MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng Yingluck: “Tôi không bao giờ chạy trốn”

02-12-2013 - 07:22 AM | Tài chính quốc tế

Bà Yingluck đã xuất hiện tại một trụ sở cảnh sát ở Bangkok để tham vấn với các sĩ quan cấp cao.

Ngày 1.12, cảnh sát Bangkok đã phải viện đến hơi cay và vòi rồng phun nước để chặn dòng người biểu tình xông vào trụ sở Văn phòng Thủ tướng và tổng hành dinh lực lượng cảnh sát. Điều này khiến cuộc khủng hoảng chính trị tiếp tục leo thang ở Thái Lan, gây bất ổn nền kinh tế lớn thứ hai tại Đông Nam Á.

Song, những hứa hẹn của thủ lĩnh biểu tình Suthep về “ngày chiến thắng 1.12” để lật đổ “chế độ Thaksin” đã không diễn ra như dự kiến. Ông Suthep càng khiến dư luận hoang mang về mục đích thật sự của cuộc biểu tình, khi tuyên bố “sẽ vẫn tiếp tục ngay cả khi Thủ tướng Yingluck từ chức...”.

Quân đội kêu gọi hai bên đàm phán

Sáng 1.12, phe đối lập chia nhau xông vào 3 đài truyền hình và 1 trụ sở cảnh sát với hy vọng có thể tìm thấy nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra ở đó. Những người biểu tình xếp nhiều bao cát lên nhau để trèo qua rào chắn bảo vệ Văn phòng Thủ tướng, song đều bị cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng chặn lại.

                 biểu tình tại Thái Lan
Biểu tình tại Thái Lan.

Giám đốc Cảnh sát Bangkok đã ra lệnh cấm tất cả các nhân viên được đi nghỉ tại thời điểm này. Ít nhất 8.400 cảnh sát được điều động đến bảo vệ trụ sở chính phủ, quốc hội và Sở Cảnh sát Bangkok. Theo yêu cầu của Trung tâm Hành chính vì Hòa bình và Trật tự Thái Lan (CAPO), quân đội Thái Lan đã bắt đầu triển khai lực lượng giúp cảnh sát đối phó với những người biểu tình tại các trụ sở chính quyền.

Tuy nhiên, quân đội khẳng định chỉ “hỗ trợ cảnh sát ngăn các hành vi phá hoại tài sản công quyền”, chứ không trực diện chặn người biểu tình. Người đứng đầu lực lượng quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã kêu gọi Thủ tướng Yingluck và thủ lĩnh đối lập Suthep đàm phán để giải pháp cho căng thẳng hiện nay, đồng thời yêu cầu cảnh sát ngừng sử dụng hơi cay với người biểu tình.

Các tay súng bắn tỉa nhắm bắn sinh viên

Căng thẳng bắt đầu gia tăng tối 30.11, giữa các sinh viên ĐH Ramkamhaeng và áo đỏ của Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống độc tài (UDD). Hiệu trưởng Đại học Ramkamhaeng cho biết, có một vài tay súng bắn tỉa đã nấp trên nóc các tòa nhà trong trường và nhắm bắn vào sinh viên, gây ra vụ bạo lực đẫm máu làm 2 người chết, ít nhất 45 người bị thương.

Ngày 1.12, cảnh sát đã điều động một đoàn xe với sự hộ tống của xe tải quân sự đến giải cứu hàng trăm sinh viên đại học này vẫn bị mắc kẹt sau vụ đụng độ. Binh sĩ tham gia giải cứu đều không mang súng. Cảnh sát chưa nhận diện được những tay súng đã bắn vào sinh viên.

                   cảnh sát dùng hơi cay, vòi rồng giải tán người biểu tình
Cảnh sát dùng vòi rồng, hơi cay giải tán người biểu tình

Vụ nổ súng khiến dư luận lo ngại cuộc biểu tình của hai phe sẽ trở thành xung đột bạo lực lớn. Các vụ đụng độ khác cũng xảy ra gần sân vận động nơi những người ủng hộ chính phủ tuần hành hòa bình, khi hai thanh niên mặc áo đỏ - màu của phe chính phủ - bị đánh trọng thương. Hai xe buýt chở đầy khách bị tấn công, các cửa sổ bị đập vỡ trước sự hoảng loạn của những người ngồi trong. Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau đã kích động bạo lực trước. Hiện những xe khách lớn chở người ủng hộ bà Yingluck đang lũ lượt từ các tỉnh tràn về Bangkok.

Phe đối lập tung tin bà Yingluck “bỏ trốn”

Sáng sớm ngày 1.12, một lãnh đạo đối lập Thái Lan là Sathit Wongnongtoey đã nói với phóng viên rằng, bà Yingluck đã đặt vé cho riêng mình đến Johannesburg (Nam Phi) “rõ ràng với ý định chạy trốn” - ông ta cáo buộc. Thông tin này lập tức lan tràn trên các mạng xã hội, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan tiếp tục leo thang. Nhưng vào trưa cùng ngày, bà Yingluck đã xuất hiện tại một trụ sở cảnh sát ở Bangkok để tham vấn với các sĩ quan cấp cao.

Ngay sau đó, Hãng hàng không Thai Airways International ra thông cáo khẳng định Thủ tướng Yingluck đã hủy vé cho hành trình đến Nam Phi từ một tháng trước. Hãng này nhận được lịch đặt vé từ hồi tháng 6 cho phái đoàn Chính phủ Thái Lan do bà Yingluck dẫn đầu đến Nam Phi theo lời mời của chính phủ nước bạn. Song hồi tháng 10, phía Nam Phi đề xuất nên tạm hoãn chuyến thăm để tránh trùng với các cuộc bầu cử trong nước, vì vậy lịch đặt vé - dự trù bay vào ngày 1.12 - đã được hủy.

Tránh lặp “kịch bản đẫm máu năm 2010”

Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Yingluck tiếp tục tái khẳng định “không sử dụng vũ lực” với phe đối lập: “Chúng tôi thà bị chỉ trích là một chính phủ yếu ớt, hơn là viện bạo lực để đáp trả những người chiếm đóng trụ sở. Điều này sẽ tốt hơn việc ra thời hạn chót để giành lại các tòa nhà, nhưng lại để người dân phải hứng chịu hậu quả”.

Cho đến nay, chính quyền Bangkok vẫn phản ứng một cách rất chừng mực với phe biểu tình. Chuyên gia Australia về Đông Nam Á - ông Andrew Walker - cho rằng, nội các của bà Yingluck bằng mọi giá muốn tránh lặp lại kịch bản đẫm máu của năm 2010, khi chính quyền điều quân đội nổ súng vào người biểu tình phe “áo đỏ” ủng hộ ông Thaksin, làm hàng trăm người chết.

Trong khi đó, giới quan sát nhận định Suthep đang cố tình kích động bạo lực nhằm tạo ra tình huống hỗn loạn tại thủ đô Bangkok với hy vọng khi đó quân đội sẽ đảo chính để lật đổ chính quyền bà Yingluck.

Thủ tướng Yingluck: “Tôi không bao giờ chạy trốn”. Thủ tướng Yingluck đã yêu cầu người biểu tình “để con trai tôi yên”, sau khi một người chống đối bà đã thổi còi vào mặt cậu bé. Bà Yingluck nói những người chống chính phủ nên trút nỗi giận của họ vào bà, chứ không phải “một cậu bé ngây thơ, không hề biết gì về các xung đột chính trị”. Bà cho biết, con trai bà sẽ vẫn đến trường bình thường, và tin rằng cậu “đủ mạnh mẽ”. “Tôi cũng không đi đâu cả. Tôi vẫn ở đây. Dù là một phụ nữ, tôi không bao giờ chạy trốn. Tôi sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống” - bà Yingluck khẳng định.

Theo Phương Thủy

huongnt

Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên