MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế nào gọi là bong bóng tài sản?

25-12-2013 - 09:55 AM | Tài chính quốc tế

Bong bóng được đánh dấu bởi tâm lý phấn khích quá đà, những dự báo của giới truyền thông và cảm giác hối tiếc của những người đã không “tham gia” vào bong bóng.

Nỗi lo về bong bóng tài sản lại một lần nữa dấy lên trên thị trường. Chỉ số công nghiệp Dow Jones liên tục phá vỡ các kỷ lục. Twitter – công ty công nghệ chưa hề có lãi – vừa niêm yết cổ phiếu thành công với lượng nhu cầu lớn từ nhà đầu tư. Số nợ mà các công ty phát hành lên mức cao kỷ lục kể từ năm 2008. 

Căn hộ ở Manhattan được bán với giá kỷ lục hơn 50 triệu USD. Tháng trước, bộ ba bức tranh của Francis Bacon trở thành tác phẩm đắt giá nhất trong lịch sử đấu giá tranh từ trước đến nay với giá 142,2 triệu USD. Robert Shiller – giáo sư đến từ ĐH Yale đã dự đoán chính xác bong bóng công nghệ thời kỳ cuối những năm 1990 và bong bóng trên thị trường bất động sản trong những năm 2000 – đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về nguy cơ bong bóng trên TTCK Mỹ.

Tất cả những điều này đều cho thấy các nhà đầu tư giàu có đang ngày càng trở nên tự tin. Câu hỏi ở đây là liệu cảm nhận của họ có đúng hay không. Trong một số trường hợp, giá tài sản tăng quá nhanh là điều hoàn toàn hợp lý. Các ngành mới có thể nổi lên và tạo nên những “ông lớn” (như Microsoft, Apple và Google), các quốc gia có thể thay đổi chính sách kinh tế và đạt được tốc độ tăng trưởng như vũ bão (như Nhật Bản trong những năm 1960 và Trung Quốc trong những năm 1990). 

Tuy nhiên, làm cách nào để phân biệt một “thị trường con bò” và bong bóng?

Shiller mô tả bong bóng là một hiện tượng kinh tế mang tính tinh thần, giống như một căn bệnh. Bong bóng được đánh dấu bởi tâm lý phấn khích quá đà, những dự báo của giới truyền thông và cảm giác hối tiếc của những người đã không “tham gia” vào bong bóng. Hiện tượng này thường được khuếch đại bằng tăng trưởng tín dụng. 

Mặc dù vậy, rất khó để có thể đưa ra một định nghĩa chính xác cho khái niệm bong bóng. Đối với tập đoàn quản lý quỹ GMO, bong bóng là hiện tượng giá tài sản tăng mạnh, có độ lệch chuẩn so với xu hướng giá trung bình ít nhất là 2.

Sử dụng định nghĩa này, GMO xác định thế giới đã trải qua tổng cộng 330 bong bóng trong thời kỳ từ 1720 đến 2010 (ảnh bên). Bong bóng xuất hiện thường xuyên hơn trong mấy thập kỷ gần đây. Một phần nguyên nhân là do đã có nhiều công cụ hơn để phân tích các thị trường. Tuy nhiên, hiện tượng này phản ánh xu hướng phát triển của dòng vốn trên toàn cầu, theo sau sự kiện chế độ tỷ giá cố định sụp đổ thời kỳ đầu những năm 1970. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có nhiều bong bóng xuất hiện hơn khi các nhà đầu tư đổ xô đi tìm những tài sản có lợi suất cao hơn. 

Nhiều nhà kinh tế học khó có thể chấp nhận sự tồn tại của bong bóng, cũng giống như họ không thể chấp nhận ý tưởng về thị trường hiệu quả. Nếu rõ ràng là các tài sản bị định giá quá cao, tại sao các nhà đầu tư thông minh vẫn tận dụng cơ hội và bán ra? Edward Chancellor (một chuyên gia của GMO) lập luận rằng nhà đầu tư sẽ khó có thể tìm cơ hội chênh lệch giá trong thời kỳ bong bóng. “Sự điên cuồng” có thể kéo dài hơn so với dự đoán của nhà đầu tư, và họ cũng không thể chắc chắn liệu có phải bong bóng đã được giải quyết khi giá tài sản giảm mạnh. 

Dimitri Vayanos và Paul Woolley – hai nhà kinh tế học đến từ London School of Economics – thì cho rằng bong bóng xuất phát từ vấn đề của các tổ chức. Nhà đầu tư không trực tiếp mua cổ phiếu mà thuê các chuyên gia quản lý quỹ. Họ có xu hướng chọn những nhà quản lý quỹ đã làm tốt trong những năm trước đó. Trong khi các nhà quản lý quỹ nhận tiền mặt từ khách hàng, họ mua vào các cổ phiếu mà họ ưa thích và có mức giá diễn biến tốt. Đây là điều đã xảy ra khi bong bóng công nghệ bùng nổ thời kỳ cuối những năm 1990. 

