháng 6 xuống còn 3.800 tỷ USD trong tháng 12. Dự trữ của Nga cũng giảm 25% trong năm qua, xuống còn 361 tỷ USD trong tháng 3. Dự trữ của Saudi Arabia – nước có lượng dự trữ ngoại hối lớn thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Nhật Bản) – đã giảm 10 tỷ USD, xuống còn 721 tỷ USD.

Theo dự báo của ngân hàng Deutsche Bank, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra. Giá dầu ở mức thấp và tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi vẫn còn yếu ớt làm giảm dòng chảy USD mà các NHTW sử dụng để xây dựng kho dự trữ ngoại hối.

George Saravelos – chuyên gia nghiên cứu ngoại hối tại Deutsche Bank – nhận định xu hướng hiện nay rất bất lợi đối với đồng euro. Trong nhiều năm gần đây đồng euro đã được hưởng lợi vì các NHTW tìm kiếm một loại tài sản khác biệt để đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên euro lao dốc chóng mặt khiến tỷ trọng của đồng tiền này trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm xuống chỉ còn 22% trong năm 2014 – thấp nhất kể từ 2002. Ngược lại, tỷ trọng của USD tăng lên 63% - cao nhất 5 năm.

Saravelos cho rằng các nước Trung Đông và Trung Quốc phải đối mặt với áp lực giảm dự trữ ngoại hối trong vài năm tới. NHTW các nước này cần bán ra euro. Đồng tiền chung châu Âu đã giảm giá so với 29 trên tổng số 31 đồng tiền chủ chốt.

NHTW các nước mới nổi bắt đầu tăng cường xây dựng kho dự trữ ngoại hối kể từ khi khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu bùng nổ trong thời kỳ cuối những năm 1990. Mục đích là để bảo vệ thị trường nội địa khi không tiếp cận được với thị trường vốn bên ngoài. Các nước này cũng tăng cường mua vào USD để hạn chế đà giảm của đồng nội tệ. Kết quả là lượng trái phiếu kho bạc mà họ nắm giữ đã tăng gấp 4 so với năm 2003, từ 934 tỷ USD lên 4.100 tỷ USD.

Dự trữ ngoại hối tạo thêm cung tiền cho hệ thống tài chính vì mỗi USD mua vào tạo thêm một lượng nội tệ mới. Đồng thời dự trữ ngoại hối cũng giúp kích thích nền kinh tế. Mặc dù các NHTW có nhiều cách khác để bơm tiền vào hệ thống ngân hàng, nếu như không có hậu thuẫn của dự trữ ngoại hối, các con đường này đều dẫn đến hậu quả là đồng nội tệ yếu đi.

Thu Hương

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên