Thế giới "đánh rơi" 600 tỷ USD
Thái độ không sẵn sàng của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc đấu tranh cho tự do thương mại là một sai lầm đắt giá
- 18-02-2014Nhật Bản có thể thỏa hiệp tại TPP
Tháng 7/2008, khi Barack Obama mới chỉ là một ứng viên chạy đua cho chức Tổng thống Mỹ, ông đã tuyên bố trước đám đông ở Berlin rằng “để có sự hợp tác thực sự và những bước tiến thực sự, công việc cần phải được giải quyết nhanh chóng và có những sự hi sinh lâu dài”.
Điều này cũng đúng với tự do thương mại. Nếu các lãnh đạo – những người hiểu rõ về những lợi ích rộng lớn mà tự do thương mại mang lại – không chiến đấu, nó sẽ ngay lập tức bị xói mòn bởi nước nào cũng muốn là bên có lợi nhất và bị mờ mắt bởi điều đó.
Ông Obama đã có rất ít động thái nhằm khuyến khích tự do thương mại trong nhiệm kỳ thứ nhất, nhưng dường như đã có một chút mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ thứ hai. Nước Mỹ tham gia vào các thỏa thuận mới đầy tham vọng với các nền kinh tế Thái Bình Dương và cả liên minh châu Âu, thổi một luồng gió mới vào các vòng đàm phán thương mại toàn cầu. Dường như sự hình sinh này cũng mang lại kết quả. Các thành viên của Tổ chức thuowg mại thế giới hồi tháng 12 năm ngoái đã thông qua một loạt các biện pháp cải tổ thương mại (đây là thỏa thuận đa phương thực sự đầu tiên trong lịch sử 20 năm của tổ chức này). Các nhà ngoại giao tin tưởng hướng đi mới của Nhà Trắng sẽ giúp đem những bên - vốn rất ương ngạnh - đến bàn đàm phán.
Đột nhiên, các lĩnh vực khác cũng có nhiều tiến triển (như tự do hóa thương mại trong ngành dịch vụ và công nghệ thông tin, giảm bớt các rào cản trong trao đổi “hàng hóa và dịch vụ thuộc về môi trường” – điều giúp cắt giảm chi phí loại bỏ khí thải carbon).
Tuy nhiên, giờ đây, có vẻ như Obama lại đang đầu hàng trước những người đi theo chủ nghĩa bảo hộ ở đảng của ông. Nếu ông Obama không thể thuyết phục đảng Dân chủ, thế giới sẽ mất đi cơ hội tốt nhất trong 2 thập kỷ để tự do hóa bùng nổ. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang từ bỏ vai trò là người bảo vệ cho một nền kinh tế toàn cầu cởi mở hơn.
Tự bắn vào chân mình
Nút thắt của nước Mỹ nằm ở chỗ các thỏa thuận thương mại phải được Quốc hội thông qua. Các Tổng thống trước đó có lợi thế khi được trao quyền đàm phán theo thủ tục rút gọn (fast-track), cho phép họ thương lượng các thỏa thuận và sau đó trình lên Quốc hội chỉ với một cuộc bỏ phiếu có hoặc không. Như vậy, các nhà làm luật không thể chỉnh sửa các chi tiết trong thỏa thuận.
Khi Tổng thống không có quyền này, các nhà làm luật có thể phá hỏng những thỏa thuận đã được đàm phán kỹ lưỡng với những điều chỉnh khắt khe. Trong trường hợp này, không có nước nào muốn đàm phán cụ thể với Mỹ.
Do đó, fast-track là quyền hết sức quan trọng. Lần cuối cùng Quốc hội Mỹ trao cho Tổng thống quyền này là vào năm 2002 và quyền đã hết hạn năm 2007. Nội các của ông Obama từng tự tin rằng ông sẽ sớm được trao quyền, nhưng nhiều nhà làm luật (trong đó có cả các đại biểu đảng Dân chủ) phản đối điều này.
(Xem thêm: Đàm phán TPP - Cái khó của ông Obama)
Dường như Nhà Trắng đã dễ dàng bỏ cuộc và thậm chí không hề phản kháng. Khó có thể xảy ra một cuộc bỏ phiếu về fast – track trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới.
Điều này có nghĩa là gì? Nhiều người cho rằng đây chỉ là một khía cạnh bộc lộ đặc điểm đời sống chính trị ở Washington: Quốc hội sẽ sẵn sàng thông qua fast-track sau cuộc bầu cử tháng 11, miễn là ông Obama đồng ý với những lời lẽ trong dự luật buộc tội Trung Quốc đã bóp méo đồng nhân dân tệ.
Một số người khác thì tự hỏi liệu các thỏa thuận thương mại có quan trọng hay không. Trên thực tế, họ quan niệm các thỏa thuận không giúp ích nhiều cho nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, quan điểm trên là hoàn toàn sai lầm. Giới chuyên gia ước tính Hiệp ước Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể giúp sản lượng kinh tế thế giới tăng thêm 600 tỷ USD – tương đương với GDP của Saudi Arabia. Trong số này, Mỹ còn được hưởng 200 tỷ USD.
Con số còn lớn hơn nếu tính đến lợi ích lâu dài. Các thỏa thuận dọn đường cho tự do trong giao dịch dịch vụ - khu vực đóng góp phần lớn cho GDP của các nước phát triển nhưng mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong hoạt động thương mại.
Mở cửa trong giao dịch thương mại giúp giảm chi phí của mọi hoạt động, từ vận chuyển cho tới dịch vụ ngân hàng, giáo dục và y tế. Xa hơn, các thỏa thuận còn giúp giảm chênh lệch giàu nghèo – thứ mà ông Obama luôn hướng tới.
Trì hoãn thêm có thể trở thành nguy hiểm chết người đối với các thỏa thuận. Các cuộc đàm phán TPP đã được mở rộng trong khi Mỹ và Nhật bất đồng về nông sản. Các chính trị gia Nhật Bản chẳng có lý do gì để đặt mình trước rủi ro khiến người nông dân nổi giận khi bất cứ thỏa thuận nào cũng có thể bị xé vụn ở đồi Capitol. Việc ông Obama không giành được quyền fast-track sẽ khiến các lãnh đạo châu Âu nghi ngờ cam kết của Mỹ. Thủ tướng Đức Angela Merkel – vốn đã tức giận với Mỹ vì bị nghe lén – có thể quyết định rằng thỏa thuận thương mại là thứ không đáng để đấu tranh.
Nguy hiểm nhất vẫn là khó có thể đảo ngược được quan điểm chính trị của Mỹ. Một số đại biểu của đảng Trà phản đối fast-track một phần cũng là do không muốn trao cho ông Obama quyền hạn.
Trong những năm 1930, các chính phủ đã tăng cường hàng rào thương mại và kéo theo đó là những hậu quả khủng khiếp. Họ có thể lặp lại điều này. Do đó, Mỹ - nhân tố chủ chốt thúc đẩy tự do thương mại – lùi bước là dấu hiệu đáng báo động. Mới đây, Quốc hội Mỹ cũng từ chối tăng đóng góp của Mỹ vào Quỹ tiền tệ quốc tế. Những quy định mới về quản lý ngân hàng của Cục dự trữ liên bang khiến các ngân hàng ngoại gặp khó ở Mỹ. Ông Obama cũng tiếp tục trì hoãn phê duyệt đường ống dẫn dầu từ Canada bởi đây là dự án gây tranh cãi về mặt chính trị.
Năm 2008, ông Obama cho rằng Mỹ không thể quay lưng với thế giới. Obama “phiên bản 2014” đang nói: “Chúng tôi có thể”.
Thu Hương