Trung Quốc sẽ "xuất khẩu" suy thoái kinh tế
Hãy quên đi những đôi giày, món đồ chơi và những mặt hàng xuất khẩu khác. Trung Quốc sẽ sớm có một “mặt hàng” khác để cung cấp cho thế giới: một cuộc suy thoái kinh tế.
- 14-07-2015Chứng khoán Trung Quốc sụp đổ và bài học cho Việt Nam
- 13-07-2015Các "ngôi sao kinh tế" của châu Á chật vật theo Trung Quốc
- 19-12-2014“Bóng ma” suy thoái không còn đe dọa nền kinh tế Mỹ?
Đó là dự báo vừa được Ruchir Sharma, người phụ trách các thị trường mới nổi tại quỹ đầu tư trực thuộc ngân hàng Morgan Stanley, nhận định nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc trong vài năm tới, tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới có thể bị giảm xuống dưới mức 2% - ngưỡng được đánh giá là tương đương với tình trạng suy thoái trên toàn cầu. Đây sẽ là lần đầu tiên trong 50 năm qua kinh tế thế giới suy thoái mà không gắn liền với sự suy giảm của kinh tế Mỹ.
“Cuộc suy thoái tiếp theo của kinh tế thế giới sẽ xuất phát từ Trung Quốc”, Sharma – người đang quản lý hơn 25 tỷ USD – nhận định trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg ở New York. “Trong một vài năm tới, Trung Quốc sẽ trở thành nguồn gây bất ổn lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc”.
Mặc dù nền kinh tế đang giảm tốc, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đến kinh tế toàn cầu vẫn đang tăng lên. Tỷ lệ đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế thế giới đã tăng từ mức 23% của năm 2010 lên 38% trong năm ngoái. Đây là nước nhập khẩu đồng, nhôm và bông lớn nhất thế giới, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của các nước từ Brazil tới Nam Phi.
Tuần trước Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 xuống còn 3,3%, so với mức 3,5% được đưa ra hồi tháng 4. IMF dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 6,8%, thấp nhất kể từ năm 1990. Nguyên nhân là do nước này ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Quá trình chuyển đổi này cũng tạo ra rủi ro đối với đà hồi phục của kinh tế thế giới.
Sharma dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại trong bối cảnh nước này cố gắng giảm nợ. Tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc giảm thêm 2% nữa sẽ khiến kinh tế thế giới suy thoái, ông nói.
Trong 50 năm qua, tăng trưởng kinh tế thế giới (đo bằng tỷ giá hối đoái trên thị trường) đã có 5 giai đoạn rơi xuống dưới mức 5%. Lần gần đây nhất là giai đoạn 2008-09. Tất cả đều trùng khớp với thời kỳ kinh tế Mỹ suy thoái.
Quỹ đầu tư theo dõi thị trường mới nổi trị giá 1 tỷ USD của Sharma đã đem lại lợi suất 2,71% mỗi năm trong 5 năm gần nhất. Sharma cho biết ông đang giảm dần tỷ trọng các cổ phiếu Trung Quốc cũng như cổ phiếu ở các nước phụ thuộc vào Trung Quốc để tăng trưởng như Brazil, Nga và Hàn Quốc. Ông ưa thích các công ty ở Đông Âu và một vài nền kinh tế nhỏ hơn ở châu Á như Philippines, Việt Nam và Pakistan.
Vài tuần qua, thị trường chứng khoán có quy mô 6.800 tỷ USD của Trung Quốc đã làm dậy sóng giới đầu tư toàn cầu khi giảm tới gần 30% sau khi tăng nóng trong gần 1 năm trước đó. Gần 4.000 tỷ USD vốn hóa đã bị “thổi bay” khỏi thị trường.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ là thách thức không nhỏ đối với các nhà đầu tư bảo lưu quan điểm Chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát hoàn toàn nền kinh tế bất chấp những tác động của thị trường và nước này sẽ luôn luôn đạt được mục tiêu đã đề ra.
“Với những gì xảy ra trong tuần trước, lần đầu tiên xuất hiện dấu hiệu có điều gì đó đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Dù ít hay nhiều, niềm tin của nhà đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng”, Sharma nói.