MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc "già" nhanh hơn cả Nhật?

03-09-2014 - 12:55 PM | Tài chính quốc tế

Trong 10 đến 20 năm nữa, dân số Trung Quốc sẽ già hóa với tốc độ nhanh hơn cả tốc độ của Nhật Bản 1 thập kỷ trước.

“Hãy kết hôn sớm và có thật nhiều con”, đó là lời khuyên mà vị giáo sư 49 tuổi Huang Wenzheng đưa ra cho các sinh viên đại học trong một buổi hội thảo về dân số và chính sách ở các đô thị ở Trung Quốc mới diễn ra ở Bắc Kinh.

Cùng với một số nhà kinh tế học khác, ông Huang, một trong những người có tiếng nói phản đối chính sách một con mạnh mẽ nhất, cho rằng hiện nay Trung Quốc cần có nhiều trẻ em hơn bao giờ hết. Ông cũng nhận định vận mệnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phụ thuộc vào việc liệu Bắc Kinh có thể khuyến khích người dân sinh thêm nhiều con hay không. 

Tổng số dân của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng lên, nhưng số dân trong độ tuổi lao động (từ 16 đến 59 tuổi) đã giảm 2 năm liên tiếp, làm dấy lên những lo lắng về kịch bản lực lượng lao động suy giảm cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ người già từ 65 tuổi trở lên tăng từ mức 9,4% trong năm 2012 lên 9,7% năm 2013. 

“Thiếu hụt lao động trong ngắn hạn sẽ dẫn đến lực cầu sụt giảm. Trong dài hạn, thị trường lao động bị ảnh hưởng và số việc làm mới được tạo ra cũng suy giảm”, ông Huang nói. 

Không phải các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phớt lờ các cảnh báo này. Cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã có thay đổi lớn khi nới lỏng chính sách một con đã được duy trì suốt mấy thập kỷ qua. Các cặp đôi được phép có hai con nếu như vợ hoặc chồng là con một. 

Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách này vẫn bị hạn chế. Đến cuối tháng 5, chỉ có 271.600 cặp vợ chồng nộp giấy phép xin sinh con thứ hai. 241.300 cặp được chấp nhận, theo Ủy ban sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc.

Các chuyên gia kinh tế và nhà nghiên cứu cho rằng như vậy là chưa đủ. 

“Mấy tháng gần đây, tôi đã tới nhiều vùng trên cả nước để tìm hiểu chính xác các thay đổi về chính sách thực sự tác động đến xã hội Trung Quốc như thế nào. Tuy nhiên, ở bất cứ đâu, tỷ lệ các cặp vợ chồng đủ tiêu chuẩn để có đứa con thứ hai chỉ chiếm chưa đến 5%’, giáo sư tại ĐH Renmin Gu Baochang nói. Sở dĩ tỷ lệ thấp như vậy một phần là do nhiều cặp vợ chồng ở nông thôn đã được phép có hai con từ trước đó. 

Kết quả thống kê mới nhất (năm 2010) cho thấy tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 1,18 trẻ/1.000 phụ nữ. Tỷ lệ sinh ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải thậm chí còn thấp hơn, ở quanh mức 0,7 trẻ. 

Theo Liang Jianzhang, giáo sư tại ĐH Bắc Kinh, với xu hướng ngày càng có nhiều nông dân di cư lên thành phố và tỷ lệ đô thị hóa tăng lên, tỷ lệ sinh sẽ tiếp tục giảm vì chi phí sinh hoạt luôn tăng lên. 

Tệ hơn nữa, Trung Quốc đang chứng kiến số phụ nữ độc thân tăng lên. Ngày càng có nhiều phụ nữ thành thị không thể tìm thấy người đàn ông phù hợp. Không giống như phụ nữ ở các nước phát triển, các phụ nữ độc thân ở Trung Quốc không sẵn sàng cho việc có con. 

Theo một số chuyên gia kinh tế, dù có nhìn nhận theo hướng nào đi nữa, triển vọng về tỷ lệ sinh của Trung Quốc bi quan hơn rất nhiều so với các nước khác. Trong 10 đến 20 năm nữa, dân số Trung Quốc sẽ già hóa với tốc độ nhanh hơn cả tốc độ của Nhật Bản 1 thập kỷ trước. Ở Nhật, người già hiện chiếm tới 25% dân số. 

Thu Hương

huongnt

WSJ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên