MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc: Ăn cắp hạt giống để hiện đại hóa đất nước?

06-07-2014 - 17:58 PM | Tài chính quốc tế

Các chuyên gia nhận định hành vi trộm cắp bí mật thương mại, chiếm đoạt sở hữu trí tuệ và hoạt động gián điệp kinh tế từ lâu đã là một phần chiến lược kinh tế của đất nước trên tỉ dân này.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc là một trong những “nhà sưu tập” bí mật kinh tế và thương mại “tích cực” nhất thế giới, cả ở thế giới thực lẫn trên trực tuyến thông qua tin tặc và mạng Internet. Mỹ bắt đầu các cáo buộc gián điệp chống lại một số ít cá nhân bị buộc tội giúp đỡ Trung Quốc ăn cắp bí mật công ty kể từ năm 2006, khi Quốc hội nước này thông qua Luật gián điệp kinh tế.

Như trong phim gián điệp

Một trong những trường hợp nổi bật đáng lưu tâm những ngày gần đây là vụ bắt giữ bà Mạc Vân (Mo Yun), vợ tỉ phú Trung Quốc Thiệu Căn Hỏa, về tội ăn cắp bí mật thương mại trị giá hàng chục triệu USD từ các tập đoàn nông nghiệp của Mỹ là Monsanto, Dupont, Pioneer Hi-Bred và LG Seeds.

Trong năm 2013, FBI đã bắt giữ sáu nghi can liên quan đến đường dây tinh vi chuyên ăn cắp hạt bắp giống và bằng nhiều phương thức đưa lậu số hạt giống này về Trung Quốc. Những nghi can trên đều làm việc cho Tập đoàn nông nghiệp Đại Bắc Bắc Kinh (DBN Group) của Thiệu Căn Hỏa, người từng được tạp chí Forbes đánh giá có tài sản 1,4 tỉ USD.

Trong số người bị bắt có em vợ của tỉ phú Thiệu là Mạc Hải Long (còn được biết đến với tên Robert Mo). Hải Long khi bị bắt (tháng 12-2013) đang giữ chức giám đốc kinh doanh quốc tế của DBN Group. Ông này đã đóng tiền thế chân để được tại ngoại và đang chờ ra tòa.


Theo CNN, trong vòng sáu năm qua, những nghi can này đã thuê nhà kho, mua nông trại, rảo khắp các vùng nông thôn thuộc bang Iowa và Illinois của Mỹ, dựng lên những câu chuyện bịa đặt để che giấu mục đích thật sự là đánh cắp hạt bắp giống của các tập đoàn Mỹ. Còn Hãng tin AP mô tả việc truy đuổi để bắt giữ nhóm này “hấp dẫn như một tiểu thuyết gián điệp”.

Ba thành viên của nhóm trên đã cố gắng tuồn hạt giống đánh cắp từ các công ty Mỹ về Trung Quốc trong năm 2012 bằng cách giấu hàng trăm hạt bắp giống trong các hộp bắp rang hiệu Orville Redenbacher và khăn giấy Subway. Một thành viên khác tìm cách gửi bắp giống sang Canada trong khi những thành viên còn lại đáp những chuyến bay về Trung Quốc qua ngõ Hong Kong và một số quốc gia khác.

Nhóm này không quan tâm đến hạt giống thuần mà luôn mạo hiểm đánh cắp hạt giống công nghệ mới có khả năng tăng sản lượng, tăng khả năng chịu hạn hán và côn trùng vốn được các tập đoàn Mỹ đầu tư hàng chục triệu USD nghiên cứu trong gần 10 năm.

Lấy cắp để hiện đại hóa?

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia nhập khẩu bắp khá nhiều nên việc đánh cắp những sản phẩm công nghệ cao như hạt giống bắp lai được cho là có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy trồng tỉa bắp ở đất nước đông dân này.

Các chuyên gia phân tích cho rằng hoạt động gián điệp kinh tế của Bắc Kinh có thể là một phần trong xu hướng hiện đại hóa đất nước trong những thập niên gần đây. Do đó, việc giành lấy các công nghệ bí mật một cách bất hợp pháp sẽ ít tốn kém và giúp Trung Quốc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa bằng cách bỏ qua các vấn đề đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu để giải quyết.

Tập đoàn DBN và Công ty con Beijing Kings Nower Seed của Trung Quốc đến nay vẫn im hơi lặng tiếng trước những cáo buộc từ Chính phủ Mỹ và vụ bắt giữ bà Mạc Vân.

Tuy nhiên, câu chuyện thời sự này rất có thể sẽ được đề cập trong chuyến thăm Bắc Kinh tuần sau của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Tại cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung kéo dài hai ngày (9 và 10-7), theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hai bên sẽ thảo luận về rất nhiều chủ đề, trong đó có vấn đề tin tặc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu để phục vụ các công ty Trung Quốc và tình hình căng thẳng hiện nay do tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng, trong đó có vấn đề biển Đông.


Theo Anh Thư

huongnt

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên