Thủ đô Angola vượt Tokyo trở thành nơi đắt đỏ nhất thế giới
Giá nhà ở và hàng hóa nhập khẩu quá cao khiến Luanda trở thành thành phố đắt đỏ nhất cho người nước ngoài đến sinh sống và làm việc.
Luanda, thủ đô của đất nước Nam Phi Angola, đã vượt qua Tokyo để trở thành thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới đối với người nước ngoài đến đây sinh sống và làm việc. Đây là kết quả của khảo sát vừa được hãng khảo sát Mercer thực hiện.
Có chi phí sinh hoạt ở mức cao và phải nhập khẩu nhiều hàng hóa đắt đỏ, Luanda đã quay trở lại đứng đầu bảng xếp hạng sau khi rơi xuống vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng năm ngoái. Năm 2010 và 2011, Luanda đều xếp số 1.
Châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương, mỗi khu vực có 4 thành phố nằm trong top 10.
Moscow là thành phố có vị trí cao nhất ở châu Âu, theo sau đó là 3 thành phố của Thụy Sĩ. Geneva, Zurich và Bern lần lượt xếp ở vị trí số 7,8 và 9.
Trong khi đó, thành phố đắt đỏ nhất ở châu Á nằm ở Nhật Bản. Tokyo tuột xuống vị trí số 3 sau khi đứng đầu trong năm 2012.
Khảo sát này được thực hiện ở 214 thành phố trên khắp thế giới trong tháng 3 vừa qua, tính toán chi phí bao gồm hơn 200 hạng mục như nhà ở, phương tiện di chuyển, thực phẩm và quần áo… New York được chọn là thước đo cơ sở.
Angola là nơi sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của châu Phi (đứng sau Nigeria), thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, một ngôi nhà phù hợp là một trong những chi phí đắt đỏ nhất mà các chuyên gia nước ngoài gặp phải khi đến đây làm việc và sinh sống. Barb Marder – lãnh đạo của Mercer – nhận định mặc dù là nước sản xuất dầu mỏ lớn, Angola vẫn còn là một nước nghèo và người nước ngoài đến đây sẽ phải chịu chi phí cao do hàng hóa nhập khẩu rất đắt đỏ.
Năm ngoái, chi phí trung bình để thuê một căn hộ gồm 2 phòng ngủ thuộc dạng sang trọng ở Luanda ở mức 6.500 USD – chỉ thấp hơn 500 USD so với Hồng Kông (vốn là thành phố có giá bất động sản cao nhất thế giới).
Các thành phố châu Âu tiếp tục thống trị bảng xếp hạng bất chấp giá cả ở đây chỉ tăng nhẹ. Thụy Sĩ vẫn có nhiều thành phố mặc dù chi phí sinh hoạt khá ổn định, thậm chí còn giảm xuống.
Ở châu Á, ngoài Tokyo còn có Singapore (đứng thứ 5), Hồng Kông (thứ 6) và Sydney (thứ 9). Tuy nhiên, các đồng nội tệ biến động và ảnh hưởng của lạm phát lên hàng hóa dịch vụ đã ảnh hưởng đến xếp hạng chung của châu Á. Khoảng một nửa thành phố châu Á bị tụt hạng so với năm ngoái. Kể từ đầu năm đến nay, đồng yên đã giảm giá tới hơn 15% so với đồng USD.
Thu Hương