MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc: Thêm ủy viên trung ương bị bắt

06-03-2016 - 08:52 AM | Tài chính quốc tế

10 giờ trưa ngày 4/3, trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (UBKTKLTW) đưa tin: Vương Dân, Ủy viên Trung ương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của quốc hội, nguyên Bí thư tỉnh ủy Cát Lâm và Liêu Ninh đã bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” - cụm từ dùng để chỉ quan chức phạm tội tham nhũng.

Vương Dân trở thành quan chức cấp bộ đầu tiên bị điều tra trong năm 2016 và là Ủy viên Trung ương khóa 18 thứ 8 bị “ngã ngựa” (sau Lệnh Kế Hoạch, Tô Thụ Lâm, Lý Đông Sinh, Dương Kim Sơn, Dương Đống Lương, Chu Bản Thuận, Tưởng Khiết Mẫn), nếu tính thêm 12 UV dự khuyết là thành viên thứ 20 trong Ban chấp hành trung ương.

Ăn sáng cùng đoàn, trưa đã bị bắt

Vương Dân bị bắt giữ điều tra rất bất ngờ. Chiều 3/3 Vương Dân vẫn tham dự họp đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Liêu Ninh; một đại biểu Liêu Ninh nói với phóng viên báo “Trung Quốc Kinh doanh”: “Sáng nay còn ăn sáng cùng, đến trưa đã nghe tin ông ấy bị điều tra”. Lúc 11h, tại cuộc họp báo về kỳ họp quốc hội và Chính Hiệp, khi một phóng viên hỏi về việc đại biểu quốc hội Vương Dân bị bắt, bà Phó Oánh, người phát ngôn hai kỳ họp trả lời: “Tôi cũng chỉ vừa được thông báo cách đây ít phút...Cuộc chiến chống tham nhũng không có góc chết, kể cả quốc hội và HĐND các cấp, nếu đại biểu quốc hội nào vi phạm kỷ luật, pháp luật đều phải đối mặt với việc thẩm tra về kỷ luật hoặc xét xử về mặt pháp luật”.

Sinh năm 1950 tại An Huy, Vương Dân được biết đến như là một điển hình “quan chức có học” đã qua rèn luyện trong thực tế. Năm 1968, là thanh niên trí thức bị đưa xuống cơ sở “cắm rễ”, sau 10 năm làm công nhân cơ khí, Vương Dân vào học Học viện Mỏ than Hoài Nam, sau khi tốt nghiệp ở lại trường giảng dạy, rồi lấy bằng tiến sĩ và được phong hàm giáo sư ở Đại học Hàng không Nam Kinh.

Tháng 7/1994, khi đang là Hiệu phó ĐH Hàng không Nam Kinh, Vương Dân chuyển sang làm Trợ lý tỉnh trưởng Giang Tô, bắt đầu bước vào chính trường. Sau 10 năm, ông trở thành Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Bí thư thành ủy Tô Châu. 2 năm làm bí thư Tô Châu, Vương Dân đã tạo nên kỳ tích “một năm rưỡi hoàn thành tái cơ cấu 1.034 xí nghiệp công nghiệp”, đầu tư nước ngoài tới tấp đổ vào khiến GDP 2 năm liền tăng tới 18% (2003) và 17,6% (2004) gây xôn xao cả nước.

Tháng 10/2004, ông được đưa khỏi Giang Tô về Cát Lâm giữ các chức Phó bí thư, Phó tỉnh trưởng, Tỉnh trưởng rồi Bí thư tỉnh ủy. Tháng 11/2009, ông lại được điều sang Liêu Ninh làm Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh. Tại Đại hội 18 (2012), Vương Dân được bầu làm UVTW. Tháng 5/2015, ông thôi giữ chức Bí thư Liêu Ninh vì tuổi cao. Tháng 7/ 2015, ông được giao giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của quốc hội.

Lùm xùm khi ở Cát Lâm

Sai phạm, tội lỗi cụ thể của Vương Dân chưa được UBKTKLTW công bố, nhưng dư luận cho rằng có thể liên quan đến thời kỳ ông giữ chức vụ Bí thư tỉnh ủy Cát Lâm và Liêu Ninh.

Mạng Sina tối 4/3 đăng bài cho rằng “nguồn cơn vấn đề” của Vương Dân có lẽ từ những chuyện lùm xùm từ khi ông giữ chức lãnh đạo ở Cát Lâm. Từ khi được điều về Cát Lâm tháng 10/2004 làm Phó bí thư, quyền Tỉnh trưởng, Tỉnh trưởng rồi Bí thư tỉnh ủy, Vương Dân đã công tác ở đây 5 năm trước khi được điều sang Liêu Ninh vào tháng 11/2009.

Do thành tích xuất sắc trong thời gian làm Bí thư Tô Châu nên việc trung ương điều Vương Dân lên vùng Đông Bắc làm muốn nhân rộng “mô hình Tô Châu” ra cả nước. Do điều kiện, tình hình kinh tế của Cát Lâm khác Giang Tô nên Vương Dân đã vận dụng kinh nghiệm, tìm ra mô thức cải cách phù hợp, áp dụng những biện pháp “không bình thường” thực hiện “kế hoạch công kiên” cải cách các xí nghiệp quốc doanh được gọi là “cạo sạch đáy nồi”, giải quyết triệt để các vấn đề khó khăn, khiến công nghiệp Cát Lâm khởi sắc.

Nhưng có lẽ do tư duy “cạo sạch đáy nồi”, quyết làm triệt để, nên trong thời gian Vương Dân làm lãnh đạo, Cát Lâm đã xảy ra “Sự kiện Thông Cương” gây chấn động cả nước. Tháng 10/2005, Tập đoàn đầu tư Gang thép Kiến Long lớn nhất Trung Quốc tiến hành liên kết với tập đoàn gang thép Thông Cương, doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Cát Lâm với hình thức Kiến Long góp vốn, mua 40% cổ phần của Thông Cương. Đến tháng 7/2009 Kiến Long định tăng thêm vốn, chiếm hơn 50% cổ phần, vốn nhà nước của tỉnh Cát Lâm chỉ còn 34%, cũng tức là doanh nghiệp gang thép lớn nhất Cát Lâm sẽ bị tập đoàn Kiến Long - doanh nghiệp tư nhân - thôn tính và trở thành một bộ phận của họ. Ngày 24/7/2009, các CNV tập đoàn Thông Cương tụ tập biểu tình phản đối Kiến Long tăng vốn khống chế cổ phần, Trần Quốc Quân, Tổng giám đốc chi nhánh Thông Hóa của Kiến Long bị những người biểu tình đánh đập đến chết; chính quyền tỉnh Cát Lâm phải tuyên bố đình chỉ phương án tái cơ cấu, tập đoàn Kiến Long phải rút, không tham gia tái cơ cấu Thông Cương nữa.

Một cán bộ của Thông Cương phát biểu với phóng viên “Trung Quốc Kinh doanh báo”: “Tập đoàn Kiến Long do Vương Dân đưa vào, ông ấy phải chịu trách nhiệm không thể chối bỏ trong việc cho đến nay Thông Cương vẫn bị tổn thương nghiêm trọng”.

Một vấn đề nữa của Vương Dân khi ở Cát Lâm là tác phong chuyên quyền, độc đoán trong đề bạt, sử dụng cán bộ. Có một cán bộ lọt vào mắt Vương Dân, sau 6 tháng làm trợ lý Tỉnh trưởng đã được vào Ban thường vụ tỉnh ủy, sau 8 tháng được bổ nhiệm Phó Tỉnh trưởng, chỉ ngồi 4 tháng thì được Vương Dân điều ngang làm Tổng thư ký tỉnh ủy để về bên cạnh ông ta. Trợ lý Tỉnh trưởng chỉ là cán bộ cấp phó sở, nhảy qua cấp phó tỉnh vào thường vụ quả là “cán bộ ngồi tên lửa” - một cán bộ ngành tổ chức nhận xét.

Thất hứa ở Liêu Ninh

Năm 2009, Vương Dân được điều sang làm Bí thư Liêu Ninh, tỉnh công nghiệp lớn nhất Đông Bắc với lời cam kết khi nhận chức: “sẽ làm một người Liêu Ninh có trách nhiệm, thực hiện chấn hưng Liêu Ninh toàn diện, làm người thanh bạch, làm việc sạch sẽ”. Thế nhưng có vẻ ông ta đã không thực hiện được lời hứa đó. Liêu Ninh là căn cứ địa của Bạc Hy Lai; tuy lúc này ông ta đang là Bí thư Trùng Khánh, “hô phong hoán vũ” ở đó nhưng vẫn khống chế chính trường Liêu Ninh.

Sau khi Vương Dân ngồi vào ghế Bí thư, Liêu Ninh xảy ra các vụ “địa chấn chính trường”, liên tiếp thay thế Giám đốc Công an và Viện trưởng kiểm sát thành phố Đại Liên; kinh tế thì liên tục thụt lùi xuống, đến quý 1/2015 GDP chỉ tăng trưởng 1,9%, đứng cuối cùng trong số 31 tỉnh, thành, khu tự trị cả nước. Năm 2014, khi ông Lý Hy được trung ương điều từ Thượng Hải đến lần lượt giữ các chức Phó Bí thư, quyền Tỉnh trưởng rồi Tỉnh trưởng; Liêu Ninh đã hình thành 2 trung tâm quyền lực, quan chức “chỉ nghe Lý, không nghe Vương”.

Mặc dù Vương Dân tuyên bố “làm người thanh bạch, làm việc sạch sẽ” nhưng ở Liêu Ninh lan truyền những thông tin về sở thích “uống danh tửu, hút danh yên (thuốc lá)” của ông ta. Khi điều từ Cát Lâm sang Liêu Ninh, Vương Dân ở trong Khách sạn Hữu Nghị Thẩm Dương, mang theo số lượng rất lớn thuốc lá và rượu đắt tiền. Một nhân viên phục vụ Vương Dân thuật lại: “Ông ta toàn uống Mao Đài, chỉ hút Tô Yên”. Trong quá trình Thẩm Dương xây dựng các công trình phục vụ cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 12 (2013), các công ty xây dựng và các nhà thầu từ Cát Lâm được Vương Dân ồ ạt đưa sang.

Theo Thu Thủy

Tiền Phong

Trở lên trên