Tỷ phú Trung Quốc: Hết “hạn” chứng khoán đến “hạn” tỷ giá
Cỗ máy sản sinh tài sản của Trung Quốc ngừng lại đã khiến những tỷ phú mới nhất của nước này điêu đứng...
- 03-08-2015Nữ tỷ phú tự thân Trung Quốc đã xây dựng sự nghiệp như thế nào? (Phần 1)
- 04-07-2015Các tỷ phú Trung Quốc mất 34 tỷ USD trong tháng 6
- 30-05-2015Tỷ phú Trung Quốc mất 6 tỷ USD chỉ trong 1 ngày
Các tỷ phú Trung Quốc nằm trong top 400 người giàu nhất thế giới đã chứng kiến khối tài sản ròng “bốc hơi” gần 100 tỷ USD trong tháng 7 khi thị trường chứng khoán nước này “rơi tự do”.
Sau đó, chứng khoán Trung Quốc phục hồi, nhưng mức phục hồi khiêm tốn khiến lượng tài sản mất mát trên được khôi phục không đáng là bao.
Theo hãng tin Bloomberg, tuần này, khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ, và giới tỷ phú nước này tiếp tục khốn đốn.
27 tỷ phú Trung Quốc trong nhóm 400 người giàu nhất thế giới đã thiệt hại tổng cộng 12 tỷ USD trong 3 ngày từ 10-12/8, khi PBoC có 3 động thái phá giá đồng tiền liên tiếp, khiến Nhân dân tệ mất giá mạnh nhất trong hai thập kỷ.
Trong cùng khoảng thời gian, chỉ số Shanghai Composite Index của thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm 1%.
Cỗ máy sản sinh tài sản của Trung Quốc ngừng lại đã khiến những tỷ phú mới nhất của nước này điêu đứng.
Trong số những tỷ phú Trung Quốc thiệt hại nhiều nhất có Lin Yongxin, chủ tịch công ty sản xuất container kim loại Sheng Xing Group. Lin trở thành tỷ phú hồi tháng 5 năm nay sau khi giá cổ phiếu của công ty tăng hơn 1.300% chỉ trong vòng một tháng kể từ khi trở thành doanh nghiệp đại chúng.
Từ chỗ là chủ nhân của khối tài sản ròng 1,4 tỷ USD vào thời điểm ngày 27/5, Lin Yongxin giờ chỉ còn là một triệu phú, với khối tài sản ròng 597 triệu USD.
Một “nạn nhân” khác là Zhou Qunfei, người nổi lên thành “bóng hồng” giàu nhất Trung Quốc, sau khi công ty Lens Technology phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hôm 18/3. Tài sản của Zhou đã tăng lên mức 13,9 tỷ USD khi cổ phiếu của Lens tăng 525%.
Hiện Zhou vẫn giữ vị trí người giàu nhất Trung Quốc, nhưng độ giàu của bà đã giảm đi nhiều. Theo số liệu của Bloomberg, giá trị tài sản ròng của nữ tỷ phú này hiện đã giảm gần một nửa, còn 7,7 tỷ USD.
Chỉ số Shenzhen Composite Index của sàn chứng khoán Thâm Quyến tăng 122% trong thời gian từ đầu năm nay đến ngày 12/6, thu hút 167 công ty thành doanh nghiệp đại chúng và đẩy mức vốn hóa của các công ty niêm yết tăng cao.
Trong khoảng thời gian này, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải tăng 60%, đẩy giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc lần đầu tiên vượt ngưỡng 10 nghìn tỷ USD.
Với mức tăng như vậy, thị trường chứng khoán được coi như “cỗ máy sinh tỷ phú” của Trung Quốc.
Trong nửa đầu năm 2015, Bloomberg phát hiện Trung Quốc có thêm 50 tỷ phú mới. Tài sản của các tỷ phú này hầu hết đều nằm trong cổ phần của họ trong các doanh nghiệp niêm yết. Vào thời điểm ngày 12/6, tổng tài sản của nhóm tỷ phú mới này là hơn 80 tỷ USD.
Trong vòng hai tháng qua, nhóm này đã “mất đứt” khoảng 20 tỷ USD, và đối với 19 người trong số họ, danh hiệu tỷ phú chỉ còn là “quá khứ”.
vneconomy