MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc không còn hấp dẫn

29-01-2014 - 14:13 PM | Tài chính quốc tế

Các công ty nước ngoài ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn khi kinh doanh ở Trung Quốc. Những ai muốn ở lại sẽ phải tự điều chỉnh.

Theo Roberto Goizueta – cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn Coca – Cola, ngày 15/4/1981 là “một trong những ngày quan trọng nhất ... trong lịch sử thế giới”. Ngày này đánh dấu nhà máy đóng chai Coke đầu tiên ở Trung Quốc được xây dựng.

Tất nhiên không phải ai cũng đồng ý với sự so sánh này, nhưng đây cũng không phải là một kết luận lố bịch. Các chính sách đóng cửa nền kinh tế của Mao Trạch Đông đã khiến nền kinh tế Trung Quốc lao đao. Những thứ được cho là truyền cảm hứng nhất chỉ là xe đạp, máy khâu, quạt điện và đồng hồ. Sự đón tiếp nồng hậu mà Đặng Tiểu Bình dành cho các công ty nước ngoài là một trong số hàng loạt cải cách đã biến Trung Quốc trở thành một trong những thị trường lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Trong suốt 3 thập kỷ qua, các tập đoàn đa quốc gia đã đổ xô tới Trung Quốc. Sau khủng hoảng tài chính, nhiều công ty nghĩ đến Trung Quốc như một lựa chọn có thể “cứu rỗi linh hồn”. Tuy nhiên, có vẻ như điều này không còn đúng nữa. 

"Đau" nhiều hơn và nhận lại ít hơn 

Theo một số cách nhìn nhận, Trung Quốc vẫn là thị trường hấp dẫn nhất thế giới. Mặc dù chỉ chiếm 8% tiêu dùng tư nhân trên toàn thế giới, Trung Quốc vẫn đóng góp vào tăng trưởng tiêu dùng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong giai đoạn 2011 – 13. Những công ty như GM hay Apple đã kiếm được nhiều lợi nhuận ở đây. 

Tuy nhiên, đối với nhiều công ty ngoại quốc, mọi thứ đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Một phần nguyên nhân là do tăng trưởng đang chậm lại, trong khi chi phí thì tăng lên. Ngày càng khó kiếm lao động trẻ tuổi tài năng và mức lương thì tăng lên nhanh chóng. 

Chính phủ Trung Quốc vẫn nổi tiếng là hay gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong một số ngành. Chính phủ hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của các ngân hàng ngoại và thậm chí đóng chặt cánh cửa đối với các công ty internet – trong đó có Facebook và Twitter. Tuy nhiên, chính sách hà khắc đang lan rộng. 

Những công ty phần cứng như Cisco, IBM và Qualcom gặp nhiều khó khăn, hãng dược GlaxoSmithKline đối mặt với điều tra tham nhũng, Apple buộc phải xin lỗi vì chính sách bảo hành không thỏa đáng, Starbucks bị truyền thông nhà nước Trung Quốc buộc tội lừa gạt về giá cả. Luật bảo vệ người tiêu dùng hà khắc hơn sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 3 tới và có thể đây là một cuộc tấn công mới vào các công ty đa quốc gia. Chiến dịch chống lãng phí xa hoa khiến các công ty nước ngoài cung cấp hàng xa xỉ lao đao. 

Trong bối cảnh ấy, cạnh tranh đang trở nên khốc liệt hơn. Trung Quốc vẫn là chiến trường khốc liệt nhất cho các thương hiệu toàn cầu, nhưng giờ đây cả những thương hiệu Trung Quốc (vốn đã cải thiện đáng kể về chất lượng) đã tham chiến. Nhiều trong số này có kinh nghiệm ở nước ngoài và đang phát triển những sản phẩm độc đáo. Xiaomi và Huawei cho ra mắt những dòng điện thoại thông minh không hề kém cạnh, và những chiếc máy xúc của Sany đang dần thay thế những loại đắt tiền hơn sản xuất bởi Hitachi hay Caterpillar. Người tiêu dùng không còn sẵn sàng bỏ ra một số tiền chênh lệch lớn chỉ vì đó là một thương hiệu đến từ nước ngoài. 

Một số công ty đã rời khỏi Trung Quốc. Tháng 12 vừa qua, hãng mỹ phẩm Revlon thông báo rút khỏi thị trường Trung Quốc. Sau đó không lâu, L’Oréal cho biết sẽ ngừng bán một trong những thương hiệu chính là Garnier. Nhà bán lẻ đồ điện tử của Mỹ Best Buy và đối thủ cạnh tranh đến từ Đức là Media Markt cũng như Yahoo đều có động thái tương tự. Công ty bán lẻ thực phẩm đến từ nước Anh Tesco năm ngoái cũng từ bỏ cố gắng tự lập và quyết định làm liên doanh với một công ty nhà nước. 

Đối với những người ở lại, họ vấp phải rất nhiều khó khăn. IBM vừa nhận định doanh thu ở Trung Quốc giảm 23% trong quý 4/2013. Rémy Cointreau – tập đoàn đồ uống của Pháp – cho biết số rượu Rémy Martin bán ra trong 3 quý cuối năm 2013 giảm hơn 30% với nguyên nhân chính từ thị trường Trung Quốc. Còn hãng đồ ăn nhanh của Mỹ Yum Brands hồi tháng 9 cũng báo cáo doanh số ở Trung Quốc giảm 16% vì cuộc điều tra vệ sinh an toàn thực phẩm của chính phủ Trung Quốc. 

Nhà đầu tư không còn chào đón những công ty có khoản đầu tư lớn vào Trung Quốc. Sinodependency Index là chỉ số theo dõi hoạt động của các tập đoàn Mỹ thông qua doanh số ở Trung Quốc. Trước đây, các doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thường nổi trội hơn cả, nhưng trong 2 năm qua, cổ phiếu của chúng có diễn biến tệ hơn các cổ phiếu khác. 

Như Jeffrey Immelt, lãnh đạo của GE, đã nói, những công ty nào muốn ở lại Trung Quốc sẽ phải cố gắng hơn trước gấp nhiều lần. Rất nhiều công ty sẽ phải thay đổi chiến lược. 

Trung Quốc không còn hấp dẫn

Đầu tiên, chi phí tăng lên có nghĩa là ông chủ của các tập đoàn sẽ phải chuyển từ tăng trưởng sang nâng cao năng suất. Điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng ở Trung Quốc, điều này không dễ. Một cách khác để cắt giảm chi phí là đầu tư vào công nghệ hỗ trợ người lao động không chỉ trong ngành sản xuất mà trong cả ngành dịch vụ. Nhưng, các tập đoàn đa quốc gia đang thất bại trước những công ty nội địa như Alibaba và Tencent trong việc khai thác dữ liệu đến từ thương mại điện tử và smartphone. 

Thứ hai, hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc đòi hỏi sự quản lý gắt gao. Lãnh đạo của GSK thừa nhận rằng vấn đề ở Trung Quốc một phần xuất phát từ việc các giám đốc chi nhánh hnafh động ở ngoài tầm kiểm soát. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng nhạy cảm với các thông tin trên mạng xã hội hơn so với các nước phương Tây, bởi vậy bất kỳ scandal nào cũng sẽ ngay lập tức được “tường thuật trực tiếp” trên cả nước.

Cuối cùng, chính sách một – nước – Trung – Hoa không còn có nhiều ý nghĩa. Hầu hết các tập đoàn lập văn phòng đại diện ở Trung Quốc khi quy mô nền kinh tế nước này nhỏ hơn 2.000 tỷ USD. Trong khi kinh tế Trung Quốc đã lớn mạnh gấp nhiều lần, nhiều tập đoàn vẫn chủ yếu hoạt động ở Thượng Hải. Điều này khiến họ thiếu đi nhạy cảm với thị hiếu người tiêu dùng ở các tỉnh và thành phố lớn giờ đã có dân số gần bằng một nước châu Âu. Khoảng 400 triệu người Trung Quốc không nói tiếng phổ thông.

Trung Quốc vẫn là “mỏ vàng” để các công ty đa quốc gia khai thác và những công ty thành công trong việc tăng sản lượng, quản trị tốt hơn cũng như phản ứng tốt hơn với thị hiếu vẫn có thể “hái ra tiền”. Tuy nhiên, thời kỳ vàng son đã chấm dứt. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên