Trung Quốc chưa đủ cứu thế giới
Với nhiều vấn đề còn tồn tại, Trung Quốc chưa hội đủ điều kiện để dẫn dắt và cứu kinh tế toàn cầu khỏi suy thoái. Điều này có thể sẽ thay đổi.
Một buổi chiều thứ Bảy ảm đạm tại ngoại ô Thượng Hải, anh Zhang Yi đang ngồi trong gian trưng bày General Motors và ngó qua một vài mẫu xe mới của công ty. Anh đang dùng một chiếc Volkswagen cũ và nay đang muốn đổi lên mẫu xe tốt hơn.
Là một quản lý bậc trung tại một công ty thép, anh không có lý do gì phải lo lắng về việc làm hay kinh tế Trung Quốc. Anh nói: “Tôi thấy mọi thứ vẫn rất ổn, tôi không gặp khó khăn nào về tài chính và có tiền mua bất kỳ dòng xe nào trong danh sách này.”
Có lẽ ở thời điểm hiện nay, không nhiều nơi trên thế giới, người tiêu dùng có thể tự tin đến như vậy. Trong khi kinh tế Mỹ, Nhật và phần lớn các nước châu Âu vẫn chìm trong thời kỳ suy thoái tệ hại nhất trong hơn 30 năm, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng ấn tượng đến mức nhiều người phải nghi ngờ.
Xuất khẩu giảm thê thảm vào cuối năm ngoái, thế nhưng nhờ kế hoạch 586 tỷ USD (tương đương 13% GDP) được áp dụng trong 2 năm của chính phủ, Trung Quốc đã bật dậy mạnh mẽ.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,9% trong quý 2/2009 và tốc độ tăng trưởng 8% trong cả năm 2009 là hoàn toàn có thể. Dấu hiệu khởi sắc ngày một nhiều. Sản lượng nhà máy bắt đầu tăng lên bởi người tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục mạnh tay tiêu tiền.
Doanh số ô tô, nhờ kế hoạch hỗ trợ của chính phủ đối với hoạt động mua ô tô cỡ nhỏ, đã lên đến mức đỉnh cao trong tháng 4/2009 và nhiều khả năng sẽ vượt Mỹ. Doanh số bán lẻ Trung Quốc năm 2009 tăng 16%.
Những số liệu đã công bố không đủ để cho thấy cán cân sức mạnh kinh tế toàn cầu đang chuyển về phía Đông.
Đã có những thời điểm khiến người ta không thể nào quên. Trong bài phát biểu mới nhất tại đại học Peking vốn được mệnh danh là Harvard của Trung Quốc, khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ cố gắng trấn an một người về độ an toàn cực cao của khoản đầu tư của Trung Quốc vào nợ chính phủ Mỹ, các sinh viên đã cười.
Điều này sẽ không xảy ra nếu chỉ cách đây không lâu. Phản ứng của sinh viên như vậy có thể là dấu hiệu về một trật tự kinh tế mới.
Kinh tế Mỹ hiển nhiên vẫn là nền kinh tế đứng đầu thế giới. Nay nền kinh tế này đang trong giai đoạn chuyển dời về chính sách định hướng chịu sự chi phối và điều tiết nhiều hơn từ chính phủ.
Không ai có thể nói thay đổi đó có khôn ngoan thế nhưng Mỹ hiện đang ở tâm điểm mọi cuộc tranh luận. Điều này không tồn tại ở Trung Quốc, chính phủ ứng phó với khủng hoảng với sự hoạt bát, kinh tế Trung Quốc vì thế đi lên mạnh.
Đó là lý do tại sao đối với những công ty toàn cầu như General Motors, thị trường Trung Quốc không còn là tương lai nữa. Trung Quốc là hiện tại. Trong nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ duy nhất kinh tế Trung Quốc còn tăng trưởng và có thể vượt qua Nhật để thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. TTCK Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 80% trong năm nay và từ đầu 2009 cho đến nay là thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Những nước phụ thuộc vào sản xuất hàng hóa như Úc hay
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo gây sốc, theo đó trong khoảng thời gian 2008 đến năm 2010, Trung Quốc sẽ đóng góp đến ¾ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chuyên gia kinh tế Andy Xie đặt câu hỏi: “Mọi người đều muốn biết một điều: Liệu Trung Quốc có thể cứu được thế giới?”
Tham vọng mang tên Trung Quốc
Một vài năm trước, khả năng liệu Trung Quốc có thể đi đầu tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ bị coi là vô lý. Sau cùng, kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào ngành sản xuất và ngành này đến lượt nó lại thay đổi tùy theo nhu cầu từ phía Mỹ - đầu tầu kinh tế thế giới. Thế nhưng động lực đó vẫn còn khó khăn.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng âm 2,6% trong năm nay. Giá nhà đất tiếp tục hạ tại một số thành phố, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức 9,5%, mức cao nhất từ năm 1983.
Kế hoạch kích thích kinh tế Mỹ cho đến nay chưa mang lại nhiều hiệu quả thấy rõ dù đã khiến thị trường chứng khoán tăng điểm. Việc các dấu hiệu hồi phục chưa rõ ràng đã khiến một số chuyên gia kinh tế nói đến khả năng đưa ra một kế hoạch kích thích mới bất chấp việc ngân sách thâm hụt ngày một lớn.
Tốc độ và quy mô thành công của kế hoạch kích cầu 585 tỷ USD của Trung Quốc tương phản hoàn toàn với Mỹ. Theo nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới, việc chính phủ Trung Quốc chi tiêu nhiều sẽ đóng góp tới 80% tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Nguyên nhân của điều này là bởi Trung Quốc đang trong giai đoạn phát triển cơ sở hạ tầng trên khắp toàn quốc khi suy thoái kinh tế xảy ra. Việc chi tiêu khẩn cấp là một yếu tố giúp đẩy nhanh quá trình phát triển.
Nói cách khác, những dự án thật ra đã được tiến hành từ trước và nguồn tiền được rót vào là yếu tố kích thích thêm. Tổng số tiền dành cho xây dựng đường xe lửa năm 2008 lên tới 41 tỷ USD, số tiền đó năm 2009 có thể sẽ là 88 tỷ USD.
Sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc và vị thế về kinh tế ngày một lớn đã khiến nhiều người cho rằng nhóm cường quốc kinh tế lớn của thế giới như G8 sẽ không còn quan trọng nữa, cuộc đối thoại trên thế giới thật sự có ảnh hưởng chỉ là giữa G2 bao gồm Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Obama ngày 27/07 đã thừa nhận điều này khi nói mối quan hê
Những tháng gần đây, Trung Quốc bắt đầu chứng minh tầm ảnh hưởng. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giành được quyền bỏ phiếu trong Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Trung Quốc đồng ý mua 50 tỷ USD trái phiếu phát hành bởi IMF để hỗ trợ tài chính cho quỹ này. Đầu năm nay, lo ngại về khả năng USD mất giá và sự an toàn cho khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ, Trung Quốc kêu gọi thế giới cần có đồng tiền dự trữ mới.
Gần đây, Trung Quốc đưa ra nhiều động thái để đưa đồng nội tệ nước này trở thành đồng tiền chính trong nhiều hoạt động thương mại song phương. Chuyên gia kinh tế Qu Hongbin thuộc ngân hàng HSBC tại Hồng Kông tính toán rằng vào năm 2012 từ 40% đến 50% thương mại Trung Quốc sẽ được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ.
Chính phủ nhiều nước khác buộc phải nhìn Trung Quốc với một quan điểm khác hẳn so với cách đây 10 năm, khi đó Trung Quốc bình lặng hơn bây giờ rất nhiều.
Trung Quốc ngày một tham vọng, ngoài ra Trung Quốc còn thể hiện lo ngại ngày một lớn đối với chính sách kinh tế của Mỹ trong vai trò là chủ nợ lớn nhất của nước này.
Bộ Tài chính Mỹ, trước bối cảnh thị trường tín dụng ngày một khó khăn, đã đưa ra kế hoạch nâng cao việc cải tổ thị trường vốn, dù vậy điều này cũng không thể làm giảm động lực của Bắc Kinh trong việc vận động IMF đóng vai trò lớn hơn trong thị trường toàn cầu.
Chưa đến lúc
Dù vậy câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi Trung Quốc liệu có cứu được thế giới chính là: chưa đến lúc. Nhiều chuyên gia kinh tế nghi ngờ về việc liệu kinh tế Trung Quốc có được như thực tế đã công bố và đang trên còn đường hồi phục. Họ cho rằng còn quá sớm để khẳng định điều này.
Những con số về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thật ấn tượng, thế nhưng chất lượng tăng trưởng ra sao? Ngân hàng Trung ương đang rót rất nhiều tiền cho những công ty nhà nước tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng.
Tổng giá trị các khoản vay mới trong nửa đầu năm 2009 lên tới 1,1 nghìn tỷ USD, bằng cả năm 2008 và vượt xa so với mục tiêu của chính phủ. Các chuyên gia nhận xét Trung Quốc đang dùng tất cả những gì có thể để cứu kinh tế.
Một chuyên gia có ảnh hưởng lớn trên phố Wall đã chỉ ra nhiều điểm tương đồng giữa sự bùng nổ tín dụng hiện nay của Trung Quốc với cơn sốt tín dụng đã gây ra bong bóng nhà đất Mỹ, sự sụp đổ của thị trường nhà đất dẫn đến khủng hoảng tín dụng toàn cầu và suy thoái kinh tế hiện nay.
Cho đến nay có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ diễn ra trong chốc lát. Nguyên nhân chính đằng sau sự tăng điểm của thị trường Trung Quốc là các công ty Trung Quốc có quá nhiều tiền đến nỗi họ đổ tiền vào thị trường chứng khoán bởi không tìm được kênh đầu tư nào hiệu quả hơn.
Chuyên gia chiến lược Andrew Barber tại công ty nghiên cứu đầu tư Research Edge ước tính khoảng 30% tín dụng ngân hàng đã bị rót vào chứng khoán.
Tại sao nguồn tiền lại diễn biến không đúng mục tiêu? Nguyên nhân chính là các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc vẫn khó khăn, nhu cầu hàng hóa toàn cầu yếu, ngành sản xuất định hướng xuất khẩu vì thế chưa thể hồi phục nổi. Theo báo cáo từ cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch, hoạt động tín dụng của Trung Quốc vẫn tăng trưởng ngay cả khi lợi nhuận doanh nghiệp nhìn chung giảm, vậy có thể Trung Quốc đang tự tạo ra mối họa gây ra khủng hoảng tài chính cho chính mình.
Sáng, tối bức tranh kinh tế Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ý thức sâu sắc về những vấn đề họ đang gặp phải hơn ai hết.
Nếu những mảng tối của kinh tế Trung Quốc không bao giờ lộ diện và nước này tiếp tục tiến lên, Trung Quốc sẽ vẫn là không đủ để kéo phần còn lại của thế giới đến hồi phục. Quy mô kinh tế hết sức có ý nghĩa. Tổng giá trị kinh tế Mỹ là 14 nghìn tỷ USD, con số này của Trung Quốc chỉ là 4 nghìn tỷ USD. Mỹ đóng góp 21% GDP toàn cầu, Trung Quốc chỉ mang lại 6,4%. Tiêu dùng của Trung Quốc, nói cách khác, dù đã tăng trưởng những không đủ để nâng các nền kinh tế phát triển khác thoát suy thoái.
Tiêu dùng chiếm chưa đầy 40% GDP, con số này ở Mỹ trước khủng hoảng là hơn 70%. Và nay khi người Mỹ gặp khó khăn hơn, tỷ lệ tiết kiệm tại Mỹ tăng từ 0% lên 7% trong 9 tháng qua, người tiêu dùng đang khép chặt hầu bao.
Trung Quốc vẫn là một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 6 nghìn USD/năm, trong khi thu nhập trung bình mỗi người dân tại Mỹ và châu Âu lần lượt là 39 nghìn USD và 33.400USD.
Tầng lớp trung lưu Trung Quốc hiện có thu nhập trung bình 12 nghìn USD/năm. Phần lớn người Trung Quốc không thể mua được xe Volkswagen hay Buick nói gì đến BMW.
Dù người tiêu dùng Trung Quốc cảm thấy giàu có hơn, đời sống của họ, phúc lợi của họ vẫn thế. Trung Quốc cần cải thiện hệ thống y tế để người dân lạc quan hơn, dám chi tiêu thay vì tiết kiệm. Tiêu dùng Trung Quốc chỉ tương đương Pháp và chưa có ai kêu gọi Pháp cứu được thế giới.
Thách thức khác của Trung Quốc cũng không nhỏ, đó là giải quyết vấn đề phát sinh khi số dân di chuyển từ nông thôn ra các thành phố ngày một nhiều, giải quyết vấn đề của hàng thập kỷ ô nhiễm môi trường… Xét đến quy mô của những vấn đề này, chính phủ Trung Quốc sẽ mất không ít thời gian, công sức mới có thể tìm ra giải pháp cần thiết.
Thế nhưng thành công của kinh tế Trung Quốc không phải là ảo ảnh. Nếu Trung Quốc có thể vượt qua thời kỳ khủng hoảng toàn cầu, uy tín của giới lãnh đạo cũng như sự tự tin sẽ lên rất cao.
Một mô hình kinh tế vượt qua thời khủng hoảng trầm trọng nhất tính từ Đại Suy thoái 1930 sẽ có sức hấp dẫn và ảnh hưởng trong thế giới các nước phát triển. Trước khủng hoảng, Trung Quốc đã đi lên mạnh về kinh tế và tầm ảnh hưởng. Khi các trụ lực khác trên thế giới yếu đi, điều này càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Trung Quốc chưa phải là nền kinh tế dẫn dắt thế giới nhưng thực tế đang tiến gần hơn tới vị trí này.
Theo Time
Ngọc Diệp