Trung Quốc quyết không để tăng trưởng kinh tế dưới 7%
Hôm nay (23/7), một tờ báo Trung Quốc cho biết Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố sẽ không để tăng trưởng kinh tế của nước này thấp hơn 7%.
- 22-07-2013Krugman: Trung Quốc đã cùng đường
- 20-07-2013Trung Quốc đứng trước vụ vỡ nợ trái phiếu nội địa đầu tiên
- 18-07-2013IMF: Kinh tế Trung Quốc đang gặp nguy hiểm
- 15-07-2013Trung Quốc: Tăng trưởng GDP quý II tiếp tục giảm
“Ranh giới cuối cùng cho tăng trưởng kinh tế là 7% và không được phép vượt qua ranh giới này”, tờ Beijing News (Tin tức Bắc Kinh) trích phát biểu của ông Lý trong một cuộc họp diễn ra hồi đầu tháng này.
Thủ tướng Trung Quốc nói với các chuyên gia kinh tế và các doanh nhân nước này rằng cần tuân thủ “ranh giới” này để Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc dân (GDP) trong giai đoạn 2010-2020.
Theo hãng tin AFP, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới tuy nhiên tốc độ tăng trưởng ngày càng giảm đi đang là mối lo ngại lớn của “người khổng lồ châu Á” này.
Năm nay, giai đoạn từ tháng Tư - tháng Sáu, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,5% so với cùng kì năm ngoái, thấp hơn so với 7,7% quí I năm nay và so với 7,9% của quí IV năm 2012.
Chính phủ Trung Quốc đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho toàn năm 2013 là 7,5%.
Trước đó, một quan chức chính phủ Trung Quốc dẫn lời ông Lý phát biểu trong một cuộc họp ngày 16/7 rằng nền kinh tế nước này phải duy trì độ tăng trưởng trong “phạm vi hợp lí”.
Theo thông báo của chính phủ Trung Quốc, ông Lý cho rằng “giới hạn sàn” là ổn định tăng trưởng kinh tế và duy trì công ăn việc làm còn “giới hạn trần” là ngăn chặn lạm phát. Tuy nhiên, thông báo này không đưa ra các con số cụ thể cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Các nhà phân tích cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế bằng các biện pháp cải cách cấu trúc dài hạn, tuy nhiên bài phát biểu nói trên của ông Lý cho thấy có vẻ chính phủ nước này có thể sẽ chú ý trở lại vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
“Chúng tôi đoán là ông ấy sẽ mở rộng chi tiêu tài khóa ở qui mô nhỏ và “tung” trợ giúp của chính quyền trung ương vào các lĩnh vực như nhà ở xã hội, đường sắt, cơ sở hạ tầng phục vụ môi trường đô thị như hệ thống thoát nước thải”, Lu Ting, nhà kinh tế học của Ngân hàng America Merrill Lynch, nhận định.
Theo Lê Dung