MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tokyo "teo tóp"

22-07-2015 - 09:44 AM | Tài chính quốc tế

Nửa thế kỷ trước, Olympics Tokyo mở ra một kỷ nguyên vàng cho thủ đô của Nhật Bản khi trở thành đô thị lớn nhất trong lịch sử. Ngày nay, cục diện thay đổi đánh dấu kết thúc cho sự phát triển ấy.

Ở quận Shinjuku ở Tokyo, mặt bằng đã được giải phóng để xây dựng cho một sân vận động quốc gia mới, bao quanh bởi một phòng tập thể hình, bể bơi, sân tennis và sân bóng chày. Hệ thống giao thông được nâng cấp, các con đường mới, khu căn hộ và khách sạn được xây dựng. Toàn bộ cơ sở hạ tầng nâng cấp có thể tốn 2,7 nghìn tỉ yen (tương đương 22 tỉ USD) và cùng với thế vận hội tạo ra 200.000 việc làm, theo viện nghiên cứu Mizuho. Tất cả là để phục vụ cho Thế vận hội Olympics sẽ diễn ra vào năm 2020.

Tuy nhiên, sau khi thế vận hội năm 2020 kết thúc, Tokyo lập tức phải đối diện với một tương lai ảm đạm. Tokyo là một trong bốn thành phố trong số 71 đô thị đông dân cư nhất theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc sẵn sàng bị thu hẹp trong giai đoạn 2014 - 2030. Ba thành phố còn lại cũng đến từ Nhật Bản. Cũng theo Liên Hiệp Quốc, khu vực đô thị của Tokyo bao gồm các thành phố lân cận như Yokohama sẽ chứng kiến dân số suy giảm 1,7%, xuống còn 37,2 triệu người.

Đến năm 2030, trong cuộc cạnh tranh đô thị lớn nhất thế giới, Tokyo sẽ chỉ còn sánh ngang với Delhi trong khi Tokyo lớn hơn 50% so với đô thị phồn hoa lớn nhất Ấn Độ trong năm ngoái. Tokyo cũng phải đối diện với các thách thức từ Manila và Jakarta, hai thành phố với hơn 30 triệu người sống ở khu vực đô thị vào năm 2025, theo dự báo của Belleville, công ty điều tra nhân khẩu tại Illinois.

Với Tamiko Sato, người có chồng mang ngọn đuốc Olympic qua các đường phố vào năm 1964, cách tổ chức thế vận hội năm đó và bây giờ cho thấy vận may của Tokyo đã thay đổi như thế nào. Giống như phần còn lại của Tokyo, bà lại cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi mà thành phố của mình lại trở thành trung tâm của thế giới.

Dòng người di cư

Hiện nay, Tokyo đóng góp khoảng 38% vào GDP của Nhật Bản. Tuy vậy tỉ suất sinh của thủ đô này thấp nhất trong cả nước và dân số chỉ được gia tăng bởi một dòng dân di cư từ các tỉnh. Ở Tokyo đang diễn ra một cuộc tranh chấp với Chính phủ về việc ai sẽ chi trả cho sân vận động mới ở quốc gia nợ nần nhiều nhất thế giới này.

“Tôi không muốn chê bai những người đang miệt mài làm việc, nhưng họ đang cố gắng xây dựng cái này cái nọ mặc dù họ không hề có tiền,”, Sato, 93 tuổi, sống ở phường phía Bắc Kita, người vẫn giữ bộ trang phục chồng mình từng mặc khi mang đuốc Olympic, cho hay.

Tuy vậy những tranh cãi không dừng được làn sóng xây dựng chuẩn bị cho thế vận hội. Một đại lộ mới được xây dựng ở trung tâm Toranomon nối các địa điểm chính và làng dành cho các vận động viên.

Các khu phố cũ

Masafumi Aoki, 84 tuổi, sống ở tầng 12 của một chung cư mới nhìn ra đường. Ông sinh ra và lớn lên ở thành phố này, từ khi khu phố Tokyo điển hình mới chỉ lác đác các nhà tắm công cộng, cửa hàng nhỏ lẻ và các hàng gia dụng. Sự phát triển đã xóa bỏ nhiều công trình cũ và bất động sản mới lại quá đắt so với hầu hết người Nhật trẻ, ông nói. Ông còn cho biết thêm: “Người ta phải hi sinh quá nhiều để làm nên con đường này. Tôi hi vọng có nhiều người hơn sống ở đây, nhưng điều đó không xảy ra. Tôi thấy cô đơn, nhưng đó là qui luật thời đại thôi.”

Thay vào đó, thị trường bất động sản được hỗ trợ bởi bộ phận người mua Trung Quốc đang tràn sang Tokyo để mua bất động sản đầu tư, lợi dụng sự trượt giá của đồng tiền Nhật Bản.

Đằng sau khu chung cư của ông Aoki, mỗi tối đều có mùi thơm của gà yakitori bay ra từ các quán rượu và quán phở phục vụ cho những người còn lại của khu phố cũ. Masaaki Kitanosono, đang múc cháo nóng vào chiếc bát đã đựng sẵn rau củ cắt nhỏ trong một quán rượu kiểu Nhật mà ông đã duy trì suốt 37 năm nay. “Tôi dự định sẽ nghỉ sau Olympics. Tôi đã 70 tuổi, quá già để tiếp tục làm việc.”

Nhà cung cấp bất động sản địa phương Masaaki Yamada nói rằng trong suốt 17 năm kinh doanh ông chưa bao giờ phải cảm nhận ảnh hưởng của suy thoái, nhờ có các nhà đầu tư nước ngoài và hoạt động xây dựng ở khu trung tâm cũng như các chính sách kích thích tài chính và tiền tệ dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. Tuy nhiên, ông cũng cảnh giác về việc nó có thể kéo dài trong bao lâu.

“Tôi không cảm thấy Olympics đang thúc đẩy kinh tế như kỳ Olympics trước,” Yamada nói. Nhớ về thời ấy, sự phát triển kinh tế của đất nước đã thay đổi cuộc đời ông – một chiếc TV màu thay cho TV đen trắng, một chiếc điều hòa nhiệt độ thay cho chiếc quạt điện. Nhưng lần này không thế.

“Tokyo sẽ khó đứng ở vị trí số 1,” Hiroya Masuda, cựu Bộ trưởng Nội vụ trong nhiệm kì của ông Abe, nói. Năm ngoái ông đã dự báo 896 thị trấn ở Nhật Bản có thể biến mất do suy giảm dân số.

Kỷ nguyên Edo

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Tokyo bị đánh bật nhưng sau đó quay lại ngôi vị ấy. Dưới thời Mạc phủ Tokugawa, thành phố này, sau này được biết đến là Edo, vượt qua con số một triệu dân vào cuối thế kỷ 18 để trở thành thành phố đông dân nhất thế giới. Sau thời kỳ Minh trị năm 1868, chính phủ Tokugawa và những đồng minh rời Edo, dân số giảm giảm mạnh, khiến Tokyo bị London vượt qua.

Nỗ lực của Tokyo trong việc đương đầu với sự co hẹp sắp tới bao gồm nới lỏng các quy định trong một vài lĩnh vực để thu hút nhân tài và doanh nhân toàn cầu. Tuy nhiên, có vẻ như các nỗ lực này và thậm chí cả thế vận hội sắp tới cũng không tạo ra nhiều khác biệt cho Sato và bạn của bà, Sen Honda, 86 tuổi,.

Bà Honda mỗi tuần lại đi xe buýt về ngôi nhà 2 tầng sau khi người chồng 61 tuổi của bà qua đời. Không ai sống ở ngôi nhà bên cạnh. “Khi tôi ra đi, ngôi nhà của tôi cũng sẽ bị bỏ lại như thế,” bà Honda nói.

Xung quanh khu trung tâm là các khu nhà công cộng mà những phụ nữ này kể đã từng có gia đình trẻ và trẻ con sinh sống. Các hình vẽ graffiti bao phủ cửa kính của các siêu thị trong một tòa nhà và rất nhiều hộp thư đã bị dán kín bằng băng keo. Bà Sato nói: “Người dân không kết hôn nữa. Bạn không còn nhìn thấy trẻ em.”

Phương Anh

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên