Trung Quốc mơ về thành phố xanh
Ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn đã trở thành vấn đề mang tính chất chính trị.
- 15-08-2013Phương Đông màu xám
- 19-06-2014Giảm thọ vì sống ở Bắc Kinh
- 16-02-2013Bắc Kinh sẽ không còn là thủ đô của Trung Quốc?
Cụm từ "Eco city (tạm dịch : thành phố xanh) lần đầu tiên xuất hiện trong một cuốn sách được xuất bản năm 1987 bởi Richard Register - nhà môi trường học đến từ California. Giờ đây cụm từ này đã trở nên phổ biến trong hầu hết các kế hoạch xây dựng thành phố mới trên thế giới. Các thành phố đang dần mọc lên san sát tại khu vực ven biển phía Bắc Trung Quốc cũng không thoát khỏi xu thế trên.
Xung quanh một hồ nước mà không lâu trước đây còn là một trạm chứa nước thải, các chung cư tiết kiệm năng lượng hiện đại đang dần mọc lên. Các tuyến xe bus chạy bằng điện chạy dọc theo những con phố thưa thớt người ở. Các thùng rác công cộng đều được lắp đèn chạy bằng năng lượng mặt trời để người dân có thể nhận ra chúng dễ dàng hơn vào ban đêm. Phát triển đô thị ở Trung Quốc cũng khiến trái đất nóng lên. Vì vậy, Sino-Singapore - mô hình thành phố xanh "Eco-City" ở Thiên Tân đang được coi là một biện pháp làm dịu đi tình trạng này.
Báo cáo đặc biệt của Economist về đô thị hóa ở Trung Quốc |
Xây dựng hoàn toàn mới một thành phố lớn là công việc đầy khó khăn, chưa kể đến thành phố ấy còn phải đạt tiêu chuẩn của một "thành phố xanh". Tuy vậy, cách quy hoạch và quản lý đô thị của Trung Quốc tạo ra cho họ lợi thế. Chính phủ chỉ định địa phương này sẽ trở thành thành phố xanh, trưng dụng số đất đai ấy và sẽ bán lại với giá hơn cho các nhà đầu tư để phát triển. Đây chính là mô hình mà Singapore đã triển khai năm 2007. Sau những tác động kinh hoàng của tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị, lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố mục tiêu xây dựng các thành phố sinh thái. Và, vùng đất rộng 30km2 có khí hậu khá khắc nghiệt nằm gần thành phố cảng miền Bắc Thiên Tân đã trở thành nơi thử nghiệm.
Trung Quốc đã tiến hành một vài dự án xây dựng thành phố xanh trước đó nhưng đều thất bại. Nằm cách Thiên Tân 60km về phía bờ biển là bán đảo Caofeidian, dự án bắt đầu năm 2009 với mục tiêu xây dựng một thành phố sinh thái với khoảng 500.000 dân sống vào năm 2020. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành đa số diện tích bị bỏ hoang bởi khu vực này quá heo hút nên không thể thu hút đầu tư.
Ở Thượng Hải, các kế hoạch xây dựng mô hình thành phố xanh tương tự đã manh nha từ 10 năm trước. Tuy vậy, đa số vẫn chỉ nằm trên bản thảo giấy tờ bởi các vấn đề như tham nhũng. Tuy nhiên, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương, dự án ở Thiên Tân đang tiến triển tốt.
Khu đô thị xanh này được mở cửa năm 2011 với số vốn tài trợ 690 triệu USD từ chính phủ và đã thu hút được hàng trăm doanh nghiệp. Để tăng nhanh số lượng dân cư, chính phủ xây dựng trường học mang phong cách Victoria với hàng mái ngói nâu và trang bị thiết bị học tập xa xỉ. Trong đó, có một phòng chuyên nuôi động vật để giúp học sinh học tập hiểu quả hơn khi nghiên cứu về tự nhiên. Một giáo viên chia sẻ rất tự hào: "Tất cả các con thú đều là thật ngoại trừ hổ và gấu trúc”. Một bệnh viện 350 giường được đánh giá là một trong những cơ sở hiện đại nhất Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thành vào năm sau với số vốn đầu tư 110 triệu USD.
Tại khu vực điều hành trung tâm, hàng chục nhân viên đang kiểm tra hệ thống sưởi ấm và dẫn nước cũng như tình trạng tại các nút giao thông trên màn hình quan sát lớn. Biệt hiệu "thành phố ma" trong quá khứ không làm ảnh hưởng đến quyết tâm của các nhà cải cách. Thành phố mở cửa cách đây 2 năm và đến nay đã thu hút hơn 10.000 cư dân và đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 350.000 dân.
Chính phủ Trung Quốc có nhiều lý do để hỗ trợ dự án này. Ở Trung Quốc, sự bất bình của dân chúng về các vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các đám mây độc hại trong thành phố, đang gia tăng. Trong khi đó từ phía nước ngoài, nước này bị chỉ trích vì khiến trái đất nóng lên. Năm 2006, Trung Quốc trở thành nước có lượng khí thải carbon lớn nhất thế giới (hiện ở mức cao gấp đôi so với Mỹ). Thậm chí, sương mù ô nhiễm còn lan sang cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ho Tong Yen - CEO của một công ty phát triển môi trường sinh thái xanh trong các đô thị - tin rằng các biện pháp xây dựng thành phố sinh thái sẽ trở thành "kim chỉ nam" trong kế hoạch đô thị hóa ở Trung Quốc. Một thập kỷ trước, ông nhớ lại khi gặp các đại biểu chính phủ Trung Quốc trong một cuộc hội thảo, họ liên tục khoe khoang về mức phát triển GDP tại các thành phố. Hiện này, họ tập trung quảng cáo về các thành phố xanh và thân thiện với môi trường.
Đường còn dài
Trong thực tế, cảnh quan đô thị tại Trung Quốc khá tồi tệ với khói, mùi khó chịu từ các kênh mương, đường phố ùn tắc với những chiếc xe cũ kỹ, các tòa nhà méo mó không theo tiêu chuẩn... Tuy nhiên, sự bất mãn của người dân với các vấn đề môi trường đô thị có phần dịu đi trước những hứa hẹn và ở một vài nơi là hành động thiết thực từ phía chính quyền. Trong những năm gần đây, khoảng 1/3 trong số hơn 600 tỉnh thành ở Trung Quốc công bố các kế hoạch để biến đổi thành các thành phố sinh thái. Chính quyền trung ương bắt đầu siết chặt quản lý lượng khí thải carbon và các chất thải dạng khói từ các khu công nghiệp , Tháng 3 năm nay, thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra "lời tuyên chiến " với nạn ô nhiễm môi trường.
Bởi vì không có một định nghĩa cụ thể nào về khái niệm ”thành phố sinh thái”, các chính quyền địa phương tự biến tấu cho phù hợp với hoàn cảnh. Tuy nhiên, đôi lúc khái niệm này bị lạm dụng để tịch thu nhiều hơn đất đai từ nông dân để xây dựng các ngôi nhà xa xỉ. Thậm chí những sân golf được xây dựng quanh các biệt thự vì cỏ trên sân golf cũng được tính là màu xanh.
Cho dù chính phủ có những tuyên bố hùng hồn về phát triển đô thị xanh, các thành phố sinh thái vẫn thiếu thành phần quan trọng nhất: một xã hội dân cư không chỉ được phép tự do biểu tình vì môi trường mà còn có thể gây áp lực buộc chính phủ phải hoàn thành những hứa hẹn. Trung Quốc luôn nói về thành phố xanh và cũng đã có hành động, nhưng dường như họ chưa có quyết tâm thực sự.
Thảo Phương