Thị trường tiền tệ: Đừng khóc cho riêng Argentina
Biến động mới nhất trên thị trường tiền tệ cho thấy không phải tất cả các phần của kinh tế thế giới đều hoạt động tốt.
- 25-01-2014Argentina bất ngờ quyết định nới lỏng kiểm soát ngoại tệ
- 23-09-2013Kinh tế Argentina tăng trưởng 5,8% nửa đầu năm
- 25-01-2014Dow Jones “bốc hơi” hơn 300 điểm
Cuối tuần trước, đồng peso của Argentina đã có phiên giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2002 – khi nước này thực hiện phá giá đồng nội tệ và sau đó vỡ nợ. Đồng peso giảm từ 6,92 peso/USD xuống còn 7,88 peso (tức 12%).
Đồng tiền này lao dốc sau khi NHTW Argentina tuyên bố ngừng can thiệp vào thị trường tiền tệ. Theo Neil Shearing – chuyên gia đến từ Capital Economics, dự trữ ngoại hối của Argentina đã giảm từ mức đỉnh 47 tỷ USD hồi tháng 3/2011 xuống còn 25 tỷ USD (thấp nhất 7 năm) trong tháng 11/2013. Shearing nhận định cái giá phải trả để bảo vệ đồng peso đã lên đến mức quá cao.
Chính phủ Argentina đã mắc nhiều sai lầm trong quản lý nền kinh tế. Thay vì giải quyết lạm phát, nước này lại tìm cách gian lận số liệu. Thay vì khắc phục những nguyên nhân gây nên tình trạng dòng vốn bị rút ra ồ ạt, Argentina cố gắng lấp liếm trong vô vọng.
Tuy nhiên, Argentina không phải là nước duy nhất cảm nhận được sức nóng của thị trường tiền tệ. Các nền kinh tế mới nổi đang là mối bận tâm của nhiều nhà đầu tư. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỹ liên tiếp giảm giá và lập đáy mới. Đồng rand của Nam phi cũng lao dốc. Cả hai nước này đều có thâm hụt cán cân vãng lai lớn (theo ước tính của IMF ở mức 7% GDP đối với Thổ Nhĩ Kỳ và 6% đối với Nam Phi). Thổ Nhĩ Kỳ trở nên “mong manh dễ vỡ”, đặc biệt là trong bối cảnh NHTW chần chừ không muốn nâng lãi suất và chính phủ mất tín nhiệm.
Các nước phát triển giàu tài nguyên – vốn đã làm tốt khi thị trường hàng hóa bùng nổ - cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ, đồng đôla Canada đã trồi sụt mạnh. Nỗi lo kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng là đám mây đen bao phủ. Số liệu bi quan về khu vực sản xuất của Trung Quốc càng củng cố thêm nỗi lo đè nặng lên các nước xuất khẩu hàng hóa.
Đầu tuần trước, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) vừa công bố báo cáo mới dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng từ 3% năm ngoái lên 3,7% trong năm 2014. Đây là một tín hiệu tích cực, nhưng biến động mới nhất trên thị trường tiền tệ cho thấy không phải tất cả các phần của kinh tế thế giới đều hoạt động tốt.
Thu Hương