Điều tương tự cũng xảy ra đối với bong bóng bất động sản. Hầu hết bất động sản được mua bằng tiền đi vay ngân hàng. Khi giá tăng, các ngân hàng tự tin hơn về khoản cho vay. Nguồn cung tín dụng càng tăng, người đi vay càng có nhiều tiền và điều này đẩy tăng giá nhà. Tất nhiên, khi ngân hàng không muốn cho vay nữa, giá sẽ lao dốc mạnh. 

Chính sách tiền tệ tạo ra bong bóng?

Nhiều chuyên gia tin rằng chính sách tiền tệ hiện nay đang tạo điều kiện cho bong bóng phát triển. Lãi suất danh nghĩa ở hầu hết các nước phát triển đang ở mức gần 0, và các NHTW mua vào lượng lớn trái phiếu thông qua các gói nới lỏng định lượng. Mục đích là để giảm lợi suất của các tài sản an toàn và khuyến khích nhà đầu tư mua vào những tài sản rủi ro hơn, khiến chi phí đi vay của các doanh nghiệp giảm xuống và cải thiện niềm tin vào nền kinh tế. 

Tuy nhiên, lãi suất thấp cũng sẽ thuyết phục một số nhà đầu tư rằng tài sản rủi ro phải có giá cao hơn. Nếu lãi suất giảm xuống, giá trị hiện tại của tài sản phải tăng lên. Dẫu vậy, điều này chỉ xảy ra khi những thứ khác không thay đổi. Các NHTW áp dụng chính sách tiền tệ như hiện nay bởi vì họ lo lắng rằng triển vọng của nền kinh tế sẽ trở nên u ám hơn. Nếu họ đúng, nhà đầu tư sẽ giảm mức ước tính cho dòng tiền mà họ nhận được từ tiền cổ tức, tiền cho thuê…

Điều kiện hiện nay khiến thị trường đứng trước hai rủi ro: thu nhập từ tài sản không tăng lên như kỳ vọng của nhà đầu tư và giá trị của dòng vốn giảm mạnh nếu chính sách tiền tệ thay đổi. Trong báo cáo mới nhất về sự ổn định của thị trường tài chính, NHTW Anh đã thừa nhận rằng chính sách tiền tệ đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa. “Dòng vốn ồ ạt chảy vào các nền kinh tế mới nổi khiến tín dụng của các nước này tăng vọt”. Các nền kinh tế mới nổi đã chao đảo trong mùa hè vừa qua, khi Fed phát tín hiệu thu hẹp gói kích thích. 

Nhìn lại 5 năm gần đây, rõ ràng là các thị trường đã hồi phục sau cú sụp đổ năm 2008 và đầu năm 2009. Lợi suất mà nhà đầu tư thu được đang ở mức cao nhất trong 15 năm qua. Tuy nhiên, có không ít thị trường đang bị định giá quá cao so với lịch sử. Tỷ lệ P/E của TTCK Mỹ hiện đang ở mức 25 lần, cao hơn nhiều so với mức trung bình 16,5 lần. Lợi nhuận của các doanh nghiệp (so với GDP) cũng ở mức cao nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. 

Dẫu vậy, Shiller vẫn chưa tuyên bố TTCK Mỹ đang ở trong tình trạng bong bóng. Thị trường không có sự hưng phấn tương tự như thời kỳ bong bóng dotcom. 

Chỉ số giá nhà ở được tạp chí The Economist thống kê cho thấy thị trường bất động sản New Zealand, Canada và Australia đang được định giá quá cao. GMO cho rằng có những dấu hiệu rõ ràng về bong bóng bất động sản ở Anh và Thụy Điển. Tuy nhiên, Hồng Kông là thị trường tồi tệ duy nhất khi giá sụt giảm gần 20% trong năm qua. 

TTCK Nhật Bản cũng đã tăng 51% kể từ đầu năm đến nay, nhưng dường như đây là một sự phục hồi sau gần 25 năm gây thất vọng. Chứng khoán Venezuela cũng tăng 5 lần trong năm 2013 nhưng đó không phải là thị trường khiến các nhà đầu tư quốc tế háo hức.

Khi xét đến những tài sản sưu tầm như tác phẩm nghệ thuật, mức giá cao chỉ đơn giản phản ánh sự mất cân bằng trong thế giới phát triển. Từ xưa đến nay, giới nhà giàu vẫn thích thể hiện vị thế bằng cách trưng bày những thứ đồ xa xỉ mà người khác không thể có được. 

Đồng tiền điện tử Bitcoin cũng có thể coi là bong bóng khi giá của đồng tiền này dựng đứng và khi giảm cũng lao dốc rất nhanh. Giới truyền thông sốt sắng đưa tin về Bitcoin. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên