Thói tham lam ở Phố Wall
Một báo cáo mới nhất về đạo đức ngân hàng vừa được công bố hôm 16-7, cho biết những lời lẽ cao đẹp Phố Wall đang hô hào chỉ là “hát nhép”.
Tháng 9 tới đánh dấu 5 năm ngày cơn bão tài chính toàn cầu bùng phát, nhưng thói tham tàn của các ngân hàng - một trong những nguyên nhân đẩy thế giới vào tình trạng suy giảm trong nửa thập niên qua - dường như đang quay lại. Một báo cáo vừa công bố cho biết có đến 24% lãnh đạo ngân hàng nói sẵn lòng giao dịch nội gián để kiếm lợi 10 triệu USD trở lên nếu có thể lách luật.
Các công ty ở Phố Wall thường hô hào khẩu hiệu khi nói về phát triển văn hóa đúng đắn. Các lãnh đạo nhà băng cho biết đã nỗ lực để xây dựng đạo đức kinh doanh trong ngân hàng của mình.
Tất cả công ty đều bỏ công soạn những bộ quy tắc ứng xử, như JPMorgan Chase viết: “Sự toàn vẹn và danh tiếng của chúng ta phụ thuộc vào khả năng làm điều đúng đắn của chính chúng ta, dù không dễ dàng thực hiện”; hay Goldman Sachs viết: “Không có động lực tài chính hoặc cơ hội nào có thể biện minh cho việc rời xa những giá trị đạo đức”...
Tuy nhiên, một báo cáo mới nhất về đạo đức ngân hàng vừa được công bố hôm 16-7, cho biết những lời lẽ cao đẹp Phố Wall đang hô hào chỉ là “hát nhép”.
Báo cáo đã khảo sát 250 nhà ngân hàng của hàng chục công ty tài chính, bao gồm các nhà giao dịch, giám đốc quỹ, giám đốc chi nhánh, lãnh đạo ngân hàng đầu tư, chuyên gia phân tích tài chính, cố vấn đầu tư. Có tới 23% trong số này nói họ từng chứng kiến hoặc biết đến những hành động sai trái diễn ra ở nơi làm việc.
Trong khi đó, 24% cho biết sẵn lòng giao dịch nội gián để kiếm 10 triệu USD nếu có thể che giấu được hành vi gian lận đó. Báo cáo của Công ty Luật Labaton Sucharow được tiến hành hồi tháng trước - một cảnh báo đối với những hành vi sai trái ở ngành công nghiệp tài chính - tiếp tục là thách thức cho các nhà chức trách toàn cầu. Báo cáo cho biết 26% người trả lời tin rằng cơ cấu tiền thưởng ở công ty họ khuyến khích các nhân viên vi phạm những tiêu chuẩn đạo đức và pháp luật.
Điều đáng ngại là có những ghi nhận về việc xâm phạm nguyên tắc đạo đức ở những người lãnh đạo công ty. 17% cho rằng các sếp của họ dường như sẽ lái sang hướng khác nếu nghi ngờ một nhân viên giỏi thực hiện giao dịch nội gián. Tệ hơn, 15% tin rằng một khi đã biết một nhân viên giỏi có hành vi phạm tội, các sếp cũng không báo cáo cho nhà chức trách.
Phố Wall đang tiềm ẩn một vấn đề thực sự. Dĩ nhiên vẫn có những người thực sự liêm chính trong ngành tài chính hiện nay, nhưng số lượng “con sâu” không phải là rải rác như người ta vẫn tưởng, mà chiếm một tỷ lệ lớn, khi có tới 28% tin rằng các dịch vụ tài chính không đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết.
Điều nữa đáng báo động là những vấn đề vi phạm đạo đức phổ biến hơn ở những nhân viên trẻ, thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Phố Wall. Thí dụ, có tới 38% người làm việc chưa tới 10 năm trong ngành tài chính nói họ sẵn sàng giao dịch tài chính để kiếm lợi 10 triệu USD, nếu có cách lách được luật, so với con số bình quân 24%.
Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã dành ra 500 triệu USD để khuyến khích việc tố cáo gian lận tài chính. Theo đó, những người tố cáo sẽ được thưởng 10-30% số tiền phạt thu được. Cho đến nay quỹ này vẫn còn khoảng 450 triệu USD, cho thấy số vụ gian lận bị tố cáo vẫn không nhiều như kỳ vọng.
Theo Vinh Trang