MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc "đứng giữa hai dòng nước"

22-04-2015 - 12:56 PM | Tài chính quốc tế

Các nhà phân tích cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể muốn đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền toàn cầu, nhưng họ không thể từ bỏ việc kiểm soát nó trong một sớm một chiều.

Nội dung nổi bật:

- Trung Quốc đang nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và một trong những yếu tố quan trọng nhất là loại bỏ kiểm soát đối với đồng tiền này. Họ đã đạt được những thành công bước đầu

- Giới phân tích dự báo nhân dân tệ sẽ được thả nổi hoàn toàn vào năm 2020. Tuy nhiên điều này vẫn bị ràng buộc bởi sức khỏe của nền kinh tế

- Cuối năm nay sẽ có một số sự kiện quan trọng tác động đến quá trình tự do hóa nhân dân tệ


Hiện tại, ngân hàng trung ương Trung Quốc mỗi ngày vẫn ấn định tỉ giá, theo đó đồng nhân dân tệ có thể tăng hoặc giảm 2% so với đồng USD. Thời gian gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh tự do hóa đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, Kenji Yoshikawa, nhà kinh tế cao cấp tại ngân hàng đầu tư Mizuho Securities, cho rằng “Biên độ giao dịch vẫn sẽ tồn tại vì nếu chính phủ Trung Quốc để cho đồng nhân dân tệ được giao dịch tự do, họ sẽ không kiểm soát được chính sách kinh tế vĩ mô. Với việc kinh tế đang phát triển chậm lại, Bắc Kinh sẽ muốn ở một vị trí mà ở đó họ có thể kiểm soát được dòng vốn ra nước ngoài.”

Yếu tố còn thiếu là gì?

Các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm biến đồng nhân dân tệ thành đồng tiền toàn cầu bằng cách thả lỏng kiểm soát cán cân vốn đang cho thấy những thành công bước đầu. Theo dữ liệu từ dịch vụ giao dịch toàn cầu SWIFT, vào tháng 11 năm ngoái, đồng nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ 5 trong các thanh toán toàn cầu.

Trong khi nhiều nhà phân tích mong đợi đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục được tự do hóa theo đà này trong năm nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa có bước đi quan trọng để đạt được mục tiêu của họ: một đồng nhân dân tệ hoàn toàn tự do.

Khoon Goh, chiến lược gia cao cấp về giao dịch ngoại hối của ngân hàng ANZ, cho biết: “Sự thay đổi hoàn toàn sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó – có thể là vào năm 2020, thời điểm mà chính phủ Trung Quốc nói là họ muốn Thượng Hải trở thành một trung tâm tài chính lớn.Trong khoảng thời gian này, Bắc Kinh sẽ mở rộng biên độ giao dịch của đồng nhân dân tệ theo tốc độ của riêng họ.”

Sẽ không có sự phá giá?

Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc đã làm tăng suy đoán rằng chính phủ nước này có thể để cho đồng nhân tệ mất giá mạnh nhằm tăng tính cạnh tranh trong xuất khẩu – vốn là một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng truyền thống của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư sợ rằng điều đó sẽ gây ra một hiệu ứng domino về sự mất giá tiền tệ ở châu Á.

Tháng 3 năm nay, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2015 là “khoảng 7%” – mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua – sau khi nền kinh tế nước này có tốc độ phát triển chậm nhất trong vòng 24 năm trong năm 2014.

Trong khi đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) được HSBC công bố cách đây 2 tuần cho thấy rằng hoạt động sản xuất trong tháng 3 ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng qua.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng sự lo sợ đồng nhân dân tệ bị phá giá đã không được đặt đúng chỗ vì nó chẳng liên quan gì đến mục tiêu chuyển đổi từ một nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế thiên về dịch vụ hơn của chính phủ Trung Quốc

Dominic Bunning, một chiến lược gia cao cấp về giao dịch ngoại hối khác của ngân hàng ANZ, cho biết: “Chính phủ Trung Quốc sẽ không phá giá đồng nhân dân tệ để kích thích kinh tế vì trước hết họ muốn nền kinh tế của họ phát triển theo con đường hướng về nhu cầu nội địa hơn là phụ thuộc vào xuất khẩu. Lý do thứ hai là Trung Quốc vẫn còn có thể cắt giảm lãi suất.”

Cột mốc tiếp theo là gì?

Dẫu vậy, các nhà phân tích cho rằng một số sự kiện vào cuối năm nay có thể sẽ khiến Bắc Kinh phải mở rộng biên độ giao dịch của đồng nhân dân tệ.

Đó chính là sự kiện quỹ tiền tệ thế giới (IMF) sẽ quyết định xem đồng nhân tệ có được nằm trong nhóm các đồng tiền giao dịch toàn cầu có quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cùng với USD, euro, yen Nhật và bảng Anh hay không. Các nhà phân tích cho rằng sự kiện này sẽ “quốc tế hóa” đồng nhân dân tệ hơn nữa.

Dominic Bunning cho rằng “Trước khi IMF đưa ra quyết định vào tháng 10 hay tháng 11 tới, đây sẽ là một cơ hội tốt để biên độ cố định có thể được nới rộng, lên hoặc xuống, 3% so với tỉ giá cố định hàng ngày hiện thời.”

Theo Khoon Goh, một yếu tố khác có thể khiến “cuộc chơi thay đổi” là MSCI nhiều khả năng sẽ đưa các cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số tham chiếu đầu tư toàn cầu.

Tuy nhiên, không điều gì trong các điều trên được cho là sẽ khiến đồng nhân dân tệ biến động quá mạnh trong năm nay. Dominic Bunning dự báo rằng tỉ giá USD – đồng nhân dân tệ vào cuối năm 2015 sẽ là 6,34 nhân dân tệ đổi 1 USD, Khoon Goh thì dự báo ở mức 6,20, còn Kenji Yoshikawa thì cho rằng con số đó là 6,14. Hiện tỉ giá này ở châu Á dao động trong khoảng từ 6,2098 đến 6,2109 nhân dân tệ đổi 1 USD.

>>> Trung Quốc thách thức Bretton Woods

Lê Thanh Hải

CTV Thanh Hải

CNBC

Trở lên trên