“The Big Short”, Ứng cử viên hạng nặng giải Oscar 2016 lại cảnh báo khủng hoảng
Vùi đầu vào nghiên cứu các khoản vay thế chấp nhà, các điểm FICO (điểm tín dụng) và phát hiện ra hàng loạt khoản vay trễ hạn thanh toán, gã bác sĩ chuyển nghề lập dị Burry nhanh chóng nhận ra thị trường địa ốc đang rất kỳ lạ và sắp sửa sụp đổ.
- 06-02-2016Bài học cuộc sống dành cho bất kỳ ai làm việc trên phố Wall
- 04-07-2014Phim Transformer nói gì về kinh tế Trung Quốc?
- 27-07-201310 câu chuyện “như phim” trên phố Wall
Bộ phim “The Big Short”, dựa trên câu chuyện có thật nói về cuộc đại khủng hoảng kinh tế nổ ra vào năm 2007 - 2008 có vẻ không mấy hấp dẫn người xem, khi nói về các chủ đề về tài chính khá khô khan. Thế nhưng, Bộ phim này đang nhận được những đánh giá rất cao và đang là ứng cử viên hàng đầu cho giải Oscar năm nay bên cạnh những bộ phim đình đám là The Revenant và Mad Max.
Trong diễn biến mới nhất cho thấy cuộc đua tranh giải Oscar 2016 càng trở nên nóng bỏng và khó dự đoán khi , Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ (PGA) trao giải bộ phim về khủng hoảng tài chính The Big Short (Bán khống). Bộ phim với các ngôi sao Brad Pitt, Ryan Gosling, Christian Bale và Steve Carell đánhbại các ứng cử viên nặng ký khác như Spotlight(Đưa ra ánh sáng), Mad Max (Max điên) và The Revenant (Người về từ cõi chết) để giành giải PGA phim hay nhất.
Bằng việc sử dụng những nhân vật minh hoạ đa dạng từ chuyên gia ẩm thực Anthony Bourdain cho đến nữ diễn viên tài năng Selena Gomes, “The Big Short” đã thành công trong việc chuyển tải những thuật ngữ phức tạp trước đây của phố Wall khiến cho người ta khó tìm hiểu trở nên đơn giản và dễ hình dung. Chính điều này giúp cho một người dân bình thường đang còn mù mờ về hệ thống ngân hàng và các tập đoàn đầu tư có cái nhìn rõ nét hơn với nền kinh tế và thị trường nhà đất.
Năm 2005, trong bối cảnh thị trường tài chính và bất động sản phủ đầy màu hồng, Michael Burry (Christian Bale) - một bác sĩ chuyển nghề quản lý quỹ đầu tư lại làm tất cả khách hàng của anh ta sửng sốt khi đưa ra tiên đoán rằng bong bóng địa ốc sẽ vỡ tan chỉ trong vòng hai năm. Do đó quỹ đầu tư Scion của anh cần đi ngược lại chiều hướng của thị trường để đặt cược vào các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng CDS (“Credit Default Swap”).
Vùi đầu vào nghiên cứu các khoản vay BĐS, các điểm FICO (điểm tín dụng) và phát hiện ra nhiều khoản vay quá hạn thanh toán. Gã bác sĩ chuyển nghề lập dị Burry đưa ra lời tiên đoán thị trường địa ốc sẽ sụp đổ, các trái Trái phiếu được đảm bảo bằng nợ thế chấp BĐS sẽ giảm mạnh.
Burry tin chắc rằng việc ký thỏa thuận CDS với các ngân hàng lớn là mối hời không thể bỏ qua, khi các đơn vị tài chính này sẽ phải trả số tiền rất lớn cho quỹ đầu tư của anh trong trường hợp thị trường địa ốc đổ vỡ.
Thế nhưng, khi Burry đi gặp các ngân hàng đầu tư để thoả thuận về ký thoả CDS. Những quản lý từ Goldman Sachs (GM) với suy luận thị trường nhà đất sẽ không bao giờ sụp đổ, cho rằng “đây là một vụ đầu tư ngu ngốc nhất trong lịch sử”, kèm theo câu nói “đây là Wall Street, nếu anh cho không chúng tôi tiền chúng tôi sẽ nhận nó”.
Rõ ràng, thời điểm đó không chỉ có GM mà rất nhiều ngân hàng đầu tư và các nhà quản lý quỹ khác đều cho rằng Burry đã sai, thế nhưng anh ta đã đúng khi 2 năm sau đó, thị trường nhà đất Mỹ bắt đầu “sụp đổ”.
Thoáng nghe được câu chuyện đầu tư “điên rồ” của Burry, Jared Vennett (Ryan Gosling) - một chuyên viên tài chính của ngân hàng Deutsche Bank, nhanh chóng nắm bắt được ý đồ đó và lập tức đi tìm nhà đầu tư để đổ vốn vào thị trường CDS.
Người duy nhất chịu tin và hợp tác với Vennett là Mark Baum (Steve Carell) - một chuyên gia giao dịch tài năng nhưng cũng mang nặng nỗi tức giận với sự tham lam của giới tài chính Phố Wall. Luôn muốn tìm hiểu bản chất của mọi việc, Baum nhanh chóng nắm bắt được dự báo của Burry và Vennett về sự đổ vỡ của thị trường địa ốc.
Baum cùng cộng sự đi tìm hiểu về thị trường nhà đất họ mới biết rằng, tỷ lệ cho vay đang dần tăng cao và hầu như ai muốn vay cũng được, các khoản vay dễ dàng được chấp nhận vì nó tạo ra nguồn lợi chung từ đơn vị bán hàng cho đến các ngân hàng. Thậm chí, một vũ công cũng dễ dàng nhận được các khoản vay thấu chi khi kê khai là bác sĩ trị liệu và cô ấy còn nói rằng dân ở đây ai cũng giống nhau, mỗi người đều có ít nhất vài căn nhà. Ngay lập tức, Baum quyết định đặt mua ngay 50 triệu CDS từ Jared Vennett.
Cũng bắt nguồn từ ý tưởng của Vennett, hai giao dịch viên trẻ tuổi và vô danh là Charlie Geller (John Magaro) và Jamie Shipley (Finn Wittrock) bắt đầu tìm cách kiếm lời từ thị trường CDS đầy rủi ro với sự hỗ trợ của chuyên gia tài chính về hưu Ben Rickert (Brad Pitt).
Cuối cùng những người thuộc phe thiểu số như Burry, Vennett hay Baum, Geller đã đúng với những tiên đoán xuất thần của họ về thị trường. Nhưng để đi tới thành công, họ phải trải qua rất nhiều áp lực từ bạn bè, đồng nghiệp, và cả diễn biến kỳ lạ của thị trường với hàng loạt sự kiện mà đến chính những kẻ “ngược dòng” cũng không thể ngờ tới.
Khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ lĩnh vực cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ bắt đầu bùng nổ vào tháng 8/2007, tỷ lệ thanh toán chậm đã tăng 36%, đạt kỷ lục cao nhất trong 16 năm qua. Năm 2007, vị thế tài sản của những người sở hữu nhà đã thay đổi từ “thanh toán chậm” đến “tịch thu tài sản” để thế nợ và tỷ lệ này đã tăng gấp đôi so với năm 2006. Kể từ khi cuộc khủng hoảng diễn ra, 5.000 tỷ Usd đã biến mất khỏi các quỹ hưu trí, tiết kiệm, nhà đất và trái phiếu, 8 triệu người mất việc, 6 triệu người mất nhà chỉ riêng tại nước Mỹ.
Mặc dù dành được phần thưởng lớn từ thương vụ đầu tư ngược dòng của mình nhưng phần lớn trong họ đều canh cánh bên lòng khi chứng kiến hàng triệu người dân Mỹ mất việc, mất nhà khi khủng hoảng nổ ra. Đó là một bi kịch mà nguồn cơn chính là sự tham lam của cả hệ thống từ ngân hàng, ngân hàng đầu tư và các công ty địa ốc có sự hỗ trợ đắc lực từ cơ quan xếp hạng tín dụng và cuối cùng là nhà các đầu tư.
Cảnh báo khủng hoảng
Một lần nữa “bóng ma khủng hoảng” lại diện diện trên khắp thị trường tài chính thế giới khi thị trường chứng khoán thế giới những ngày đầu năm 2016 đang chao đảo, hầu hết các chỉ số chứng khoán lớn đang giảm mạnh so với cuối năm 2015. Nhà đầu tư đang hình dung đến cảnh khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ nổ ra vào giữa năm 2007 mà nguồn gốc ban đầu của cuộc khủng hoảng tồi tệ này được cho là từ sự chứng khoán hoá các khoản cho vay mua nhà không đủ tiêu chuẩn.
Cách đây hơn 2 năm nhà kinh tế học Robert Shiller, một trong ba chủ nhân giải thưởng Nobel kinh tế 2013 đã cho rằng gói kích thích kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và những kỳ vọng ngày càng lớn của thị trường đang tạo ra một cơn sốt “bong bóng” bất động sản.
Robert Shiller chính là người dự đoán được bong bóng trên thị trường chứng khoán vào năm 2000 với sụp đổ của bong bóng Dot-com . Đến năm 2008, nhờ nắm trong tay chỉ số giá nhà đất S&P/Case-Shiller do mình sáng lập, Shiller tiếp tục đưa ra dự báo không thể nghi ngờ về bong bóng nhà đất mà sau đó đã dẫn đến cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới kể từ cuộc Đại khủng hoảng 1929-1933. Thế nhưng, điều đáng tiếc là các thị trường khác trên thế giới có vẻ như cũng chưa rút kinh nghiệm từ bài học của thị trường Mỹ đồng thời đang đi vào “vết xe đổ” giống như vậy.
Cho đến giai đoạn gần đây khi thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm mạnh, những dự đoán của Shiller lại được đề cập đến với những điểm khá tương đồng với giai đoạn cuối năm 2001, khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, FED đã liên tục cắt giảm lãi suất. Chính sách tiền tệ mở rộng đã khuyếch trương các hoạt động kinh tế. Giữa năm 2002, Chủ tịch FED, Alan Greenspan và đồng nghiệp vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất chỉ đạo ở mức 1% trong suốt 2 năm 2003 và 2004.
Chính vì chính sách lãi suất thấp đã thúc đẩy các NH tìm cách tạo ra các sản phẩm tài chính có mức sinh lời cao hơn bằng việc chứng khoán hoá các khoản cho vay mua nhà không đủ tiêu chuẩn gây nên cuộc khủng hoảng trầm trọng năm 2008.
Trở lại với “The Big Short”, phần cuối của bộ phim là một lời cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng tiếp theo. Nếu như cho rằng các CDO (Collateralized debt obligation - Trái phiếu được đảm bảo bằng nợ có bảo đảm) là nguồn gốc ban đầu gây ra khủng hoảng tài chính năm 2008, thì xắp tới có thể đến từ một loại CDO mới với cái tên rất kiêu “Bespoke Tranche Opportunity”.