MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc không sợ Fed

16-09-2015 - 15:05 PM | Tài chính quốc tế

Theo giới phân tích, dù Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong 25 năm và TTCK nước này vừa trải qua “giông bão”, lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ trị giá 2.560 tỷ USD sẽ là đệm đỡ vững chãi.

Trong khi các nhà đầu tư trên toàn thế giới chờ đợi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong 9 năm, có một nền kinh tế đã trải qua nhiều “rung lắc” trong thời gian vừa qua nhưng cuối cùng lại được định vị tốt nhất: Trung Quốc.

Theo giới phân tích, dù Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong 25 năm và TTCK nước này vừa trải qua “giông bão”, lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ trị giá 2.560 tỷ USD sẽ là đệm đỡ vững chãi. Tháng trước, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng khẳng định họ sẵn sàng dùng dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng nhân dân tệ.

“Bản thân động thái nâng lãi suất của Fed không có quá nhiều tác động lên kinh tế Trung Quốc”, Shen Jianguang – chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán Mizuho – nhận định. “Đối với Trung Quốc, sức khỏe nền kinh tế mới là vấn đề chủ chốt”.

Trong số các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc là một trong những nước ở vị thế tốt nhất để thích ứng tốt với động thái tăng lãi suất của Fed, theo các chuyên gia của Bloomberg Intelligence. Dự trữ ngoại hối dồi dào, nợ nước ngoài ít và tỷ lệ nợ công do nước ngoài nắm giữ ở mức thấp là những yếu tố giúp Trung Quốc chống đỡ với các cú sốc từ bên ngoài.

Ngày mai (17/9), các quan chức Fed sẽ phải đưa ra quyết định khó khăn nhất trong nhiều năm sau khi giữ lãi suất cơ bản ở mức gần 0 suốt từ tháng 12/2008 đến nay. Fed sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào lúc 2h chiều ngày 17/9 (tức 1h sáng 18/9 theo giờ Việt Nam).

Fed đang xem xét liệu tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất 7 năm có thể đảm bảo cho lãi suất tăng thêm 0,25% hay không khi mà tỷ lệ lạm phát vẫn đang ở dưới mức mục tiêu. Trung Quốc có thể là lý do lớn nhất khiến Fed chùn bước: những dấu hiệu về đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc – nước đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu – đã khiến các TTCK, hàng hóa và tiền tệ của các nước mới nổi lao dốc trong tháng trước.

Dù Fed có hành động hay không, NHTW Trung Quốc khẳng định họ luôn sẵn sàng.

Hãy nhìn vào những lĩnh vực chủ chốt trong nền kinh tế Trung Quốc:

Nhân dân tệ: bất kỳ tác động tiêu cực nào tới nhân dân tệ đều đã được tính đến trong đánh giá triển vọng của PBOC và sẽ không khiến nhân dân tệ giảm giá mạnh. PBOC đã khẳng định như vậy trong thông báo ngày 12/8, ngay sau khi bất ngờ phá giá đồng nội tệ. Theo các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg, đến cuối năm nay nhân dân tệ sẽ giảm giá 6,5% so với USD.

Nợ: 5 lần hạ lãi suất của PBOC kể từ tháng 11 đến nay cùng với việc nới lỏng quy định quản lý phát hành trái phiếu nhân dân tệ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc giảm bớt phụ thuộc vào việc huy động vốn bằng USD. Điều này có nghĩa là các công ty Trung Quốc (vốn là con nợ USD lớn nhất của khu vực) phòng vệ tốt hơn. Theo số liệu của Bloomberg, lượng trái phiếu doanh nghiệp nội địa phát hành từ đầu năm đến nay đã tăng trưởng 77% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chứng khoán: TTCK Trung Quốc vẫn khá đóng cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài và những biến động trên thị trường này phần lớn xuất phát từ các lực đẩy trong nước. Mặc dù tình trạng đầu cơ là vấn đề khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đau đầu, chính điều lại giúp TTCK Trung Quốc có sức đề kháng tốt hơn các thị trường khác.

Khả năng khủng hoảng: Các lần Fed thắt chặt chính sách tiền tệ trước đây đều khiến các quốc gia đang phát triển rơi vào khủng hoảng mà nổi bật là khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 hay khủng hoảng đồng peso ở Mexico năm 2004. Trung Quốc không mỏng manh theo những cách này vì nhà đầu tư nước ngoài không sở hữu nhiều cổ phiếu và nợ của Chính phủ Trung Quốc. Do đó rủi ro từ dòng vốn tháo chạy được giảm thiểu.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên