Thời kỳ khó khăn của các ông lớn ngân hàng đầu tư
Thời gian gần đây là những ngày không may đối với các ngân hàng lớn ở phố Wall hay phố Fleet (con phố nằm ở trung tâm tài chính London).
- 23-04-2014Barclays lên kế hoạch "rút lui" khỏi thị trường hàng hóa
- 12-02-2014Ngân hàng Barclays sắp cắt giảm 12.000 việc làm
- 26-09-2013Đến lượt Barclays đóng tài khoản ở 130 quốc gia
- 28-05-2013Ngân hàng đầu tư: Đừng mơ tưởng nữa!
- 23-05-2013Chặn đường sống của ngân hàng đầu tư
- 12-05-2013Ngân hàng đầu tư: Phố Wall trở lại
Nộp phạt và cắt giảm nhân sự
Trên báo chí liên tục xuất hiện các bài báo có tựa đề tiêu cực. JPMorgan Chase và Barclays đều thông báo doanh thu quý I của mảng ngân hàng đầu tư giảm mạnh (giảm lần lượt 20% và 41%). Barclays còn cho biết sẽ bắt đầu chương trình cắt giảm nhân sự với 19.000 nhân viên bị cắt giảm trong 2,5 năm tới.
Trong khi đó, số tiền phạt mà các ngân hàng phải nộp do những hành vi sai trái trong thời kỳ khủng hoảng tiếp tục tăng lên. Có vẻ như “quân bài domino” tiếp theo sẽ là Bank of America – ngân hàng vốn đã phải nộp phạt 13 tỷ USD trước đó.
Không chỉ có vậy, những tài liệu mới bị rò rỉ cho thấy Credit Suisse đang chuẩn bị nộp phạt với sai phạm giúp khách hàng tránh thuế. BNP Paribas cũng có thể phải chịu lệnh cấm vận của Mỹ vì đã giao dịch với các nước nằm trong danh sách cấm vận.
Nói một cách ngắn gọn, có vẻ như các ông lớn ngân hàng toàn cầu đang gặp phải vận hạn. Trong một bức thư được đăng tải trên website của Bộ Tư pháp Mỹ tuần trước, Bộ trưởng Eric Holder đã tỏ rõ thái độ của ông đối với các ngân hàng lớn. “Không có gì là quá lớn để bị bắt vào tù. Một số người đã sử dụng cụm từ “quá lớn để sụp đổ” để miêu tả một số định chế tài chính, kể cả khi chúng có hành vi trái với pháp luật. Tuy nhiên, đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm và Bộ tư pháp Hoa Kỳ không chấp nhận quan điểm này”, ông nói.
Cơ hội?
Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Ở một vài mức độ, ngành ngân hàng thế giới đang chứng kiến những thay đổi mang tính chất căn bản trong cách thức kinh doanh của các “đại siêu thị tài chính”. Trong môi trường hiện nay, chỉ những định chế tài chính sẵn sàng và có khả năng thích ứng mới có thể phát triển.
Theo Brian Kleinhanzl – chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn dịch vụ tài chính Keefe, Bruyette & Woods, các ngân hàng phải thực sự đứng đầu lĩnh vực mà họ cạnh tranh. Với khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh, có không ít ngân hàng rút khỏi thị trường và đây cũng là cơ hội.
Kleinhanzl cũng tin rằng một số nhân tố ảnh hưởng đến các ngân hàng chỉ mang tính chu kỳ theo tự nhiên. Khối lượng giao dịch của tất cả các loại tài sản đều ở mức thấp và chính sách lãi suất siêu thấp của Fed ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các ngân hàng đầu tư.
Trong khi đó, một số thương vụ M&A đã giúp hàn gắn vết thương của các ngân hàng. Theo số liệu của Dealogic, số vụ M&A nhắm vào các công ty Mỹ đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu của Reuters cũng cho thấy hoạt động M&A tăng 63% ở Mỹ và 9% trên toàn cầu. Goldman Sachs và Morgan Stanley đã làm rất tốt khi tận dụng được lợi thế.
Sự phát triển của giao dịch tần số cao (HFT) và các nền tảng khác cũng khiến lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm. Theo Lei Mao – giáo sư đến từ trường kinh doanh Warwick (Anh) – nhận định sự phát triển của các hệ thống giao dịch điện tử khiến nhu cầu trên thị trường sụt giảm. Ví dụ, khi xuất hiện hợp đồng phái sinh lãi suất, nhà đầu tư không còn cần đến các ngân hàng đầu tư xây dựng sản phẩm cho họ. Họ có thể tự xây dựng với trợ giúp từ hệ thống giao dịch điện tử.
Đó cũng chính là lý do khiến Barclays, UBS, Credit Suisse và RBS gần đây công bố cắt giảm nhân sự trong mảng ngân hàng đầu tư.
Thu Hương