MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc vào “sân sau” của Mỹ

03-06-2013 - 09:59 AM | Tài chính quốc tế

Chuyến công du thứ hai của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi động cuối tuần qua với điểm đến là “sân sau” giàu tài nguyên của Mỹ và kết thúc bằng cuộc gặp không chính thức với ông chủ Nhà Trắng Obama.

Ăn miếng trả miếng

Theo giới quan sát, nguồn tài nguyên dầu mỏ và sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu tại Mỹ Latin đã tỏa ra sức hút lôi kéo các nền kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt là quốc gia đang khát năng lượng như Trung Quốc. Bên cạnh đó, chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc cũng là cơ hội để Bắc Kinh siết chặt quan hệ kinh tế lẫn chính trị với các quốc gia “sân sau” của Mỹ.

Đánh giá kết quả chuyến thăm Trinidad and Tobago, nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố “hai nước đã thống nhất tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển hạ tầng, năng lượng và khoáng sản”. Trinidad and Tobago có một trữ lượng lớn dầu mỏ, khí đốt và việc xuất khẩu năng lượng đóng góp đến 40% nguồn thu của nước này, theo AFP. Trong khi đó, xuất khẩu khí đốt của nước này sang Mỹ năm 2012 giảm chỉ còn 1/4 so với năm năm trước đó.

Costa Rica tuyên bố đóng cửa các cơ quan nhà nước để chào đón chủ tịch Trung Quốc, tương tự như nghi thức dành cho khách quý Obama tháng trước. Costa Rica thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh năm 2007 sau nhiều thập niên ủng hộ Đài Loan, dự kiến sẽ nhận hàng tỉ USD hỗ trợ từ Trung Quốc cho dự án mở rộng nhà máy lọc dầu ở nước này. Còn tại Mexico, nhà xuất khẩu hàng công nghiệp hàng đầu châu Mỹ, điểm chính trong chuyến thăm của ông Tập, sẽ là siết chặt quan hệ thương mại như giảm thuế cho hàng xuất khẩu của Mexico.

Trong thập niên qua, Trung Quốc đã đổ tiền vào khu vực Caribê nhằm củng cố vị trí tại khu vực chịu ảnh hưởng lớn của phương Tây. Nỗ lực của Bắc Kinh tăng mạnh trong vài năm trở lại đây trong lúc Mỹ có xu hướng giảm hỗ trợ cho các quốc gia “sân sau”. Ngay trước khi ông Tập đến Mỹ Latin, khu vực này cũng vừa tiếp Phó tổng thống Mỹ Joe Biden. Tổng thống Obama cũng dự kiến tiếp lãnh đạo Chile và Brazil, hai nước mà Washington đã đánh mất vị trí đối tác số 1 vào tay Trung Quốc. 

“Mỹ đến với một đề nghị hấp dẫn hơn nhưng không dễ dàng như thế vì túi của họ không còn sâu như trước” - nhà kinh tế Kevin Gallagher của Đại học Boston nhận định. Nhà bình luận Andres Oppenheimer của tờ Miami Herald nhận định việc chọn Nam Mỹ trong chuyến công du lần này là đòn “ăn miếng trả miếng” để đáp lại chuyến thăm gần đây của ông Obama đến “sân sau” của Trung Quốc là Myanmar.

Báo Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia Yun Sun thuộc Viện Brooking tại Washington nhận định: “Trung Quốc nhìn tất cả như một bàn cờ. Nếu họ có thể củng cố quan hệ ở châu Phi, Mỹ Latin và Trung Mỹ, thì điều này có thể giúp họ đứng vững chãi trên thế giới và có thêm quyền thương thảo”.

An ninh mạng

Điểm cuối trong chuyến công du châu Mỹ của chủ tịch Trung Quốc là California (Mỹ), nơi ông sẽ gặp ông Obama để thảo luận các đề tài “nóng” trong quan hệ hai nước. Giới quan sát hi vọng một cuộc đối thoại không chính thức và không kịch bản sẽ cho phép hai lãnh đạo thảo luận sâu hơn. “Nếu cả hai lãnh đạo có thể hiểu nhau hơn về những gì họ hướng đến trong vài năm tới, điều đó sẽ cực kỳ có giá trị” - cựu thư ký Lord Powell của cố thủ tướng Anh Margaret Thatcher nói.

Một trong những trọng tâm của cuộc gặp giữa ông Obama và ông Tập chính là an ninh mạng, vấn đề vừa được hâm nóng bởi cáo buộc của Lầu Năm Góc cho rằng tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp thiết kế mật về hàng loạt vũ khí hiện đại từ tàu chiến đến tên lửa của Washington. Vụ việc cũng làm tăng áp lực lên ông Obama phải buộc Bắc Kinh dừng các hoạt động tấn công. “Phải vạch rõ lằn ranh đỏ. Nếu các hành động này tiếp tục thì phải có biện pháp trừng phạt” - cựu quan chức FBI Shawn Henry nêu rõ với Reuters.

Ngày 1-6, báo New York Times đưa tin Trung Quốc đã đồng ý cùng Mỹ tiến hành đối thoại thường xuyên về an ninh mạng. Cuộc gặp đầu tiên dự kiến diễn ra tháng 7-2013. Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết nội dung đối thoại sẽ không chỉ gồm tấn công tin tặc mà còn nhằm thiết lập các nguyên tắc hoạt động trong không gian ảo.

Theo Trần Phương

huongnt

Tuổi Trẻ

Trở lên trên