Tỷ phú Nam Phi kiếm 66 tỷ USD chỉ bằng một vụ đầu tư
Chiến lược của tỷ phú Koos Bekker là đầu tư vào những thị trường mà các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ chưa tập trung vào
- 10-05-2015Tỷ phú Trung Quốc gây sốc khi đưa 6.400 nhân viên đi du lịch Pháp
- 27-04-2015Tỷ phú Ukraine là người giàu nhất tại Vương quốc Anh
- 12-04-2015Tỷ phú châu Á kiếm tiền giỏi nhất kể từ đầu năm đến nay
Vụ đầu tư thông minh và có phần may mắn của tỷ phú Koos Bekker vào một công ty “vô danh tiểu tốt” ở Trung Quốc đã đưa quỹ Naspers của ông trở thành doanh nghiệp hàng đầu Nam Phi.
Năm 2001, tập đoàn truyền thông mang tên Naspers do Bekker làm chủ tịch quyết định đầu tư 32 triệu USD vào một công ty Internet còn chưa ai biết đến tại Trung Quốc có tên Tencent.
Sau 14 năm, cổ phần Naspers sở hữu tại Tencent hiện có trị giá 66 tỷ USD, gần tương đương với toàn bộ vốn hoá của Naspers, theo Bloomberg. Về phần mình, Bekker đang tiếp tục săn lùng những thương vụ mới với các công ty công nghệ trên khắp thế giới.
“Những gì chúng tôi đã làm trong những năm qua là nắm lấy những mối rủi ro lớn. Nhiệm vụ hiện nay là tìm kiếm những đất nước nơi khoảng cách còn tồn tại, bởi ở nhiều nước, những cơ hội tốt đều không còn”, ông Bekker cho hay tại trụ sở Naspers tại Cape Town, Nam Phi.
Vào thời điểm Naspers mua một nửa số cổ phần của Tencent vào năm 2001 (sau này cổ phiếu bị pha loãng và tỷ lệ sở hữu của Naspers giảm xuống còn 34%), Tencent là một công ty mới thành lập tại một đất nước có rất ít người sử dụng Internet.
Ngày nay, hơn một tỷ người sử dụng các dịch vụ nhắn tin của Tencent như WeChat.
Giá cổ phiếu Naspers đã tăng hơn 500% kể từ năm 2010, phần lớn nhờ vào thành công của Tencent. Sự tăng trưởng của Naspers cũng giúp Bekker nhanh chóng trở thành tỷ phú.
Diễn biến giá cổ phiếu Naspers và Tencent
.Một thương vụ khác với tập đoàn bưu chính Mail.ru của Nga cũng thành công lớn, dù không vang dội như với Tencent. Năm 2007, Naspers mua 30% cổ phần của Mail.ru với giá 165 triệu USD, và hiện giá trị của khoản đầu tư đã lên mức 1,6 tỷ USD, dù giá cổ phiếu Mail.ru đã giảm một phần ba kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra.
Song không phải khoản đầu tư nào của Bekker cũng sinh lời. Sử dụng nguồn vốn từ mảng kinh doanh TV trả tiền vốn được thành lập vào những năm 1980, Bekker từng rót vốn vào hơn 100 công ty công nghệ khắp thế giới.
Hầu hết các vụ làm ăn đó thất bại: Các công ty bán lẻ trực tuyến tại châu Phi mà Bekker đầu tư đều thua lỗ và phải đóng cửa, và khoản đầu tư trị giá 80 triệu USD vào một công ty dịch vụ Internet tại Trung Quốc cũng một đi không trở lại.
Bên cạnh đó, những vụ đầu tư gần đây hơn của Bekker còn xa mới tới thành công. Naspers nắm 19% cổ phần của Flipkart, một công ty bán lẻ trực tuyến của Ấn Độ, và công ty này đang phải cạnh tranh khốc liệt với Amazon. Năm ngoái, Amazon tuyên bố sẽ dành 2 tỷ USD đầu mở rộng thị trường tại Ấn Độ.
Một khoản đầu tư quan trọng khác của Naspers vào thị trường Ấn Độ là trang du lịch Ibibo cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Google và Kayak.com.
Ông Bekker, hiện 62 tuổi, đang nỗ lực để chứng minh Naspers làm được nhiều hơn vai trò là một quỹ khổng lồ lớn mạnh chỉ nhờ một vụ đầu tư thành công vào Trung Quốc.
Bekker có tham vọng mở rộng sự có mặt của Naspers và đưa quỹ này thành nhà đầu tư vào thương mại điện tử hàng đầu tại những thị trường mà các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ chưa tập trung vào.
Dù cuộc chơi khó khăn, ông cho rằng nhu cầu to lớn của người tiêu dùng và doanh nghiệp tại các thị trường Ấn Độ, Trung Quốc, châu Phi và Đông Âu mang lại nhiều cơ hội cho những người biết chờ đợi đến khi các khoản đầu tư sinh lời.
“Thương mại điện tử không phải là ngành có thể làm giàu nhanh. Anh cần có rất nhiều kiên nhẫn”, ông nói.