MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ blogger vô danh thành "nhà tiên tri" về Eurozone

11-06-2010 - 07:25 AM | Tài chính quốc tế

Nổi danh với những lời "tiên tri" về sự tồn tại của Eurozone, blogger Edward Hugh trở thành đối tượng săn đón của giới lập chính sách, các nhà kinh tế, nhà đầu tư...

Đó là kết quả sau rất nhiều bài viết trên blog từng bị lãng quên trong thời gian dài của Hugh.

Suốt nhiều năm ròng, gần như không ai mảy may bận tâm tới những lời cảnh báo không mệt mỏi về sự tồn tại của Khu vực đồng tiền euro từ blogger người Anh, Edward Hugh.

Với đồng lương giáo viên còm cõi, Hugh vẫn kiên trì viết hết bài này tới bài khác rồi đăng tải lên mạng Internet, hy vọng sẽ có người hưởng ứng.

Theo Hugh, quyết định thành lập khu vực đồng tiền chung hết sức... ngốc nghếch. Bởi lẽ những người Đức già nua, lúc nào cũng chỉ chăm chăm "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" sao có thể cùng chung sống dưới một "mái nhà" với những người Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha đầy trẻ trung và vốn đều là những tay "xài" thẻ tín dụng điêu luyện.

Nhưng giờ đây, cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu đang bắt đầu làm chao đảo thị trường thế giới, khiến đồng euro sụt giá nhanh chóng, và làm dấy lên những mối nghi ngại về tương lai của khối tiền tệ chung này. Và cũng phải tới lúc này, những bài viết đậm chất suy tư của Hugh mới nhận được sự quan tâm sát sao của đông đảo giới có ảnh hưởng trên toàn cầu, bao gồm cả những nhà lập pháp ở Nhà Trắng.

Mới đây, thậm chí ông còn được IMF mời tới Madrid để hỗ trợ phân tích tình hình kinh tế Tây Ban Nha. Hugh vui vẻ chia sẻ: "Thật thú vị! Bây giờ tôi có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người thú vị, mà họ còn phải trả tiền cho tôi để tôi đi ăn trưa với họ nữa".

Tuy thế, xét về nhiều mặt khác, cuộc sống của ông vẫn chưa thay đổi là bao. Mới tuần trước ông còn phải vay tiền bạn mua quần áo để mặc trong buổi thuyết trình trước các vị chính khách và lãnh đạo các công ty của Tây Ban Nha. Nguồn thu nhập chính của ông vẫn là dạy tiếng Anh cho người dân trong vùng, nơi ông đã sống trọn hai thập kỷ qua.

Nhưng giờ đây, lần đầu tiên mọi ánh nhìn đều hướng về Hugh tìm kiếm nguồn kiến thức và sự thông thái tuyệt vời, để giải đáp những băn khoăn xung quanh việc các chính phủ châu Âu cần phải làm gì để thoát khỏi chiếc bẫy nợ nần và tiếp tục phát triển.

Trong tất cả các bài phát biểu của mình, dù trên kênh truyền thông nào, thông điệp chính Hugh đưa ra vẫn là: Tây Ban Nha và các quốc gia khác vốn cũng đang trong cơn khốn đốn của khu vực đồng euro như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, và Italia không thể đơn phương đánh trượt giá đồng tiền chung này. Vì thế họ không còn cách nào khác là phải giảm chi phí hoạt động của nước mình đi khoảng 20%, tức là phải cắt giảm 20% tiền lương của công nhân viên chức trong cả khu vực công và tư thì mới mong phục hồi khả năng cạnh tranh, gia tăng xuất khẩu và thu về đủ lượng tiền mặt cần thiết để trả nợ.

Ông nêu câu hỏi: "Tại sao những quốc gia này không hòa nhập được với các quốc gia khác ở châu Âu? Nguyên nhân là do những khác biệt về đặc điểm dân số. Khi dân số già đi, thì những người ở độ tuổi 20 - 40 cũng ít đi, nên nhu cầu mua nhà giảm xuống, và nhu cầu tiết kiệm tăng lên. Một quốc gia có dân số càng trẻ thì càng phải dựa vào tín dụng để phát triển".

Dân số Đức có độ tuổi trung bình là 45, và đang có xu hướng thu hẹp dần. Đây là một quốc gia của những người có thói quen tiết kiệm, và chính sách công của nước này lại khuyến khích kiểm soát chặt chẽ mức lương thưởng cho người lao động, đồng thời xây dựng các ngành công nghiệp xuất khẩu.

Ngược lại, những quốc gia trẻ hơn như Hy Lạp, Ireland và Tây Ban Nha lại vẫn đang "say sưa" trong "bữa tiệc" vay mượn. Động lực chính ở đây là nhu cầu mua sắm nhà cửa và hàng tiêu dùng ngày càng tăng; trong một số trường hợp, những trào lưu này bùng phát thành những đợt bong bóng bất động sản lớn rồi vỡ vụn. Mức lương cho người lao động ở các quốc gia này ngày càng gia tăng, làm kích thích thói quen tiêu dùng, nhưng chẳng chóng thì chầy, các ngành công nghiệp của họ cũng sẽ khó mà cạnh tranh nổi với các ngành công nghiệp của những "gã hà tiện" Đức, Hà Lan, cùng nhiều quốc gia Bắc Âu khác.

Theo Hugh, phần lớn các nhà kinh tế học khác đều "dính chặt" vào những mô hình kinh tế phức tạp mà vô ích của họ, và đó là lý do "gây ra đống lộn xộn mà chúng ta gặp phải ngày nay".

Thật ra, ban đầu Hugh chĩa mũi dùi công kích vào Italia chứ không phải Hy Lạp. Nhưng có lẽ do mức nợ tổng của Italia vốn đã quá cao và dân số nước này cũng đang già đi, nên họ quyết định theo đuổi một chính sách tài chính hợp lý hơn so với các quốc gia láng giềng, giúp họ tránh được một đợt bong bóng bất động sản.

Đề xuất chính sách chủ đạo của Hugh là Đức nên rời bỏ khu vực đồng tiền chung. Mặc dù việc này sẽ khiến giá trị của đồng euro ngay lập tức bị hạ thấp, nhưng lại củng cố năng lực cạnh tranh cho các quốc gia yếu hơn đang bị bỏ lại đằng sau.

Những biểu hiện tiêu cực của khu vực đồng tiền chung cùng sự đổ xô đi tìm các bài viết của Hugh của các nhà lập chính sách, nhà đầu tư và nhà kinh tế đã và đang góp phần giúp blog của ông ngày càng nổi tiếng. Rất đông "fan" hâm mộ của Hugh thuộc giới phân tích tài chính.

Nhưng Hugh cương quyết lắc đầu trước những lời mời chào đầy hấp dẫn dành cho ông mới đây. Ông tâm sự, ông đã từ chối rất nhiều lời mời "béo bở" từ các quỹ đầu cơ vì không muốn những quan điểm của mình bị biến thành món hàng độc quyền của bất kỳ tổ chức nào.

Cái Hugh "tham lam" là thứ khác - nguồn kiến thức vô tận. "Ở thời Trung cổ, tò mò quá mức bị coi là tội lỗi. Nhưng với mạng Internet, tôi thấy mình có thể làm được bất cứ điều gì mình thích. Như thế, tôi cảm thấy mình đã làm được điều gì đó có ích" - Hugh nói.

Theo Thu Trang
Tuần Việt Nam


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên