MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thung lũng Silicon dè chừng phố Wall

27-06-2011 - 10:13 AM | Tài chính quốc tế

Chuyên gia tài chính phố Wall đang sục sạo thung lũng Silicon để kiếm tiền nhưng chuyên gia công nghệ nơi đây cũng chẳng phải “thằng ngốc”.

Các ngân hàng lớn trên phố Wall đang trở lại để giúp biến các công ty công nghệ nhỏ tại thung lũng Silicon thành tập đoàn lớn, thế nhưng lần này tâm lý thận trọng đang lên rất cao.

Sau khi từ bỏ thung lũng Silicon sau khi bong bóng dotcom lần thứ nhất xì hơi, các chuyên gia tài chính phố Wall quay lại trung tâm ngành công nghệ Mỹ để kiếm cơ hội làm giàu.

Thế nhưng lần này, các chuyên gia tài chính của nhóm ngân hàng hàng đầu phố Wall như Bank of America Merrill Lynch, Citigroup, Goldman Sachs, JP Morgan, Morgan Stanley và UBS sẽ gặp phải thái độ lạnh lùng.

Cách phản ứng của thung lũng Silicon có thể giống như câu chuyện trong bộ phim của John Hughes: những đứa trẻ chăm học đơn giản không muốn kẻ giàu có kiếm tiền từ phát minh của chúng.

Thị trường ngoài ra cũng đặt câu hỏi về việc liệu các ngân hàng cố tình định giá thấp giá trị các công ty, sau đó bán cổ phiếu cho khách hàng tổ chức ở giá thấp, bất chấp quyền lợi của những người sáng lập ra nó.

Ông Christopher Dixon, cựu trưởng bộ phận chiến lược truyền thông tại UBS và hiện làm phó chủ tịch công ty Minyanville Media, chỉ ra: “Thung lũng Silicon thường có mối quan hệ yêu – ghét với phố Wall.”

Chuyên gia Dixon và nhiều chuyên gia lâu năm khác trên thị trường khẳng định sự căng thẳng xung quanh hoạt động của các ngân hàng đang lên cao: Họ tham gia vào các hoạt động tiền IPO của các công ty mới, sau đó thu phí bảo lãnh phát hành và phí của khách hàng khi các công ty này IPO.

Xét đến thỏa thuận của Goldman Sachs và Facebook trong thời gian gần đây. Tháng 1/2011, Goldman đầu tư khoảng 450 triệu USD vào công ty mạng xã hội này và sau đó giới thiệu đến khách hàng tiềm năng cơ hội đầu tư vào Facebook trong nỗ lực thu hút thêm khoảng 1,5 tỷ USD tiền từ khách hàng trên danh nghĩa đại diện cho Facebook. Goldman Sachs chắc chắn sau đó có lợi thế để đứng ra làm bảo lãnh phát hành cho Facebook.

Trong mối quan hệ quá nhiều phân lớp này, ngân hàng luôn thắng dù người khởi nghiệp ra công ty hay nhà đầu tư cá nhân chịu thiệt. Trong vai trò vừa là nhà đầu tư vừa là bên bảo lãnh phát hành, các ngân hàng thường có quyền chỉ đạo khi nào các công ty nên chào bán cổ phiếu, trước khi họ có đủ sức mạnh tài chính để niêm yết công khai, ngân hàng thu phí và kiếm lời lớn mà không phải dốc quá nhiều tiền vào các hoạt động rủi ro.

Ông Ken Marlin, người từng đảm nhiệm chức vụ CEO tại nhiều công ty công nghệ trước khi sáng lập công ty tư vấn công nghệ riêng, phân tích: “Khi bong bóng vỡ, khách hàng của công ty chịu thiệt bởi chính tiền của nhà đầu tư chịu rủi ro lớn nhất.”

Cho đến nay, nhóm tổ chức tài chính kiếm được nhiều nhất từ lĩnh vực bảo lãnh phát hành cho các công ty công nghệ trong thung lũng Silicon bao gồm JP Morgan và Morgan Stanley, 2 công ty đã đứng ra bảo lãnh phát hành cho đợt IPO của Linked và Pandora. Morgan Stanley thu được từ 7 đến 10 triệu USD tiền phí chỉ riêng từ đợt IPO của LinkedIn.

Trong ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu ZipCar và LinkedIn đều tăng vọt so với giá chào bán, giá cổ phiếu Pandora sau đó đã hạ so với mức 16USD/cổ phiếu.

Vậy tại sao giá chào bán và giá thị trường khác nhau đến vậy? Nhiều chuyên gia thuộc Silicon Valley và chuyên gia tài chính khẳng định rằng bởi các chuyên gia ngân hàng không dành đủ thời gian để tìm hiểu công ty mà họ đại diện để có thể đánh giá đúng tiềm năng của công ty đó.

Thật không may cho những công ty mới, họ không thể lờ đi các ngân hàng lớn theo cái cách của Hambrecht & Quist và một số ngân hàng đầu tư khác. Số tiền một số công ty khác huy động được, từ 5 đến 10 tỷ USD, quá hấp dẫn đến mức có thể khẳng định chỉ Goldman Sachs, Morgan Stanley hay JP Morgan có đủ khả năng làm được việc này.

Hơn nữa, chuyên gia Dixon đã chỉ ra: “Câu chuyện không chỉ ở chỗ tham gia vào thị trường mà còn phải nói đến việc hỗ trợ công ty sau đó, các công ty công nghệ lớn vì vậy nằm trong tay các nhà môi giới lớn.”

Tuy nhiên các công ty công nghệ nổi tiếng như Facebook có tiếng nói mạnh hơn, ít nhất khi tính đến chi phí mà họ trả cho bên bảo lãnh phát thành: Một số nguồn tin cho thấy Facebook sẽ cố gắng thương lượng giảm được mức phí 7%, vốn đã giảm từ đợt Google IPO, xuống 5%.

Nếu một ngân hàng không chấp nhận mức phí đó, chắc chắn sẽ có đối thủ khác trên thị trường chạy đua, chấp nhận phí thấp để được tham gia một phần vào đợt IPO “khủng” đó. CNBC gần đây đưa tin Facebook đang chuẩn bị cho đợt IPO trị giá khoảng 100 tỷ USD.

Ông Mark Patricof, chuyên gia tại ngân hàng đầu tư MESA, nói: “Các công ty công nghệ có vị thế riêng do kết quả kinh doanh tốt hoặc thương hiệu nổi tiếng có đối trọng lớn hơn so với các ngân hàng trên thị trường.”

Ngọc Diệp
Theo Fortune

ngocdiep

Trở lên trên