MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Toàn bộ các ngân hàng Hy Lạp đóng cửa

29-06-2015 - 08:42 AM | Tài chính quốc tế

Động thái trên được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán cứu trợ với chủ nợ quốc tế đổ vỡ và NHTW châu Âu (ECB) quyết định không tung “phao cứu trợ” cho các ngân hàng Hy Lạp.

Trong nỗ lực ngăn chặn hệ thống tài chính sụp đổ, Hy Lạp đã phải đóng cửa các ngân hàng và áp dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn. Hy Lạp vẫn phải làm điều này bất chấp nền kinh tế sẽ lún sâu hơn vào suy thoái và nguy cơ nước này phải rời khỏi Eurozone sẽ tăng lên.

Động thái trên được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán cứu trợ với chủ nợ quốc tế đổ vỡ và NHTW châu Âu (ECB) quyết định không tung “phao cứu trợ” cho các ngân hàng Hy Lạp. Những hàng dài người dân Hy Lạp đứng trước các máy ATM và trạm xăng thể hiện những khó khăn tài chính ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày như thế nào.

Với tình trạng tiền mặt cạn kiệt, Hy Lạp trở thành nước thứ hai ở Eurozone (nước đầu tiên là đảo Síp năm 2013) tuyên bố các ngân hàng sẽ đóng cửa một thời gian và áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn.

Niềm lạc quan biến mất sau nửa đêm tối thứ 6 tuần trước, khi Thủ tướng Tsipras gây sốc với lời kêu gọi trưng cầu dân ý về chính sách thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ yêu cầu.

Sau đó, đến chiều Chủ nhật, ECB tuyên bố chỉ hỗ trợ khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp tối đa 89 tỷ euro. Lần đầu tiên kể từ đầu năm tới nay, ECB từ chối duy trì “đệm đỡ” cho các ngân hàng Hy Lạp dù lượng tiền gửi sụt giảm mạnh.

“Hôm nay là một ngày rất đen tối đối với Hy Lạp”, giáo sư Nicholas Economides đến từ trường ĐH New York nhận định.

Các ngân hàng Hy Lạp sẽ đóng cửa ít nhất là tới ngày 6/7 và mỗi ngày chỉ được rút ra 60 euro. Chuyển tiền ra nước ngoài bị cấm hoàn toàn.

Đồng tiền chung của 19 nước giảm 1,6%, xuống còn 1,0992 USD đổi 1 euro.

Hôm qua Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc giữ Hy Lạp ở lại Eurozone. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob J. Lew nói với Thủ tướng Hy Lạp Tsipras rằng tìm ra một giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho Hy Lạp.

Những diễn biến trong cuối tuần qua đánh dấu một bước ngoặt lớn so với tuần trước, khi các thị trường tăng điểm mạnh với hi vọng Hy Lạp và nhóm các chủ nợ sẽ đạt được một thỏa thuận.

Tuần trước, chứng khoán Hy Lạp đã tăng tổng cộng 16%, mạnh nhất kể từ năm 2008. Lợi suất trái phiều kỳ hạn 10 năm do chính phủ Hy Lạp phát hành giảm từ mức 13,4% của tháng 4 xuống còn 10,7%.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên