Trung Quốc có thực sự "đắc lợi" khi giá dầu giảm?
Giá dầu giảm được coi là một tin vui đối với Trung Quốc – nền kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng. Tuy nhiên, liệu niềm vui có thực sự trọn vẹn?
Trên thực tế, giá dầu giảm sẽ có lợi cho Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc đang tăng cao hơn sản lượng từ các nhà máy lọc dầu, giúp tăng cả dự trữ chiến lược và dự trữ thương mại.
Tuần trước, Bắc Kinh lần đầu tiên thông báo chính thức về trữ lượng dầu thô dự trữ ước tính. Đây là một phần trong giai đoạn 1 của chương trình dự trữ chiến lược với 91 triệu thùng dầu tại 4 địa điểm. Giai đoạn hai cũng đang được tiến hành.
Li Yan – chuyên gia phân tích giá dầu và Oil Chem – một nhà cung cấp thông tin hóa dầu cho biết “Giá dầu giảm sẽ có lợi cho Trung Quốc, giúp giảm chi phí nhập khẩu". Bên cạnh đó, dự trữ dầu tăng cao góp phần đảm bảo an ninh năng lượng”.
Tuy nhiên, viễn cảnh không hoàn toàn tươi sáng như vậy bởi Trung Quốc cũng là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới. Và cũng như các quốc gia sản xuất khác, Trung Quốc đang chịu những tác động tiêu cực bởi giá dầu giảm.
Theo thống kê, năm ngoái Trung Quốc sản xuất được 4,45 triệu thùng dầu thô mỗi ngày; chỉ sau Saudi Arabia, Nga và Mỹ. Trong một thập kỷ qua, trung bình Trung Quốc đã tăng sản lượng sản xuất dầu thêm gần 750.000 thùng/ngày, nhưng sản lượng tiêu thụ đã thêm 3,7 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, việc giảm giá dầu thô cũng dấy lên quan ngại về nguy cơ giảm phát đối với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên nội địa như Trung Quốc; thậm chí ngay cả khi các nhà sản xuất ven biển hào hứng với mức chi phí đầu vào thấp hơn.
Giá dầu giảm còn có thể gây khó khăn cho chính quyền các khu vực trong việc đáp ứng nghĩa vụ ngân sách địa phương. Một điều đáng lo ngại hơn cả, điều này có thể tạo ra những dư chấn ảnh hưởng đến hoạt động đi vay nhằm vực dậy các thành phần kinh tế địa phương của quốc gia này.
Trong khi đó, Arthur Kroeber - Người đứng đầu tổ chức nghiên cứu Gavekal Dragonomics tại Bắc Kinh cho biết “Hắc Long Giang, một tỉnh ở phía Đông Bắc xa xôi của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu giảm”.
Tại Hắc Long Giang, nơi giáp biên với Siberia và Đại Khánh - giếng dầu lớn nhất Trung Quốc, phong trào đình công của giáo viên lan rộng do chính quyền địa phương nợ lớn và không thể tăng lương hay trợ cấp. Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng trưởng của vùng Hắc Long Giang chỉ đạt 5,2%; thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng 7,4% của cả nước tính đến nay.
Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng khác là sản xuất than đá ở khu vực trung tâm của nước này. Chính than đá, chứ không phải dầu mỏ, là nguồn lực góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế chủ yếu của Trung Quốc, nhà sản xuất than đá lớn nhất thế giới đồng thời cũng là một nhà tiêu thụ than đá.
Tuy nhiên, giá than đá thế giới vào tháng trước đã giảm xuống mức thấp nhất 5 năm; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ sở sản xuất ven biển của Trung Quốc. Tại tỉnh Sơn Tây, nơi sản xuất ¼ sản lượng than đá toàn Trung Quốc, các tập đoàn khai thác tư nhân và các nhà máy thép nợ lớn đã phá sản trong khi cuộc vận động chống tham nhũng đã bắt giữ hàng trăm quan chức.
Không thể phủ nhận, bên cạnh những ảnh hưởng đó, giá hàng hóa giảm trong thời gian qua góp phần tái cấu trúc thị trường hàng hóa, thuế ... Tái cấu trúc hệ thống thuế khi giá cả thấp hơn trì hoãn những tác động trực tiếp đối với các nhà sản xuất năng lượng.
Chẳng hạn, trong nhiều năm qua, mức thuế đối với than đá do các tỉnh thu về khá thấp do tính theo sản lượng. Nhưng đến tháng này, mức thuế sẽ được tính theo giá trị; tương tự đối với dầu và gas …
>>>Trung Quốc, “ngư ông đắc lợi” cuộc chiến giá dầu
Nguyệt Quế