Trung Quốc không còn là thiên đường kinh doanh
Năm 2014, kinh tế Trung Quốc chỉ đạt nhịp độ tăng trưởng 7,4%, kém nhất từ 24 năm qua. Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài cũng suy giảm theo.
- 10-02-2015Qualcomm nộp phạt 1 tỷ USD chấm dứt tranh chấp tại Trung Quốc
- 08-10-2013Trung Quốc: Các tập đoàn đa quốc gia bị "thí tốt"
- 04-03-2008Các công ty đa quốc gia, cứu cánh của kinh tế Mỹ?(Kỳ 1)
“Thời vàng son cho các tập đoàn đa quốc gia đã chấm dứt” là đánh giá của phân nửa doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc, khi trả lời cuộc thăm dò ý kiến hàng năm của Phòng Thương mại châu Âu ở Bắc Kinh. Tình hình này cũng tương tự từ phía đồng nghiệp Mỹ. Năm 2014, kinh tế Trung Quốc chỉ đạt nhịp độ tăng trưởng 7,4%, kém nhất từ 24 năm qua. Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài cũng suy giảm theo.
Theo Nhật báo Công giáo La Croix, nỗi bất bình đầu tiên của các doanh nghiệp châu Âu là môi trường luật lệ Trung Quốc bị xem là quá mập mờ, kém minh bạch, và dành quá nhiều thiên vị cho các doanh nghiệp trong nước. Việc tập đoàn Qualcomn của Mỹ, chuyên sản xuất chíp điện tử cho điện thoại thông minh, bị kết án phạt chỉ củng cố thêm cảm nhận này.
Qualcomm bị tuyên phạt 6 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 860 triệu euro) với tội danh “lạm dụng vị trí thống trị”, một án phạt chưa từng có. Trước đó, một loạt các tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài đã bị đặt vào vòng điều tra như Mercedes, BMW hay Microsoft.
Trước mật độ tấn công dày đặc, Phòng Thương mại châu Âu bày tỏ sự nghi ngờ về tính khách quan, cho rằng có sự “phân biệt đối xử” trên thị trường Trung Quốc, dù rằng chính quyền trấn an là sẽ điều tra cả các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, “Vạn Lý Trường Thành tin học”, biệt danh của kiểm duyệt Internet, cũng gây ra nhiều vấn đề cho các doanh nghiệp nước ngoài, vốn dĩ quá quen thuộc với các công cụ làm việc phương Tây như Google chẳng hạn.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Trung Quốc, phải dùng đến các trình duyệt trả tiền cho phép lẩn tránh được sự kiểm duyệt bằng cách kết nối vào mạng cá nhân ảo. Tuy có hiệu quả nhưng đường truyền khá chậm. Có tới 86% doanh nghiệp châu Âu phàn nàn các hoạt động kinh doanh của họ đã bị ảnh hưởng do những hạn chế và tình trạng kết nối chậm.
Kiểm duyệt Internet cũng gây lo sợ cho các doanh nghiệp. Khoảng 60% doanh nghiệp Mỹ cho rằng nguy cơ các dữ liệu nhạy cảm bị đánh cắp tại Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với những nơi khác. Kết quả là 13% doanh nghiệp Mỹ khẳng định đã đình các dự án đầu tư dự kiến vào nghiên cứu và phát triển trong năm 2014.
“Điểm đen” cuối cùng và cũng là điểm mới đầu tiên trong thăm dò của Phòng Thương mại Mỹ từ 17 năm qua là vấn đề ô nhiễm môi trường. Đại đa số các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc (53%) cho biết gặp khó khăn trong việc tuyển người đến làm việc tại cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á. Con số này tại Phòng Thương mại châu Âu còn cao hơn lên đến 68%.
Chừng 1/3 doanh nghiệp châu Âu cho biết ô nhiễm môi trường đã làm tăng vọt chi phí tuyển dụng, do các ứng viên muốn có những khoản bù đắp. Nhất là tại các khu vực Bắc Kinh, Nam Kinh hay Thượng Hải, khoảng 60% doanh nghiệp nước ngoài tại đây đều đề cập đến khó khăn này.