Trung Quốc đang kéo kinh tế thế giới vào suy thoái?
Một số chuyên gia phân tích bi quan, trong khi Thủ tướng Trung Quốc nói nền kinh tế nước này có một tương lai tươi sáng...
- 10-09-2015Xuất nhập khẩu tại Trung Quốc giảm có ảnh hưởng tới Mỹ?
- 09-09-2015Vì sao Trung Quốc bất ngờ thay đổi cách tính GDP?
- 09-09-2015Trung Quốc đang “hy sinh” thị trường kỳ hạn lớn nhất thế giới?
Từng giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong một thời gian dài, Trung Quốc giờ đây bị cho là có thể kéo thế giới vào một cuộc suy thoái mới.
Chuyên gia bi quan
Theo hãng tin CNBC, chuyên gia kinh tế trưởng Willem Buiter của ngân hàng Citigroup cho rằng, nếu nền kinh tế toàn cầu rơi vào một cuộc suy thoái có “độ sâu vừa phải” trong năm tới, thì nguyên nhân chính rất có thể là sự giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi lớn, đặc biệt là một cuộc suy thoái ở Trung Quốc.
“Chúng tôi tin rằng đang tồn tại một khả năng ngày càng lớn xảy ra kịch bản kinh tế Trung Quốc, các nền kinh tế mới nổi và kinh tế toàn cầu suy thoái”, ông Buiter viết trong một báo cáo mới được công bố.
“Chúng tôi xem kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro cao và gia tăng về hạ cánh cứng”, báo cáo của Citigroup có đoạn viết.
Phát biểu trên kênh CNBC ngày 9/9, ông Buiter nói: “Đây là một kịch bản suy thoái kinh điển”, rằng Trung Quốc gần đây đã xảy ra tình trạng dư thừa công suất, vay nợ quá nhiều trong khu vực doanh nghiệp, và hai lần bong bóng vỡ trên thị trường bất động sản và chứng khoán.
Nỗi lo nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới giảm tốc mạnh đã khiến thị trường toàn cầu “mất ăn mất ngủ” trong mấy tháng gần đây. Nỗi lo càng lớn hơn khi số liệu công bố hôm thứ Ba tuần này cho thấy kim ngạch xuất khẩu tính bằng USD của Trung Quốc trong tháng 8 giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái và nhập khẩu sụt giảm xấp xỉ 14%.
Theo ông Buiter, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu sẽ giảm liên tục trong vòng mấy năm tới, xuống mức 2% hoặc thấp hơn vào khoảng giữa của năm tới. Trong đó, khả năng xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu, có thể là suy thoái vừa hoặc sâu, là 55%.
Theo định nghĩa, kinh tế thế giới suy thoái được xác định thông qua hai quý GDP toàn cầu suy giảm liên tiếp.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 7% trong năm nay. Hồi tháng 7, Bắc Kinh công bố mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái là 7%, bằng đúng mục tiêu đề ra. Tuy vậy, ông Buiter nói rằng, dựa trên mô hình của Citigroup, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng với tốc độ 4%.
“Nếu kinh tế Trung Quốc xấu đi, thì kinh tế Mỹ và các nền kinh tế khác cùng xấu đi. Thương mại của Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn hơn trong thương mại toàn cầu so với Mỹ”, ông Buiter nhấn mạnh.
Trung Quốc trấn an
Trong khi đó, tại hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Đại Liên, Trung Quốc, Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường ngày 10/9 nói kinh tế Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm nay. Ông Lý Khắc Cường nói kinh tế Trung Quốc có một tương lai tươi sáng và “điều này không phải là lạc quan vô căn cứ”.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc cũng thừa nhận sự dịch chuyển của nền kinh tế Trung Quốc từ phụ thuộc nhiều vào sản xuất sang lấy dịch vụ làm trung tâm là một quá trình không hề dễ dàng.
Theo ông Lý Khắc Cường, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, các nhà lãnh đạo nước này sẽ không dao động trước những biến động ngắn hạn trên thị trường, đồng thời miêu tả nền kinh tế Trung Quốc là có khả năng chống sốc và vững vàng.
Tuyên bố trên của Thủ tướng Trung Quốc tương tự như phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Lâu Kế Vĩ tại hội nghị 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20) ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước. Tại hội nghị này, ông Lâu Kế Vĩ nói Trung Quốc không lấy các dữ liệu hàng tháng làm trọng tâm.
Ông Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc cam kết thực hiện cải cách dù tăng trưởng giảm tốc, có đủ công cụ để xử lý trở ngại lớn đối với tăng trưởng, và sẽ không dùng “chiến tranh tiền tệ” để làm lợi cho các nhà xuất khẩu của mình.
“Nếu chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu kinh tế Trung Quốc trượt ra khỏi phạm vi tích cực, thì chúng tôi có đủ khả năng giải quyết. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ không hạ cánh cứng”, ông Lý Khắc Cường phát biểu trước khoảng 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước dự hội nghị.
Mặc dù vậy, các con số thống kê gần đây của Trung Quốc tiếp tục khiến giới đầu tư toàn cầu lo lắng. Dữ liệu mới nhất công bố ngày 10/9 cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 8 của Trung Quốc giảm 5,9%, mạnh hơn dự báo và sâu hơn mức giảm 5,4% của tháng 7.
Đây là tháng thứ 42 liên tiếp PPI của Trung Quốc giảm, làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ giảm phát ở nước này.
VnEconomy