MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới tìm cách "cai" nợ

23-02-2015 - 16:10 PM | Tài chính quốc tế

Đã có nhiều kiến nghị được đưa ra để giảm tác động của nợ xấu. Tuy nhiên không thể phủ nhận thực tế cũng giống như bất kỳ loại thuốc gây nghiện nào, các quốc gia khó có thể “cai” nợ.

8 năm đã trôi qua kể từ khi những khoản nợ dưới chuẩn biến dạng và khiến hệ thống tài chính toàn cầu sụp đổ, tuy nhiên những hệ quả của cuộc khủng hoảng nợ vẫn còn đó. Đầu tháng 2, một báo cáo của McKinsey đã chỉ rõ nợ vẫn là vấn đề lớn đe dọa kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo này, tổng nợ trên toàn cầu đã tăng thêm 57.000 tỷ USD kể từ năm 2007 – tức tăng 5,3% mỗi năm, không giảm đi nhiều so với tốc độ 7,3% của thời kỳ 2000 – 2007 (giai đoạn tín dụng bùng nổ). Nếu khu vực tài chính bị loại khỏi công thức tính, sẽ không có quốc gia nào thành công trong việc giảm tỷ lệ nợ/GDP: 14 nước thậm chí còn chứng kiến tỷ lệ này tăng thêm hơn 50 điểm phần trăm.

Trong một số trường hợp (ví dụ như Ireland), xu hướng tăng chỉ đơn giản phản ánh thực tế là nợ của khu vực tài chính đã nằm trên bảng cân đối kế toán của chính phủ vì các gói cứu trợ ngân hàng. Xét trên một vài khía cạnh, chuyển nợ từ khu vực tư sang khu vực công là một bước tích cực. Các chính phủ có thể đi vay với lãi suất thấp hơn so với doanh nghiệp và cá nhân. Và, nếu họ có thể điều chỉnh đồng nội tệ, các chính phủ có đầy đủ khả năng để mở rộng bảng cân đối kế toán.

Thêm vào đó, nợ cũng là một cách hiệu quả cho phép các chủ nợ và con nợ mở rộng dòng tiền. Ở các nước đang phát triển, mức độ nợ tăng lên là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế ngày càng đa dạng. Kể cả các nước phát triển cũng không có định nghĩa chính xác nợ ở mức độ nào là quá cao.

Tuy nhiên mức độ nợ quá cao sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Quan niệm cho rằng tổng nợ ròng trên toàn cầu bằng 0 dù nợ có cao đến mấy là một quan niệm sai lầm. Đầu tiên, rất nhiều nợ được đảm bảo bằng bất động sản và cả hai bên đi vay cũng như cho vay đều sẽ thiệt hại. Khi tín dụng tăng trưởng, chủ sở hữu nhà có thể chịu được giá nhà cao hơn. Tiếp theo sau đó, nhu cầu tăng lên cũng khiến giá tiếp tục tăng và càng khuyến khích ngân hàng cho vay.

McKinsey tìm thấy mối liên hệ mật thiết giữa nợ của các hộ gia đình và giá nhà ở Mỹ. Họ cũng nhận xét các nước có duy nhất một thành phố chiếm ưu thế (ví dụ như London ở Anh) sẽ có giá bất động sản cao hơn và nhiều nợ hơn. McKinsey liệt kê 7 quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi bong bóng bất động sản gồm Australia, Canada, Malaysia, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Điển và Thái Lan.

Vấn đề thứ hai mà các quốc gia gặp phải khi nợ quá cao là họ thường xuyên phải tìm kiếm những dòng vốn mới và đảo nợ. Nếu các chủ nợ mất niềm tin vào khả năng thanh toán của quốc gia đó, khủng hoảng ngay lập tức gõ cửa.

Tình trạng thiếu vắng các biện pháp giải chấp (deleveraging) cho thấy xóa bỏ gánh nặng nợ là một nhiệm vụ rất khó khăn. Gánh nặng nợ có thể được chuyển từ bên này sang bên khác, lạm phát cũng có tác dụng dù chỉ trong thời gian ngắn trước khi chủ nợ yêu cầu đền bù lãi suất. “Chìa khóa” để giảm nợ là tăng trưởng kinh tế - điều mà các nước phát triển luôn cố gắng theo đuổi. Những người theo trường phái Keynes sẽ cho rằng thất bại này phản ánh việc tập trung quá mức vào thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, dân số cũng là một lực cản khi lực lượng lao động của nhiều nước phát triển đang co hẹp.

Báo cáo của McKinsey dẫn ví dụ về Thụy Điển và Phần Lan, những nước đã vượt qua được khủng hoảng nợ trong những năm 1990. Tuy nhiên, cả hai nước này đều có nền kinh tế mở cửa và có thể sử dụng biện pháp phá giá nội tệ để thúc đẩy tăng trưởng khi kinh tế toàn cầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều rắc rối và không phải tất cả các đồng tiền đều có thể hạ giá ngay lập tức.

McKinsey đưa ra nhiều kiến nghị để giảm tác động của nợ xấu. Tuy nhiên không thể phủ nhận thực tế cũng giống như bất kỳ loại thuốc gây nghiện nào, các quốc gia khó có thể “cai” nợ.

Thu Hương

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên