Thượng đỉnh G20: Khi Putin tính về sớm
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ rời hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) sớm - hãng tin Reuters dẫn lời một thành viên trong đoàn đại biểu Nga tại sự kiện này cho biết.
Nguyên nhân được cho là trong ngày 15/11, các nhà lãnh đạo phương Tây đã chỉ trích ông Putin về cuộc khủng hoảng ở Ukraine và dọa sẽ tăng cường trừng phạt Moscow.
Vị quan chức Nga nói trên tiết lộ, ông Putin định sẽ bỏ qua một cuộc họp vào ngày Chủ Nhật (16/11) trong khuôn khổ thượng đỉnh APEC diễn ra ở Brisbane, Australia trong hai ngày cuối tuần này. Theo vị quan chức này, Tổng thống Nga sẽ dịch thời gian rời khỏi sự kiện lên sớm hơn vì ông cần tham dự các cuộc họp ở Moscow.
Đến nay, Nga vẫn một mực phủ nhận các cáo buộc của phương Tây và Kiev cho rằng Moscow tiếp tay cho quân nổi dậy ở miền Đông Ukraine, đẩy cuộc khủng hoảng này leo thang.
Tuy vậy, ông Putin đã vấp phải sự chỉ trích mạnh của các nhà lãnh đạo phương Tây tại thượng đỉnh G20 lần này, bao gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Canada Stephen Harper.
Phát ngôn viên Jason MacDonald của ông Harper nói rằng, nhân lúc bắt tay ông Putin, nhà lãnh đạo Canada đã đề nghị ông chủ điện Kremlin ra khỏi Ukraine.
“Tôi đoán là tôi sẽ bắt tay ông, nhưng tôi chỉ có một điều duy nhất để nói với ông: ông cần ra khỏi Ukraine”, phát ngôn viên MacDonald thuật lại lời ông Harper nói với ông Putin. Cũng theo phát ngôn viên này, phản ứng của ông Putin trước lời nói của ông Harper là không tích cực, nhưng không nói cụ thể là ông Putin đã nói gì.
Trong khi đó, Tổng thống Obama nói rằng, sự gây hấn của Nga đối với Ukraine là một mối đe dọa đối với thế giới. Hội đồng Châu Âu (EC) thì yêu cầu Nga rút quân và vũ khí khỏi miền Đông Ukraine và gây áp lực buộc quân nổi dậy phải tuân thủ ngừng bắn.
Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, Obama cho biết, ông đặt vấn đề an ninh và biến đổi khí hậu ở vị trí trọng tâm của cuộc gặp này, thay vì chuyện làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu như mong muốn của nước chủ nhà Ukraine.
Người đứng đầu Nhà Trắng nói, Mỹ đang đi tiên phong trong việc “phản đối sự gây hấn của Nga chống lại Ukraine, một mối đe dọa đối với thế giới, như những gì chúng ta đã chứng kiến trong vụ chuyến bay MH17 bị bắn hạ”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel thì tuyên bố Liên minh Châu Âu (EU) đang cân nhắc tăng cường các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Nga có liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Tình hình hiện nay khiến chúng tôi không hài lòng. Chúng tôi đang lên một danh sách những cá nhân tiếp theo có thể bị trừng phạt”, bà Merkel phát biểu trước báo giới.
Theo dự kiến, các ngoại trưởng châu Âu sẽ nhóm họp vào ngày thứ Hai (17/11) để đánh giá tình hình Ukraine và liệu có nên áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga - Chủ tịch EC Herman Van Rompuy cho biết.
Sự cô lập nhằm vào ông Putin ở thượng đỉnh G20 lần này được thể hiện rõ trong việc ông thường bị đứng ngoài rìa trong các bức ảnh chụp chính thức các nhà lãnh đạo. Trong khi ông Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được Toàn quyền và Tổng chưởng lý của Australia chào mừng khi tới Brisban, thì ông Putin chỉ được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước này tiếp đón.
Cho dù phải chịu áp lực lớn tại sự kiện, Putin vẫn mỉm cười và bắt tay với Thủ tướng nước chủ nhà Tony Abbott, người từng nổi giận với Nga vì cho rằng Moscow có vai trò trong vụ rơi chuyến bay MH17 của Malaysia ở miền Đông Ukraine.
Về phần mình, một phát ngôn viên của điện Kremlin nói, cuộc khủng hoảng Ukraine là chủ đề duy nhất trong cuộc gặp song phương giữa ông Putin và Thủ tướng Anh David Cameron. Theo phát ngôn viên này, trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo cùng bày tỏ sự quan tâm tới “chấm dứt leo thang” và cải thiện mối quan hệ.
Ngoài ra, ông Putin cũng gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande, và cả hai nhất trí sẽ bảo vệ mối quan hệ giữa Moscow với Paris trước tác động của lệnh trừng phạt.
Tại hội nghị này, Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ sẽ duy trì cam kết xoay trục chiến lược về châu Á. Đây được coi là “lời cảnh báo ngầm” của ông đối với Trung Quốc.
Obama khẳng định, trật tự an ninh ở châu Á không thể dựa trên “sự cưỡng ép hay đe dọa… trong đó nước lớn bắt nạt nước nhỏ, mà phải dựa trên các mối quan hệ liên minh vì an ninh chung”.
Trong tuyên bố trên, Obama không đề cập đến Trung Quốc, nhưng giới quan sát tin rằng, ông đang ám chỉ những tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh trên biển và mối lo gia tăng về việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự.
Theo Diệp Vũ