MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc: Chậm là tốt

30-05-2011 - 17:30 PM | Tài chính quốc tế

Không nên quá hoảng sợ với thông tin kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại.

Trong khoảng 1 hoặc 2 năm qua, nhóm nền kinh tế lớn trên thế giới đã hồi phục đa tốc độ. Quá trình phục hồi khiến người ta nhớ đến tình hình giao thông tại các nước thứ 3, nơi xe tải hạng nặng, xe kéo, ô tô và xe đạp cùng chạy trên một làn đường với các tốc độ khác nhau và dường như muốn chèn lên nhau.

Thế nhưng trong 1,2 tháng qua, tốc độ đã cùng chậm lại. Sự đi xuống của kinh tế có thể nhìn thấy rõ trong giá hàng hóa, từ giữa tháng 2/2011 đến nay, giá hàng hóa đã giảm khoảng 8,6% (theo chỉ số giá hàng hóa của Economist).

Điều này cũng được phản ánh trong lĩnh vực sản xuất Mỹ. Số lượng đơn đặt hàng tiêu dùng bền (động cơ, ô tô) giảm 3,6% trong tháng 4/2011 (dù tăng mạnh trong tháng trước đó”. Sản lượng các nhà máy vẫn tăng trưởng nhẹ thế nhưng từ tháng 3/2011 đã đi xuống (theo khảo sát mới nhất của Fed tại Philadelphia).

So với nhóm nền kinh tế lớn khác, sự phục hồi của kinh tế Mỹ dựa vào các kế hoạch kích thích tài khóa trong thời gian dài nhất. Thế nhưng đến đầu tháng 8/2011, chính quyền liên bang sẽ phải đương đầu với trần nợ do Quốc hội Mỹ áp dụng.

Bất kỳ thỏa thuận nào về nợ cũng sẽ phải cần đến việc giảm chi tiêu và nếu không có thỏa thuận nào được đưa ra, sẽ cần đến các biện pháp giảm chi tiêu cực mạnh tay khi chính phủ ngừng bán nợ. Thậm chí nếu như chính phủ Mỹ được cho phép tiếp tục bán nợ, Fed sẽ sớm ngừng mua nợ bởi đã đến giai đoạn cuối cùng của chính sách nới lỏng định lượng.

Khảo sát của HSBC và Markit cho thấy triển vọng thoát ra khỏi khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung châu Âu đang ngày một giảm. Chỉ số của nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu tháng 5/2011 xuống mức 55,4 từ mức 57,8 của tháng 4/2011, mức giảm chưa từng thấy tính từ cuối năm 2008.

Trong lĩnh vực dịch vụ, tâm lý bi quan về năm tới ngự trị, điều này không khỏi khiến người ta nhớ lại về thời điểm giữa năm 2009, trước khi kinh tế có bất kỳ dấu hiệu phục hồi nào.

Trong tuần qua, thị trường choáng váng không phải với thông tin về châu Âu mà từ Trung Quốc. Chỉ số về lĩnh vực sản xuất Trung Quốc giảm xuống mức 51,1; thấp hơn nhiều so với mức dài hạn 52,3.

Trước đó, thông tin về sản xuất công nghiệp tháng 4/2011 cũng phát đi tín hiệu tương tự. Khi HSBC công bố chỉ số trên, thị trường chứng khoán thế giới lập tức chấn động. Chỉ trong 1 ngày, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Trung Quốc để mất toàn bộ thành quả tăng điểm từ đầu năm 2011.

Phản ứng mạnh trên không khỏi khiến người ta tò mò. Tại Trung Quốc, không giống khu vực đồng tiền chung châu Âu hay Mỹ, việc kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng không phải điều mới.

2 quý vừa qua, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh, người ta không khỏi lo lắng về lạm phát. Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng hãm phanh tăng trưởng kinh tế bằng cách hạn chế tăng trưởng tín dụng. Việc sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm lại là dấu hiệu cho thấy các biện pháp đang phát huy tác dụng.

Mức trên 50 cho thấy sự tăng trưởng về sản lượng. HSBC nhận xét con số 51,1 tương xứng với tăng trưởng GDP 9%. Thế nhưng số liệu này lập tức khiến người ta lo sợ về khả năng kinh tế Trung Quốc hạ cánh “khó nhọc”.

Nhóm chuyên gia phân tích khác cho rằng lạm phát có thể đã quá tầm kiểm soát, buộc chính phủ phải định hướng lại nền kinh tế để đưa giá cả vào tầm kiểm soát. Nhớ lại cuối năm 1994, Trung Quốc đương đầu với lạm phát trên 25%. Trong 2 năm tới, các biện pháp kiểm soát kinh tế vĩ mô có thể lấy đi 4,6% tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Thế nhưng lạm phát tại Trung Quốc hiện chỉ khoảng 5,3%. Giá rau giảm còn lạm phát giá của các loại hàng không phải thực phẩm đang giảm đi. Vấn đề lạm phát tại Trung Quốc căng thẳng hơn so với tính toán ban đầu. Thế nhưng không cần giảm tăng trưởng đế 4% để giải quyết được lạm phát.

Một số quan sát viên lo ngại kinh tế sẽ mất đà tăng trưởng bởi than đá ngày một đắt và nước này không ngừng đương đầu với tình trạng thiếu điện. Những tháng gần đây, các ngành của Trung Quốc gặp khó với tình trạng cắt điện giống như năm 2004.

Chuyên gia Mark Williams thuộc Capital Economics chỉ ra Trung Quốc thiếu điện bởi các nhà máy điện không thể sản xuất đủ. Họ không sản xuất được vì họ không kiếm đủ tiền.

Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc chưa cho phép giá điện tăng tương đương với giá than đá, các công ty sản xuất điện buộc phải hoạt động thua lỗ. Việc điều chỉnh giá điện có thể mang đến giải pháp dù có khiến lạm phát ngắn hạn tăng.

Kịch bản cuối cùng đáng sợ nhất. Nhiều người lo sợ thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ sụp đổ. Các biện pháp hạn chế giá bất động sản tăng nóng và hạn chế đầu cơ của chính phủ đang gây ra tác động làm giảm doanh số (doanh số bán nhà tháng 4/2011 giảm 10% so với cùng kỳ), tuy nhiên doanh số bán nhà mới chưa giảm. Có thể động thái xây thêm nhà ở mức giá hợp lý của chính phủ Trung Quốc đang giúp bù lại cho việc doanh số bán nhà giá cao giảm.

Nếu bong bóng vỡ, các công ty bất động sản sẽ chịu tác động tồi tệ. Những người mua nhà thời gian gần đây nhẵn túi. Tình hình tại Trung Quốc khác với Mỹ, nhà là công cụ tiết kiệm chứ không phải vay nợ. Nếu giá nhà đất giảm quá nhanh, tác hại đối với tài sản của các hộ gia đình có thể khiến chi tiêu giảm. Tuy nhiên họ sẽ không ngập trong nợ.

Các ngân hàng khẳng định họ hoàn toàn có thể quản lý được các rủi ro liên quan đến thị trường bất động sản bởi khoảng 20% tổng các khản vay dành cho lĩnh vực này. Thế nhưng nếu tỷ lệ nợ xấu quá cao, chính phủ sẽ vào cuộc. Chuyên gia Stephen Green của ngân hàng Standard Chartered chỉ ra nếu nợ xấu ở mức thấp, nó là vấn đề của ngân hàng nhưng nếu nợ xấu cao, đến lượt chính phủ giải quyết.

Xét đến khả năng kinh tế Trung Quốc hạ cánh khó nhọc, thật khó để hiểu nổi các yếu tố tâm lý liên quan đến kinh tế nước này. Chuyên gia Wang đưa ra một giải thích: “ Bên ngoài Trung Quốc, người ta biết đến nước này chủ yếu thông qua thị trường hàng hóa. Trên thị trường, mọi thứ dường như bị làm quá lên.”

Ngọc Diệp


ngocdiep

Economist

Trở lên trên