Trung Quốc "bỏ rơi" Nga, Putin gặp khó
Khác với lần bỏ phiếu về Syria, Trung Quốc không đứng về phía Nga trong cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc về vấn đề Crimea. Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng.
- 28-03-2014Liên hiệp quốc không công nhận Crimea ly khai khỏi Ukraine
- 28-03-2014Phương Tây trừng phạt Nga: Lợi thì có lợi...
- 26-03-2014Ba tổng thống Mỹ và một bí ẩn mang tên Putin
Trung Quốc bỏ phiếu trống
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng khi “xé nát” luật lệ quốc tế mà không được Trung Quốc “bật đèn xanh”. Những hi vọng về việc Bắc Kinh sẽ trở thành đồng minh đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây đang dần mờ nhạt.
Trong bài diễn văn về việc Crimea sáp nhập vào Nga, ông đã thận trọng cảm ơn Bộ Chính trị Trung Quốc vì những hỗ trợ của nước này. Ngoại trưởng Sergei Lavrov thì khẳng định “Nga và Trung Quốc có những quan điểm trùng hợp về tình hình ở Ukraine”.
Telegraph cho rằng đây chắc hẳn là một lời nói dối. Khác với lần bỏ phiếu về Syria, Trung Quốc không đứng về phía Nga trong cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc về vấn đề Crimea. Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “Trung Quốc luôn luôn theo sát quan điểm không can thiệp vào vấn đề nội bộ của bất cứ nước nào và tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Chúng ta không biết chính xác Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói gì với Tổng thống Obama tại hội nghị ở The Hauge (Hà Lan) hồi đầu tuần, nhưng Ben Rhodes – phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - đã tỏ ra vui mừng. Ông cho rằng Nga sẽ không thể tiếp tục dựa vào sự ủng hộ của “đồng minh truyền thống”.
Nếu đúng như vậy, ông Putin đang bị đẩy vào thế khó. Ông không thể cùng Trung Quốc thành lập khối Á – Âu nhằm kiểm soát lượng tài nguyên khổng lồ của khu vực.
Nước Nga cô đơn
Sự thực là Trung Quốc đang dần dần phá vỡ sự kiểm soát của Nga đối với các mỏ khí ở Trung Á một cách có hệ thống và mạnh mẽ. Trước đây, khí đốt của Turkmenistan chảy về phía Bắc với mức giá được thiết lập bởi Gazprom (Nga). Giờ đây, dòng khí này lại chảy về phía Đông.
Tháng 9 năm ngoái, ông Tập đích thân đến tham dự lễ vận hành đường ống dẫn khí dài 1.800km nối từ mỏ Galkynysh đến Trung Quốc. Galkynysh là mỏ có dự trữ lớn thứ hai trên thế giới với trữ lượng 26 nghìn tỷ m3. Khi đạt công suất tối đa, mỏ này có thể cung cấp khối lượng bằng một nửa sản lượng xuất khẩu sang châu Âu của Gazprom.
Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở Kazakhstan, nơi các công ty Trung Quốc đang giành quyền kiểm soát đối với phần lớn ngành năng lượng. Trong một tài liệu được Wikileaks tiết lộ, một nhà ngoại giao Anh nhận định Trung Quốc đang “thuộc địa hóa” khu vực Trung Á thông qua thương mại. Nước Nga đang “đau đớn” chứng kiến thế thống trị thị trường năng lượng ở Trung Á tuột khỏi tầm tay.
Cheng Guoping - Đại sứ Trung Quốc ở Kazakhstan – cũng từng cảnh báo Nga và Trung Quốc đang có nguy cơ rơi vào thế đối đầu và Trung Quốc không phải là bên chịu nhún nhường. “Trong tương lai, mối quan hệ giữa các cường quốc ở Trung Á sẽ trở nên phức tạp. Những đường ống dẫn dầu và khí mới đang phá vỡ thế độc quyền của Nga trong xuất khẩu năng lượng”.
Ông Cheng không chỉ thể hiện “cái nhìn tích cực về vai trò của Mỹ trong khu vực” mà còn cho rằng NATO sẽ đóng vai trò là khách mời trong các cuộc đàm phán nhằm phá vỡ thế độc quyền của Nga. Trục Moscow – Bắc Kinh đang đứng trước nguy cơ lung lay.
Là nhà ngoại giao Mỹ đã từng làm việc ở Nga và sau đó là Trung Quốc, George Walden nhận định Trung Quốc không bao giờ tha thứ cho Nga vì đã chiếm Đông Siberia. Thuộc về Nga, dân số của vùng này đã giảm từ hơn 8 triệu người cách đây 20 năm xuống còn 6,3 triệu người. Ở đây cũng xuất hiện những thị trấn ma dọc theo tuyến đường sắt xuyên Siberia.
Theo Jonathan Fenby, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Trusted Sources, hiện đang có một nhóm trong Hội đồng an ninh quốc gia Trung Quốc muốn đứng về phía Nga trong vấn đề Ukraine. Họ cho rằng có thể lợi dụng cuộc khủng hoảng để kiếm chác trên phương diện khí đốt, thực phẩm và nguyên liệu thô. Chủ tịch Tập Cận Bình là người dẫn đầu nhóm này.
Fenby cho rằng Trung Quốc sẽ khéo léo “đi trên dây”, che giấu toan tính và chờ đợi thời cơ. Tuy nhiên, điều này sẽ trở nên khó khăn hơn nếu khủng hoảng Ukraine leo thang. Bắc Kinh buộc phải lựa chọn. Khó có thể tin rằng Trung Quốc có thể vứt bỏ quan hệ Mỹ - Trung để cứu vãn quan hệ Nga – Trung.
Có lẽ đã đến lúc ông Putin nên nhận ra nguy cơ bị cô lập. Kể cả người Đức vốn giàu lòng vị tha cũng đang mất kiên nhẫn.
Quý I/2014, đã có tổng cộng 70 tỷ USD vốn bị rút khỏi Nga. NHTW Nga không thể bảo vệ đồng rouble nếu không thắt chặt chính sách tiền tệ - động thái khiến nền kinh tế lún sâu hơn vào suy thoái. Các ngân hàng và công ty Nga phải hoàn trả khoản nợ nước ngoài 155 tỷ USD trong 12 tháng tới trong bối cảnh thị trường tài chính biến động quá mạnh.
Ông Putin cũng đã lựa chọn một thời điểm không thích hợp cho “canh bạc” Crimea. Châu Âu đang có đủ năng lượng dự trữ trong khi giá dầu mỏ được dự báo sẽ sụt giảm bởi sản lượng dầu của Iraq đang ở mức cao nhất trong 35 năm. Với cuộc cách mạng đá phiến dầu của Mỹ, nguồn cung năng lượng của thế giới đang ở trong trạng thái ổn định. Nước Nga cần mức giá 110 USD/thùng để tài trợ cho ngân sách, trong khi giá được dự báo sẽ ở mức 80 USD trong dài hạn.
Tổng thống Nga đã có được Crimea nhưng cũng đứng trước nguy cơ biến Kremlin thành kẻ đơn độc và có thể mất Ukraine mãi mãi.
Thu Hương